Công nghiệp chế biến góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển

Cập nhật 31/8/2022, 16:08:43

Công nghiệp chế biến, chế tạo được tỉnh Gia Lai xác định là lĩnh vực cần được tập trung phát triển nhằm tạo động lực cho sự phát triển nhanh và bền vững của tỉnh. Để hiện thực hóa mục tiêu này, thời gian qua, tỉnh đang thu hút các dự án đầu tư vào lĩnh vực này đồng thời đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh nhằm hấp dẫn các nhà đầu tư. Với sự quan tâm triển khai một cách đồng bộ, lĩnh vực công nghiệp chế biến đang có những khởi sắc và được kỳ vọng sẽ góp phần tạo nên bước đột phá về sản xuất nông nghiệp của tỉnh trong thời gian đến.

 

Nhà máy chế biến trái cây này có quy mô hơn 3ha được xây dựng tại Khu Công nghiệp Trà Đa, thành phố Pleiku, thuộc sở hữu của một tập đoàn lớn ở Nam Mỹ. Hiện nhà máy đã hoàn thành và đi vào hoạt động được gần nửa năm, và đang trở thành trung tâm tiêu thụ các mặt hàng trái cây của nông dân Gia Lai nói riêng và các tỉnh Tây Nguyên nói chung. Theo chia sẻ của đại diện nhà máy, để đảm bảo cho nhà máy hoạt động, trung bình 1 tuần, nhà máy cần khoảng 1 ngàn tấn nguyên liệu trái cây các loại, trong đó nhiều nhất là chanh dây. Tuy nhiên, sản lượng thu mua từ bà con nông dân ở Gia Lai hiện chỉ mới đáp ứng được một phần nhu cầu nguyên liệu, nhà máy đang phải thu mua thêm ở các tỉnh lân cận mới đủ nguyên liệu để hoạt động.

Ông Nguyễn Trọng Tuấn, Trưởng Bộ phân thu mua, Công ty TNHH Quicornac, KCN Trà Đa, TP. Pleiku, Gia Lai cho biết: “Chúng tôi có mặt trên thị trường đã được hơn 40 năm. Với lĩnh vực hoạt động chính là các mặt hàng trái cây. Đặt nhà máy tại Gia Lai là doanh nghiệp đã xác định vùng nguyên liệu chính của doanh ngiệp là ở đây, với chất lượng và sản lượng đảm bảo cho nhà máy hoạt động ổn định. Sản lượng thu mua trung bình 1 tuần thu mua khoảng 1 ngàn tấn, đảm bảo vùng nguyên liệu của bà con sản xuất ra sẽ được doanh nghiệp thu mua đảm bảo cho nhà máy hoạt động cũng như sản phẩm của bà con làm ra đều được thu mua hết”.

Với diện tích lớn và địa hình đa dạng, Gia Lai có lợi thế phát triển nhiều loại cây trồng với quy mô lớn. Hiện tỉnh đang có khoảng hơn 550 ngàn ha cây trồng các loại, trong đó, cà phê chiếm khoảng 98 ngàn ha, gần 14 ngàn ha hồ tiêu, gần 21,4 ngàn ha cây ăn quả, ngoài ra còn các nông sản khác như điều, sắn, mía…Đây chính là nguồn nguyên liệu dồi dào phục vụ cho ngành công nghiệp chế biến của tỉnh. Do đó, việc đẩy mạnh thu hút đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến nông sản trên địa bàn tỉnh sẽ góp phần xây dựng được những chuỗi liên kết giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ, giúp người nông dân từng bước tiếp cận được với cách làm nông nghiệp theo quy mô hàng hóa, với sự định hướng rõ ràng về thị trường.

Ông Thái Như Hiệp , Giám đốc Công ty TNHH Vĩnh Hiệp cho biết: “Hiện nay chúng ta đang bước vào thời kỳ chuyển số hóa toàn bộ nền nông nghiệp, trong đó nền kinh tế số và tất cả sự vận hành về công nghệ số của các thiết bị nhà máy. Đây là một hướng đi bền vững giúp cho giá thành được thấp xuống và sản phẩm giá trị được tăng lên. Đối với nhà máy hiện nay chúng tôi vẫn chưa đầy đủ lắm nhưng cũng đáp ứng tương đối. Trong tương lai chúng tôi cần nhiều nhà máy hơn nữa để tập trung ở vùng nguyên liệu này để hỗ trợ cho nhau để cho ra sản phẩm tốt nhất”.

Theo thống kê của Sở Công Thương tỉnh Gia Lai, trong 8 tháng của năm 2022, lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo đã mang về giá trị khoảng 10 ngàn 269 tỷ đồng, đạt 57,21% kế hoạch, tăng 6,33% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, công nghiệp chế biến nông sản tiếp tục giữ vị trí là nhóm ngành xuất khẩu chủ lực của tỉnh khi chiếm tới hơn 80% kim ngạch xuất khẩu với các mặt hàng như cà phê, cao su, trái cây….

Ông Phạm Văn Binh – Giám đốc Sở Công Thương Gia Lai cho biết: “Chúng tôi đang tập trung tham mưu UBND tỉnh quy hoạch mở rộng và bổ sung đầu tư kết cấu hạ tầng của các khu, cụm công nghiệp. Trên cơ sở đầu tư kết cấu hạ tầng các khu, cụm công nghiệp thì cùng với nhà đầu tư hạ tầng sẽ thu hút các nhà đầu tư khác vào lấp đầy các khu, cụm công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp chế biến về nông lâm sản và chế biến dược liệu/ Với sự đồng bộ của các sở, ngành thì tin chắc rằng ngành công nghiệp trong thời gian tới sẽ phát triển như đúng định hướng của Nghị quyết Đảng bộ tỉnh đã đề ra”.

Phát triển ngành công nghiệp chế biến được coi là giải pháp tối ưu nhằm nâng cao giá trị, tăng tính cạnh tranh cho sản phẩm nông nghiệp của tỉnh. Qua đó, thúc đẩy việc hình thành các chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ phát triển bền vững. Việc đi vào chế biến sâu các sản phẩm nông sản sẽ tạo nguồn hàng chất lượng phục vụ cho xuất khẩu theo các Hiệp định thương mại CPTPP, EVFTA, RCEP…Từ đó, giá trị mang về của lĩnh vực nông nghiệp trong cơ cấu của nền kinh tế sẽ ngày càng cao hơn, bền vững hơn.

 Ngọc Hà – Huy Toàn – Phi Long


Lượt xem: 8

Trả lời