Đa dạng hóa ngành nghề trong phát triển hợp tác xã

Cập nhật 26/10/2020, 08:10:44

Phát triển kinh tế hợp tác xã (HTX) trên địa bàn tỉnh Gia Lai những năm qua đã và đang đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế-xã hội chung của tỉnh; đặc biệt là sự đóng góp của các HTX nông nghiệp cho sự nghiệp công nghiệp hóa – hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Kết quả này có được khi ngày càng nhiều HTX đã mạnh dạn, chủ động trong việc đa dạng hóa các ngành nghề hoạt động của HTX để nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Phóng sự được thực hiện tại HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Đak Krong ở xã Đak Krong, huyện Đak Đoa.

Với mục tiêu gia tăng giá trị sản phẩm cà phê của HTX, đến nay phần lớn diện tích cà phê của các thành viên HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Đak Krong cũng như thành viên liên kết của HTX gần như đều theo tiêu chuẩn 4C. Được tập huấn về kỹ thuật sản xuất, được chuyển giao khoa học kỹ thuật; nhờ đó, năng suất cà phê đạt cao, chất lượng cà phê đảm bảo theo yêu cầu của thị trường. Bên cạnh đó, các thành viên còn được bao tiêu toàn bộ sản phẩm, được hỗ trợ về giá nên rất yên tâm. Đồng thời để tiếp tục vận động nông dân tham gia liên kết sản xuất nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập; HTX cũng đã đầu tư máy móc để chế biến cà phê tươi thành cà phê nhân và thu mua, nhận ký gửi hàng nông sản cho bà con thông qua hợp tác với các công ty Vĩnh Hiệp, Hoa Trang và Bắc Tây Nguyên nhằm ổn định về giá cho thành viên HTX và thành viên liên kết.

Ông Hà Văn Kiếm – Chủ tịch HĐQT HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Đak Krong, huyện Đak Đoa  cho biết: “Giờ mà không làm theo chuỗi giá trị này thì cà phê bán không có giá. Làm theo chuỗi giá trị này nếu không làm ra cà phê bột hay chỉ xuất cà phê thô thôi thì nó cũng sẽ gấp rưỡi, gấp đôi hoặc gấp 3 phụ thuộc theo chất lượng”.

Ông Nguyễn Kim Anh – Trưởng phòng NN&PTNT huyện Đak Đoa cũng nói: “Cũng đang dần hướng các HTX theo HTX kiểu mới để đa dạng hóa các sản phẩm và trên tinh thần như vậy thì các HTX cũng phải có phương án sản xuất và thu hút nhiều thành viên để có lợi nhuận và HTX mới tồn tại, phát triển”.

Tận dụng lợi thế về điều kiện tự nhiên và được sự hỗ trợ của huyện Đak Đoa về nguồn cá giống cũng như 50% chi phí mua thức ăn cho cá, từ tháng 9 vừa qua, HTX đã mạnh dạn triển khai thực hiện thêm mô hình mới là nuôi cá lồng bè trên nguồn nước từ thủy điện Đak Đoa. Hiện tại với 4 lồng bè, diện tích 360m2/lồng, bước đầu HTX đã đưa vào nuôi thử nghiệm 03 loại cá gồm: Cá lăng, cá rô phi đơn tính và cá điêu hồng.

Ông Hà Văn Kiếm – Chủ tịch HĐQT HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Đak Krong, huyện Đak Đoa trao đổi thêm: “Tổ thủy sản này gồm 10 thành viên của HTX, trong đó có 5 người DTTS và 5 người Kinh. Hiện tại bây giờ cá đang phát triển tương đối tốt và từ nay đến cuối năm chúng tôi sẽ phát triển thêm 4 lồng nữa”.

Yêu cầu của thị trường ngày càng khắt khe, vì vậy để đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm thì ngoài mở rộng quy mô sản xuất, việc đa dạng hóa các ngành nghề sản xuất, kinh doanh là hướng đi mà nhiều HTX lựa chọn, và đó cũng là xu hướng tất yếu. Chính điều này đã và đang giúp cho kinh tế hợp tác và HTX ngày càng phát triển bền vững hơn./.

Mỹ Tiến, R’Piên


Lượt xem: 90

Trả lời