Gia Lai thực hiện tốt công tác chăm lo người có công.

Cập nhật 17/9/2020, 10:09:23

“Uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ người trồng cây” là truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta. Nhiệm kỳ 2015-2020, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, sự điều hành của UBND tỉnh, các cấp, các ngành đã huy động nguồn lực, sức mạnh cộng đồng, các tổ chức, cá nhân cùng chung tay thực hiện tốt công tác chăm lo người có công, để chăm lo nâng cao đời sống gia đình chính sách.

Hàng năm, từ tỉnh đến cơ sở đã dành một phần kinh phí để thăm hỏi, tặng quà động viên các thương binh, thân nhân liệt sỹ; thực hiện tốt các chính sách ưu đãi người có công.

Trên cơ sở các văn bản của Trung ương, Tỉnh ủy, UBND tỉnh ban hành nhiều nghị quyết, kế họach để chỉ đạo các cấp, các ngành triển khai thực hiện sâu rộng chính sách đối  với người có công. Đặc biệt là Kế hoạch số 104 năm 2017 của Ban thường vụ Tỉnh ủy về triển khai thực hiện Chỉ thị số 14 của Ban bí thư Trung ương đảng về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người có công với cách mạng. Hàng năm, từ tỉnh đến cơ sở đã dành một phần kinh phí để thăm hỏi, tặng quà động viên các thương binh, thân nhân liệt sỹ; thực hiện tốt các chính sách ưu đãi người có công; hỗ trợ nguồn vốn, cung cấp giống cây trồng vật nuôi, tạo điều kiện cho gia đình chính sách mở rộng phát triển sản xuất.

Ông Lê Trọng-  Chủ tịch UBND huyện Mang Yang cho biết: “Chính quyền địa phương rất quan tâm đến công tác người có công. Hàng năm thì vận động đóng góp nguồn quỹ giúp đỡ gia đình chính sách khó khăn, đồng thời trích ra nguồn kinh phí của địa phương để hỗ trợ gia đình có công về cây trồng vật nuôi để phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập kinh tế gia đình; các dịp lễ thì đi thăm động viên và hỗ trợ cho họ khi ốm đau, gặp khó khăn trong cuộc sống để tiếp thêm cho họ động lực vươn lên trong cuộc sống”.

Các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội của tỉnh đã tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức vận động cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân chăm lo tốt hơn đời sống vật chất, tinh thần đối với thương binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng bằng những hành động thiết thực. Đặc biệt, phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” đã được các cấp, các ngành, tổ chức chính trị xã hội, các doanh nghiệp hưởng ứng tích cực, tạo sự lan tỏa mạnh mẽ trong mọi tầng lớp nhân dân….Từ nguồn quỹ đền ơn đáp nghĩa đã xây dựng và trao tặng 352 căn Nhà tình nghĩa với số tiền hơn 15 tỷ đồng, sửa chữa 75 căn Nhà tình nghĩa cho các gia đình chính sách có công với cách mạng khó khăn về nhà ở. Với những chính sách ưu tiên của nhà nước và địa phương, cộng với nỗ lực của bản thân, nhiều thương binh, gia đình có công với cách mạng đã vươn lên thoát khỏi đói nghèo, cuộc sống từng bước ổn định và nâng cao

Bà Nguyễn Thị Phương Thảo- Trưởng Phòng LĐ-TB&XH huyện Ia Grai cũng cho biết: “Phòng đã tham mưu cho huyện triển khai nhiều họat động giúp đỡ gia đình người có công. Phong trào đền ơn đáp nghĩa phát triển lan rộng, huy động nguồn quỹ để hỗ trợ gia đình chính sách khó khăn về nhà ở và các điều kiện khác để họ phát triển sản xuất nâng cao đời sống và thoát nghèo. Đến nay thì không còn gia đình chính sách trong diện nghèo và hầu hết các gia đình đều có nhà ở ổn định và địa phương tiếp tục sẽ có những chương trình hỗ trợ để gia đình chính sách có cuộc sống được tốt hơn”..

Ông Nguyễn Xuân Ri- Xã Phú Cần, huyện Krông Pa nói: “Gia đình tôi là gia đình có công với cách mạng,tôi được nhận đầy đủ và kịp thời các chế độ chính sách của nhà nước. Gia đình được hỗ trợ xây nhà, được ở trong ngôi nhà mới như thế này, tôi thấy rất là vui và tôi xin cảm ơn các cấp đã hỗ trợ cho gia đình tôi có tiền để xây dựng nhà”.

Hiện nay trên địa bàn tỉnh đã có hơn 65.000 trường hợp được giải quyết chế độ, chính sách người có công, trong đó có 56% thuộc đối tượng người đồng bào dân tộc thiểu số. Hiện tại có trên 12.000 đối tượng đang hưởng trợ cấp hàng tháng. 16 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng còn sống đã được xây dựng nhà tình nghĩa và được các cơ quan, đơn vị nhận phụng dưỡng, chăm sóc suốt đời. Phong trào đền ơn đáp nghĩa, uống nước nhớ nguồn, chăm sóc thương binh, gia đình liệt sỹ, người có công với cách mạng đang được tiếp tục triển khai đồng bộ mang tính xã hội hóa cao.

Ông Nguyễn Thành Huế- Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH  cho biết: “Thời gian tới, ngành sẽ tập trung thực hiện đầy đủ, kịp thời, hiệu quả các chính sách ưu đãi NCC với cách mạng; tiếp tục thực hiện đồng bộ Pháp lệnh Ưu đãi NCC với cách mạng; đẩy mạnh các phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn” nhằm huy động mọi nguồn lực trong xã hội, cộng đồng cùng Nhà nước chăm sóc tốt hơn đời sống vật chất, tinh thần của NCC với cách mạng”.

Những việc làm trong công tác đền ơn đáp nghĩa trên địa bàn tỉnh không chỉ là đạo lý truyền thống uống nước nhớ nguồn mà còn khơi dậy truyền thống anh hùng cách mạng, để mỗi người nêu cao tinh thần trách nhiệm của mình đối với đất nước, đặc biệt là đối với những người đã hiến dâng một phần xương máu hoặc cả cuộc đời mình để giành độc lập, tự do cho Tổ quốc./.

Ngọc Ánh, Duy Linh, CTV Sơn Trung ( Krông Pa )


Lượt xem: 56

Trả lời