Đak Đoa đẩy mạnh thực hiện công tác xã hội hóa giáo dục

Cập nhật 16/11/2019, 09:11:02

Những năm qua, ngành Giáo dục huyện Đak Đoa đã nỗ lực đẩy mạnh phát triển giáo dục một cách toàn diện. Tuy nhiên, ở một số xã, thị trấn, điều kiện cơ sở vật chất nhà trường còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng kịp thời cho việc giảng dạy và học tập, cũng như chăm lo đời sống học sinh. Để từng bước khắc phục những hạn chế, ngoài sử dụng nguồn ngân sách, các trường học đã chủ động kêu gọi sự ủng hộ, đóng góp của xã hội trong việc trang bị cơ sở vật chất phục vụ nhu cầu học tập và sinh hoạt của học sinh.

      

Kể từ năm học 2019 – 2020, các cháu học sinh bán trú của Trường Mầm non thị trấn Đak Đoa, thay vì ngủ trưa trên chiếc chiếu mỏng, nóng nực vào mùa khô và lạnh lẽo vào mùa mưa như trước đây, sẽ được nằm trên những chiếc giường rất chắc chắn như thế này. Nhà trường đảm bảo mỗi cháu một giường để có giấc ngủ trưa được trọn vẹn. Gần 400 chiếc giường đều do đóng góp của phụ huynh có con đang theo học tại trường.

Cô Trần Thị Hoa – Trường Mầm non TT. Đak Đoa, Đak Đoa, Gia Lai chia sẻ “Trước các cháu nằm trên chiếu, rất lạnh và hay nói chuyện với nhau. Giờ thì giấc ngủ của các cháu cũng tốt hơn, việc chăm sóc các cháu với cô cũng nhẹ nhàng hơn”

Việc huy động xã hội hóa tại Trường Mầm non thị trấn Đak Đoa được thực hiện theo nguyên tắc trước khi xây dựng kế hoạch thì Ban giám hiệu nhà trường phải thông qua Hội đồng sư phạm, cũng như xin ý kiến của Chi bộ. Đồng thời, ban đại diện hội cha mẹ phụ huynh các lớp đều được thảo luận vào dự thảo kế hoạch, niêm yết trước cổng trường trong vòng 15 ngày trước khi trình lên cấp trên để xin chủ trương, nếu được phê duyệt thì nhà trường mới tiến hành làm. Bằng cách làm công khai, minh bịch, đến nay đã có rất nhiều hạng mục nhà trường thực hiện được bằng nguồn xã hội hóa như giường ngủ, mái che di động, khu vui chơi của các cháu….với tổn kinh phí hơn 100 triệu đông

Anh Diệp Đại Phong – Phụ huynh học sinh Trường Mầm non TT. Đak Đoa, Gia Lai chia sẻ “Tôi là phụ huynh có con đang học ở trường mầm non thị trấn, việc xã hội hóa tôi thấy nên làm vì nó có nhiều lợi ích cho con em chúng ta trong việc học ở trường này, thứ nhất nó tạo được môi trường học tập tốt, thứ 2 góp phần xây dựng cơ sở vật chất tốt hơn để các cháu có thể hoàn thiện thể chất.”

Ông Bùi Văn Hớn – Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Đak Đoa, Gia Lai nói “Công tác xã hội hóa giáo dục thì ngành thực hiện theo Thông tư 16 của Bộ giáo dục, trên nguyên tắc phải  có sự đồng thuận của nhân dân thì mới làm. Kết quả đến nay đã tạo điều kiện tương đối để phục vụ công tác dạy và học, dù nhỏ thôi nhưng cũng góp phần nâng cao chất lượng giáo dục tại các nhà trường.”

Cũng theo lãnh đạo Phòng GD&ĐT huyện Đak Đoa, đến nay toàn bộ 55 trường học trên địa bàn huyện  thực hiện công tác xã hội hóa giáo dục với số tiền lên đến hàng tỉ đồng, góp phần giảm bớt gánh nặng về ngân sách cho nhà nước nhưng vẫn đảm bảo chất lượng giáo dục trong nhà trường. Đặc biệt, nhiều trường học còn huy động nguồn xã hội hóa trong công tác chăm sóc sức khỏe và nâng cao thể chất cho học sinh.

Ông Võ Thanh Hồng – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nam Yang, huyện Đak Đoa, Gia Lai cho biết “Từ nguồn xã hội hóa thì tất cả các dãy phòng học, các lầu của nhà trường đều có nguồn nước sạch cho các em sử dụng. Một cái nữa là nhà trường cũng rất chú trọng là xây dựng khu nhà vệ sinh cho các em. Và cũng từ nguồn xã hội hóa thì nhà trường được sự thỏa thuận của phụ huynh học sinh, cho nên bảo vệ của nhà trường vừa làm công tác tạp vụ, dọn vệ sinh nên khu nhà vệ sinh lúc nào cũng đảm bảo được sạch sẽ để đảm bảo sức khỏe cho học sinh”

Những kết quả đạt được trong công tác xã hội hóa giáo dục tại huyện Đak Đoa đã góp phần sẻ chia những khó khăn về nguồn ngân sách mà các trường học đang gặp phải. Đó cũng chính là động lực, sức mạnh để thầy cô và các em học sinh vươn lên trong sự nghiệp trồng người./.

Quốc Linh – Viễn Khánh


Lượt xem: 93

Trả lời