Giáo dục-đào tạo Gia Lai-thành quả và những khó khăn cần khắc phục

Cập nhật 04/7/2020, 09:07:15

Nhiệm kỳ 2015-2020, dưới sự chỉ đạo của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Gia Lai, ngành GD&ĐT Gia Lai đã tập trung thực hiện Nghị Quyết số 44 ngày 9/6/2014 của Chính phủ về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 29 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Đồng thời, xây dựng chương trình, kế hoạch, đề án, các mục tiêu và giải pháp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo trên địa bàn tỉnh đạt được những kết quả rất quan trọng. Tuy nhiên, là tỉnh miền núi với xuất phát điểm kinh tế-xã hội thấp, có 34 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm gần 46% nên việc phát triển giáo dục và đào tạo ở Gia Lai vẫn còn gặp một số khó khăn và thách thức cần phải tháo gỡ trong thời gian tới.

Giai đoạn 2015-2020, quy mô mạng lưới cơ sở giáo dục và đào tạo trên địa bàn tỉnh Gia Lai không ngừng được mở rộng. Cơ sở vật chất ngày càng được quan tâm đầu tư theo hướng chuẩn hóa, kiên cố hóa. Trong nhiệm kỳ, toàn ngành đã bố trí hơn 358 tỷ đồng để đầu tư tăng cường cơ sở vật chất; trong đó xây dựng 38 phòng học mầm non, 131 phòng học tiểu học, 62 phòng học trung học cơ sở và 898 phòng ở công vụ cho giáo viên. Toàn tỉnh hiện có 768 trường mầm non và phổ thông, trong đó có 263 trường mầm non, 220 trường tiểu học, 169 trường trung học cơ sở, 66 trường tiểu học và trung học cơ sở, 45 trường trung học phổ thông và 5 trường trung học cơ sở và trung học phổ thông, đáp ứng tốt hơn nhu cầu phát triển giáo dục và đào tạo.

Không chỉ quan tâm đầu tư mở rộng quy mô trường, lớp mà chất lượng giáo dục cũng ngày càng được nâng lên. Đặc biệt, năm học 2019-2020, tỷ lệ huy động trẻ mẫu giáo trong độ tuổi đến lớp đạt 88,5%; tỷ lệ học sinh đi học đúng tuổi cấp tiểu học đạt 99,9%, cấp trung học cơ sở đạt 90%, tăng 13,7%, trung học phổ thông đạt 52%. Tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia đạt 50%, vượt chỉ tiêu so với kế hoạch đề ra.

Với đặc thù của địa phương có nhiều học sinh là người DTTS thì việc triển khai các mô hình trường học bán trú luôn được ngành chú trọng để góp phần thực hiện tốt công tác duy trì sĩ số học sinh, nâng cao chất lượng giáo dục ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS. Nhiều địa phương như huyện Phú Thiện đã thành công khi triển khai mô hình này, trở thành điểm sáng cho các địa phương khác tham quan, học tập.

Chị Ksor H’Uynh, Phụ huynh Trường Tiểu học Kpă KLơng, xã Ia Peng, huyện Phú Thiện, Gia Lai nói: “Với mô hình trường bán trú thì mình cảm thấy an tâm hơn, con của mình được ăn, nghỉ tại trường, chất lượng học tập của con được nâng lên”.

Thầy Phan Công Đương, Hiệu trưởng Trường THCS Lê Quý Đôn, xã Ia Peng, huyện Phú Thiện, Gia Lai cho biết: “Qua 3 năm áp dụng mô hình bán trú theo đặc thù của huyện tại nhà trường đã mang lại nhiều kết quả rất là tích cực, tỷ lệ học sinh ra lớp tăng lên, cụ thể là sau 3 năm số lượng học sinh từ  324 học sinh đã tăng lên 348 học sinh. Tỷ lệ học sinh nghỉ học và bỏ học theo mùa vụ đã giảm rất là rõ rệt. Đặc biệt tỷ lệ duy trì sĩ số học sinh tăng từ 93,4 % tăng lên 98,2%.

Bên cạnh công tác duy trì sĩ số học sinh, nâng cao chất lượng giáo dục thì một trong những vấn đề trọng tâm khác luôn được các nhà trường quan tâm đó là giúp học sinh giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc và bổ sung tiếng Việt cho học sinh là người dân tộc thiểu số. Để làm được điều này nhiều giáo viên đã tận tâm cống hiến cho sự nghiệp trồng người.

Cô Trần Thị Kim Loan, Tổng phụ trách Đội Trường DTNT huyện Ia Grai, Gia Lai cho biết: “Đối với trường DTNT việc giữ gìn và phát huy các giá trị VH có vai trò rất quan trọng. Nhà trường đã tạo một truyền thống rất lâu rồi, lãnh đạo rất quan tâm đến việc phát huy giá trị văn hóa truyền thống của DT. Trước truyền thống này thì cá nhân cảm thấy cần phát huy để đảm nhiệm tốt hơn nhiệm vụ này nên cùng các em tham gia các hoạt động liên quan đến cồng chiêng, đàn T’rưng, Xoang.

Đối với nhà giáo trẻ thì hầu hết đều tâm huyết, nhiệt tình trong các hoạt động phong trào. Cái họ mong muốn là đem đến cho thế hệ trẻ sự phát triển toàn diện và có tương lai tốt đẹp hơn”.

Cô Nguyễn Thị Anh Đào, Trường TH-THCS Lương Thế Vinh, xã Ya Hội, huyện Đak Pơ, Gia Lai cũng cho biết: “Sau khi nghỉ hè các em không được đi học thêm như ở vùng thuận lợi mà theo bố mẹ lên rẫy nên đôi khi quên cái chữ nên nhà trường cho đi học để các em học tập tốt hơn trong năm học mới. Cũng có vất vả nhưng vì nhiệt huyết của người giáo viên yêu nghề mến tr.  Cũng không thấy thiệt thòi vì mình quen với vùng này rồi. Mỗi ngày thấy các em đến lớp là  mình đã thấy vui rồi, các em không ra lớp thì thật là buồn”.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, trong nhiệm kỳ qua công tác giáo dục và đào tạo ở Gia Lai vẫn còn một số hạn chế như cơ sở vật chất, thiết bị dạy học chưa được trang bị đủ, nhiều nơi còn thiếu phòng học, phòng chức năng. Chất lượng, hiệu quả của giáo dục đào tạo chưa đồng đều giữa các vùng; giáo dục đạo đức, kỹ năng sống cho học sinh vẫn còn hạn chế; an ninh học đường ở một số nơi chưa đảm bảo, tình trạng bỏ học vẫn còn diễn ra. Chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nhân lực có trình độ cao chưa đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa; chính sách thu hút nhân tài kết quả chưa cao. Công tác tuyển sinh đại học, cao đẳng, trung cấp trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn về nguồn tuyển sinh. Một số địa phương gặp khó khăn trong việc xã hội hóa giáo dục. Theo đó toàn ngành sẽ tập trung mọi nguồn lực để đạt được nhiều thành tựu hơn trong thời gian tới.

Đặc biệt, trong nhiệm kỳ 2020-2025, ngành GD&ĐT Gia Lai tiếp tục triển khai có hiệu quả Kết luận số 51 của Ban Bí thư  thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 (khóa XI) về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Thực hiện tốt Đề án  Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học giai đoạn 2018-2025 của Chính phủ; tham gia hưởng ứng tích cực phong trào Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở giai đoạn 2019-2025; Đồng thời triển khai thực hiện 9 nhóm nhiệm vụ và 5 nhóm giải pháp cơ bản theo Chỉ thị nhiệm vụ trọng tâm năm học hàng năm của Bộ GD&ĐT./.

 Lệ Xuân, R’Piên


Lượt xem: 487

Trả lời