Ngày làm việc thứ ba của Đại hội XIII: Thảo luận Văn kiện đại hội  

Cập nhật 27/1/2021, 18:01:43

Hôm nay (28/01), Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng bước sang ngày làm việc thứ 3, các đại biểu làm việc chung tại hội trường thảo luận các văn kiện trình Đại hội. Thay mặt Đoàn Chủ tịch Đại hội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc điều hành phiên làm việc buổi sáng; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính điều hành phiên làm việc buổi chiều. Sau đây là phản ánh của nhóm phóng viên Đài PT-TH Gia Lai từ Thủ đô Hà Nội.

 Phát biểu tham luận tại Đại hội XIII, các đại biểu thống nhất cao với các văn kiện trình Đại hội.

Phát biểu tham luận tại Đại hội XIII, các đại biểu thống nhất cao với các văn kiện trình Đại hội, được chuẩn bị rất công phu, khoa học, chất lượng; là sản phẩm kết tinh trí tuệ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta; quán triệt sâu sắc nguyên tắc kết hợp nhuần nhuyễn giữa lý luận và thực tiễn, giữa kiên định và đổi mới, giữa kế thừa và phát triển; thể hiện rõ sự thống nhất giữa “ý Đảng, lòng dân”. Đặc biệt là Báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng do Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trình bày tại Phiên Khai mạc Đại hội diễn ra sáng hôm qua thể hiện tầm cao trí tuệ của Đảng ta về đường lối, chủ trương, quyết sách sáng suốt để hiện thực hóa khát vọng của dân tộc về xây dựng Việt Nam hùng cường, hạnh phúc. Cán bộ, đảng viên và Nhân dân trong cả nước luôn tin tưởng vào sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, kỳ vọng vào tương lai tươi sáng của dân tộc ta.

Đồng chí Trần Thanh Mẫn – Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nêu: “Đoàn kết toàn dân tộc là truyền thống quý báu của dân tộc ta, được hun đúc qua hàng ngàn năm lịch sử dựng nước và giữ nước. Tinh thần yêu nước, trọng nhân nghĩa, đùm bọc lẫn nhau đã thấm sâu vào tình cảm và hành động của mỗi người dân đất Việt trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam. Đại đoàn kết toàn dân tộc đã tạo nguồn sức mạnh, lập nên những kỳ tích vẻ vang, là điều kiện cơ bản cho sự thành công sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc trước đây, cũng như công cuộc đổi mới xây dựng, phát triển đất nước ngày nay. Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, quyết sách về đại đoàn kết toàn dân tộc để tổ chức Mặt trận thực hiện tốt nhiệm vụ tập hợp, xây dựng, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội;đại điện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; giám sát và phản biện xã hội, tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước, hoạt động đối ngoại nhân dân, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc…. Để phát huy những kết quả đã đạt được, khắc phục những hạn chế, các cấp ủy đảng, chính quyền, cả hệ thống chính trị cần quán triệt sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết toàn dân tộc và Mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam; thực hiện nhất quán quan điểm “cách mạng là sự nghiệp của Nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân”.

Phấn khởi trước những thành tựu đặc biệt quan trọng đất nước ta đã đạt được có ý nghĩa lịch sử dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, các đại biểu thống nhất cao với 12 định hướng chiến lược, 6 nhiệm vụ trọng tâm, 3 khâu đột phá chiến lược trong nhiệm kỳ XIII và những năm tiếp theo; đồng thời đề ra các giải pháp khả thi trên tinh thần đổi mới sáng tạo của ngành, lĩnh vực, địa phương mình để góp phần cùng cả nước thực hiện thắng lợi mục tiêu “phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành một nước phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa”.

Đồng chí Đinh Tiến Dũng – Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng- Bộ trưởng Bộ Tài chính phát biểu: “Ban cán sự đảng bộ Tài chính xác định nhiệm vụ trọng tâm của ngành tài chính giai đoạn tới là: Tiếp tục đổi mới hoàn thiện thể chế tài chính, cơ cấu lại ngân sách Nhà nước nợ công, nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy kinh tế phát triển; Đẩy mạnh đổi mới khu vực sự nghiệp công lập, tiếp tục sắp xếp tinh gọn bộ máy, tổ chức… Xây dựng và hoàn thiện nền tài chính quốc gia theo hướng hiện đại, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước”.

Đồng chí Nguyễn Xuân Cường – Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT phát biểu: “Trong giai đoạn tới Ban cán sự Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhất trí cao với các dự thảo, văn kiện, quan điểm, mục tiêu, định hướng, nhiệm vụ chủ yếu của  phát triển nông nghiệp là: Phát triển hàng hóa tập trung, quy mô lớn theo hướng hiện đại, ứng dụng công nghệ cao, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; Phát triển nông nghiệp xanh, nông nghiệp thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu; Tiếp tục xây dựng Chương trình  mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới đi vào chiều sâu, hiệu quả, bền vững”.

Một trong những nội dung được các đại biểu đặc biệt quan tâm và đồng thuận cao đó là trong văn kiện trình Đại hội XIII Trung ương tiếp tục thể hiện quyết tâm tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát; kiên quyết xử lý tham nhũng, lãng phí, tiêu cực gắn với kiểm soát tốt quyền lực; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ với hệ thống chính sách và pháp luật chặt chẽ, khoa học. Ủy ban Kiểm tra Trung ương tiếp tục tham mưu đắc lực cho Bộ Chính trị, Ban Bí thư lãnh đạo, chỉ đạo triển khai tốt nhiệm vụ kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng.

Đồng chí Mai Trực – Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương cũng nêu: “Ngay sau Đại hội, công tác kiểm tra, giám sát của Đảng phải bám sát nhiệm vụ chính trị và công tác xây dựng Đảng nói chung cũng như thực tiễn của từng địa phương, đơn vị. Đổi mới, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên của cấp ủy đảng đối với công tác này, Tiếp tục chỉ đạo nghiên cứu xây dựng hoàn thiện hệ thống các quy định về công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng và hoàn thiện các quy định của pháp luật liên quan. Đồng thời xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và các quy định về phòng chống tham nhũng, lãnh phí gắn với cơ chế kiểm soát quyền lực và kỷ luật của Đảng, kỷ luật hành chính, xử lý bằng pháp luật gắn với việc xây dựng hoàn thiện cơ ché , chính sách đố với cán bộ, công chức, viên chức để cán bộ, đảng viên “không thể tham nhũng”, “không dám tham nhũng”, “không cần tham nhũng”; có cơ chế để bảo vệ, khuyến khích cán bộ, đảng viên dám nghĩa, dâm làm, mạnh dạn đi đầu trong đổi mới vì sự phát triển. Việc đánh giá, xử lý các sai phạm cần đặt trong những điều kiện, hoàn cảnh lịch sử cụ thể để có quan điểm xử lý khách quan, đúng đắn, phù hợp”.

Vì sự trưởng thành và phát triển không ngừng của Đảng ta, nhiều đại biểu cũng đã đóng góp những ý kiến rất tâm huyết, trí tuệ, chất lượng nhằm góp phần hoàn thành văn kiện Đại hội XIII đảm bảo là sản phẩm trí tuệ, sáng tạo của toàn Đảng, toàn dân và toàn dân ta để làm cơ sở hiện thực hóa khát vọng xây dựng đất nước không ngừng phát triển, phồn vinh, giàu mạnh./.

Hà Đức, R’Piên


Lượt xem: 24

Trả lời