Những phát hiện và nghiên cứu khảo cổ ở An Khê – Tầm nhìn mới để vững bước trên đường phát triển

Cập nhật 17/9/2020, 07:09:00

Năm 2014 là năm di tích khảo cổ sơ kỳ Đá cũ đầu tiên, mang tên Kỹ nghệ An Khê được phát hiện. Trong hơn 5 năm nghiên cứu, đã hé mở những thông tin quan trọng bậc nhất về lịch sử loài người tại Việt Nam. Những phát hiện và kết quả được công bố về nghiên cứu khảo cổ ở An Khê không chỉ gây chấn động trong giới khảo cổ trên thế giới, mà còn mở ra tầm nhìn mới để vững bước trên đường phát triển.

Tại Việt Nam trước đây, những dấu tích xa xưa nhất được tìm thấy là di chỉ của người đứng thẳng, có niên đại cách ngày nay khoảng nửa triệu năm, đó là di chỉ hang Thẩm Hai, Thẩm Khuyên, ở tỉnh Lạng Sơn, Núi Đọ, tỉnh Thanh Hóa, Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai, nhưng trong 5 năm trở lại đây, các nhà nghiên cứu đã có một phát hiện mới đẩy niên đại này đi xa hơn, đó là những phát hiện tại thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai, được xác định từ 0,7-0,9 triệu năm cách ngày nay…

Thị xã An Khê là cửa ngõ phía Đông Bắc của tỉnh Gia Lai, vùng đất nằm ở sườn phía Đông của dãy Trường Sơn trên bậc thềm chuyển tiếp giữa Cao nguyên và miền Duyên Hải Trung bộ. Năm 2014, các nhà khảo cổ học đã phát hiện ở đây 5 di chỉ sơ kỳ đá cũ, số lượng này tiếp tục tăng lên sau những cuộc nghiên cứu quy mô lớn hơn theo chương trình hợp tác nghiên cứu khảo cổ học Việt – Nga. Đến nay, đã phát hiện 25 địa điểm… nhưng đây chưa phải là con số cuối cùng. Sự xuất hiện dày đặc những địa điểm của sơ kỳ đá cũ khiến An Khê trở nên bí ẩn trong những nghiên cứu về lịch sử loài người…

PGS.TS Nguyễn Khắc Sử, Viện Khảo cổ học Việt Nam nhận xét: “Khi phát hiện địa điểm này, chúng tôi không nghĩ nó lại cổ thế, chưa hiểu niên đại thế nào cả, khi nghiên cứu chúng tôi tạm xác nhận đây là di tích khảo cổ học có tổ hợp công cụ khác với tất cả các địa điểm sơ kỳ đá cũ mà chúng ta được biết ở Việt Nam. Đây là phát hiện khảo cổ học rất quan trọng mở đầu cho toàn bộ chương trình nghiên cứu hệ thống Di tích Sơ kỳ Đá cũ ở An Khê”.

Nhằm làm rõ về quá trình tiến hóa của người hiện đại trên các châu lục, cũng như diễn trình, các giai đoạn sơ kỳ Đá cũ được khai phá ở An Khê, tháng 10/2016 và tháng 3/2019, tỉnh Gia Lai phối hợp với Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học Nga đã tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế về sơ kỳ đá cũ An Khê, với sự tham gia của nhiều học giả trong và ngoài nước. Tại các kỳ hội thảo, các nhà khoa học đã đưa ra nhiều luận cứ xác minh về niên đại, giá trị, vai trò, cũng như những đóng góp quan trọng của sơ kỳ Đá cũ An Khê trong sự tiến hóa của loài người…

Tiến sỹ Masojé Miroslaw, Viện Khảo cổ học, Đại học Wrocclaw, Ba Lan nêu: “ Những gò đá cũ ở An Khê rất quan trọng và nó là điểm mới và có thể đại diện cho 1 vùng đất rất lớn và có thể so sánh với các nơi và đây là điểm, vị trí quan trọng hàng đầu ở Châu Á trong quá trình phát triển và tiến hóa của loài người. Về kỹ nghệ làm đá thì Đá cũ ở An Khê cũng không khác gì so với ở khu vực Châu Phi”.

PGS.TS Nguyễn Khắc Sử, Viện Khảo cổ học Việt Nam cũng đánh giá: “Như chúng ta đã biết, con người xuất hiện lúc nào, thì lịch sử vùng đất đó được tính từ đó. Chúng tôi tin rằng, từ kết quả nghiên cứu và qua hội thảo đã được tổ chức, chúng ta sẽ có thêm nhiều cái nhìn và được thế giới công nhận”.

Ở An Khê hiện chưa tìm thấy di cốt người hóa thạch trung kỳ cánh tân như ở Châu Phi và một số nơi khác trên thế giới, xong đáng chú ý là các nhà nghiên cứu đã phát hiện được rất nhiều mảng thiên thạch, là cơ sở để xác định niên đại tuyệt đối của những di chỉ này. Có khoảng 600 mảng thiên thạch đã được tìm thấy trong lòng đất, từ đó có thể khẳng định An Khê chính là mốc mở đầu của lịch sử loài người trên dải đất hình chữ S, thung lũng An Khê cũng chính là địa điểm cổ xưa nhất của khu vực Đông Nam Á, tương đương với địa điểm Bách Sắc của Trung Quốc. Chính điều này đã đưa An Khê trở thành địa điểm khảo cổ mang tầm vóc quốc tế.

Suốt hơn 5 năm qua, nhiều nhà nghiên cứu của Liên Bang Nga đã miệt mài cùng với các nhà khảo cổ Việt Nam trong hành trình nghiên cứu An Khê, họ đã để lại một nguồn tư liệu quý giá về vùng đất này, đó là các bảo tàng ngoài trời, và bảo tàng trong nhà với đa dạng hiện vật như thế này…

Viện sỹ, GS.TS Anatoly Panteleevich Derevianko, Viện trưởng Viện Khảo cổ học và Dân tộc học Novosibirsk cũng nói: “Tôi thấy, chúng ta đã làm như thế này là rất tuyệt vời rồi, song để phát huy những di tích khảo cổ này thì cần phải dựa vào dân, vì chính người dân là người trực tiếp hưởng lợi từ những nghiên cứu của các nhà khoa học, vấn đề quan trọng là chúng ta giáo dục cho thế hệ trẻ trong các trường học để các cháu biết được, hiểu được và tự hào về mảnh đất của quê hương mình. Và cũng từ các cháu sau này lớn lên có trách nhiệm bảo vệ và phát huy giá trị của những di tích này”.

Bà Nguyễn Thị Thanh Lịch, Bí thư Thị ủy An Khê, Gia Lai cho biết: “Chúng tôi sẽ tham mưu cho tỉnh trong việc lập quy hoạch và có kế hoạch khoanh vùng bảo vệ khu di tích này. Song song với đó thì chúng tôi mong muốn rằng từng bước thiết lập cơ sở hạ tầng cũng như xây dựng bảo tàng ngoài trời để bảo vệ những hố khai quật và dần hình thành khu nghiên cứu, nghỉ dưỡng gắn với nông nghiệp công nghệ cao tại vùng này để người dân có lợi ích kinh tế đi cùng và chính người dân, cộng đồng sẽ làm tốt việc bảo vệ và phát huy các giá trị của văn hóa, lịch sử”.

Hành trình nghiên cứu về vùng đất An Khê sẽ còn tiếp tục và được kỳ vọng mở ra nhiều triển vọng mới. Và có thể sẽ có thêm những phát hiện quan trọng trong thời gian tới, để biến vùng đất này thành trung tâm nghiên cứu lịch sử văn hóa nhân loại ở tầm quốc gia và quốc tế, gắn với tầm nhìn chiến lược phát triển kinh tế-xã hội vùng Tây Nguyên nói chung và thị xã An Khê nói riêng…/.

Song Nguyễn –Thanh Sáng – Minh Trí


Lượt xem: 223

Trả lời