Cùng nhau làm du lịch-hướng đi mới cho nhiều buôn làng ở Gia Lai

Cập nhật 19/6/2019, 08:06:16

Không gian núi rừng, hòa hợp sắc màu văn hóa truyền thống đã đem lại lợi thế lớn cho các địa phương ở  Gia Lai phát triển du lịch. Và người giúp du khách có được sự trải nghiệm tuyệt vời nhất không ai khác chính là những hướng viên du lịch tại buôn làng.
Nói như vậy là bởi hôm nay, nhiều bà con Jrai, Bahnar ở Gia Lai đã thay đổi thói quen đốt nương làm rẫy để tham gia mô hình làm du lịch dựa vào cộng đồng, bảo tồn văn hóa, đưa khách về ở nhà mình, gọi là mô hình homestay.

Đến làng K’giang, xã Kông Lơng Khơng, huyện Kbang, người dân và du khách nhắc nhiều đến cái tên A Ngưi- chàng thanh niên dân tộc Bahnar đã mạnh dạn, tiên phong xây dựng mô hình homestay đầu tiên của làng.

Tại homestay của mình, anh A Ngưi bày trí những món đồ gần gũi, đặc trưng của đồng bào Bahnar nhưng cũng có những nét chấm phá sáng tạo. A Ngưi đã sưu tập cho mình một bộ cồng chiêng, đàn T’rưng, nhiều trang phục, vật dụng được làm từ thổ cẩm đẹp và tinh xảo do chính tay mẹ anh trồng bông, xe sợi, nhuộm màu và dệt thành…điều này đã giúp du khách có dịp trải nghiệm và hiểu hơn về đời sống văn hóa Tây Nguyên.

Anh A Ngưi, làng K’giang, xã Kông Lơng Khơng, huyện Kbang, Gia Lai cho biết: “Nhận thấy du lịch cộng đồng đang là xu hướng được nhiều người yêu thích, mình mạnh dạn đầu tư homestay và tổ chức các hoạt động đi kèm trên chất liệu di sản văn hóa của dân tộc. Chỉ khi phát huy được nét đặc sắc văn hóa dân tộc thì mới có thể làm du lịch cộng đồng bền vững. Và mình nghĩ đồng bào mình phải thay đổi nếp nghĩ, cách làm không chỉ dừng lại ở việc làm nông nghiệp mà có thể làm tốt dịch vụ du lịch,  điều là không khó”.

Làm du lịch nhưng phải giữ nguyên cảnh sắc thiên nhiên và văn hóa dân tộc, không làm ảnh hưởng đến cuộc sống người dân trong buôn, và cả cả cộng đồng làng phải  chung tay làm du lịch. Đây chính là nguyên tắc và cũng là bí quyết thành công của chàng thanh niên Bahnar này. Hiện tại, đã có hơn 30 người trong làng đồng tình, tham gia làm việc tại mô hình của A Ngưi. Những người trẻ năng động đảm nhiệm công việc dẫn khách theo các tour khám phá; phụ nữ phụ trách ẩm thực, chuẩn bị nơi ở cho du khách nghỉ lại qua đêm; nghệ nhân lớn tuổi thì giới thiệu văn hóa địa phương, trình diễn nhạc cụ dân tộc…Ai cũng hào hứng, luôn cố gắng làm tốt công việc còn khá mới mẻ này.

Chị Hoàng Đinh Lâm Oanh, xã Kông Lơng Khơng, huyện Kbang, Gia Lai bày tỏ: “Em đã được học qua các lớp đào tạo về du lịch, sắp tới em cũng đang đăng ký học thêm các lớp về kỹ năng du lịch để nâng cao kiến thức cho bản thân, từ đó mới làm ra sản phẩm du lịch của làng mình được tốt hơn, tạo ấn tượng cho du khách khi đến đây”.

Điểm du lịch tại làng K’giang của A Ngưi là 1 trong 5 điểm du lịch cộng đồng của huyện Kbang được hình thành theo chủ trương của chính quyền địa phương. Cuộc sống và công việc hàng ngày của bà con là sản phẩm du lịch được giới thiệu đến du khách, người dân là hướng dẫn viên du lịch. Hiệu quả mà mô hình này bước đầu mang lại sự đổi thay rõ nét từ cảnh sắc của buôn làng đến chất lượng cuộc sống của người nông dân vốn chỉ quen với công việc đồng án, nương rẫy.

Ông Đinh Đình Chi – Trưởng phòng VH -TT huyện Kbang, Gia Lai cho biết: “6 tháng đầu năm huyện ghi nhận hơn 6.300 lượt khách đến với các điểm du lịch cộng đồng. Địa phương đang cố gắng phát huy lợi thế này, tạo các lớp học thực tế từ các địa phương trong và ngoài tỉnh để giúp bà con từng bước tiếp cận, làm nên sản phẩm du lịch riêng của mình, trên sự định hướng của địa phương”.

Dù mới chỉ là bước khởi đầu, nhưng các điểm du lịch cộng đồng ở buôn làng Kbang đã ghi nhận nhiều tín hiệu vui khi lượng du khách đến với điểm du lịch ngày càng tăng cao.

Và với những thanh niên đồng bào Bahnar như A Ngưi chỉ cần có quyết tâm thôi thì việc thực hiện kế hoạch người nông dân làm du lịch không còn là điều quá khó, thậm chí không chỉ làm giàu cho bản thân mà còn góp phần làm khởi sắc cho cả buôn làng./.

 Kim Ngân, Mạnh Hà.


Lượt xem: 196

Trả lời