Công an thành phố Pleiku xử lý tình trạng học sinh điều khiển xe phân khối lớn

Cập nhật 26/5/2020, 08:05:03

Nuông chiều con cái, giao xe phân khối lớn cho các em điều khiển khi chưa đủ tuổi theo quy định và chưa có giấy phép lái xe, hậu quả là thời gian qua trên địa bàn tỉnh Gia Lai ghi nhận nhiều vụ tai nạn giao thông đáng tiếc, cướp đi sinh mạng của nhiều người liên quan đến lứa tuổi học sinh điều khiển xe phân khối lớn. Để chấn chỉnh tình trạng này, trong tháng cao điểm ra quân tổng kiểm soát phương tiện cơ giới đường bộ, lực lượng Cảnh sát giao thông trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã huy động tối đa lực lượng, tăng cường tuần tra kiểm soát để xử lý các trường hợp vi phạm Luật Giao thông đường bộ, trong đó có hành vi học sinh điều khiển xe phân khối lớn.

Trên các tuyến đường nội thành thành phố Pleiku, không khó để bắt gặp hình ảnh học sinh điều khiển xe phân khối lớn như thế này. Khi bị lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra, xử lý, các em chỉ biết đổ lỗi do yếu tố khách quan và ít quan tâm đến việc phải chấp hành nghiêm Luật Giao thông đường bộ nhằm phòng ngừa tai nạn giao thông. Điều đáng nói, chính cha mẹ dù biết việc giao xe phân khối lớn cho con điều khiển là hết sức nguy hiểm, song vẫn cố tình làm ngơ.

Em Lê Phúc Như Quỳnh – Trường THPT Nguyễn Chí Thanh, thành phố Pleiku, Gia Lai nói: “Do bố mẹ đi làm, không chở đi học được, cho nên em đi với bạn”.

Em Lê Trần Nhật Huy – Trường THPT Pleiku, thành phố Pleiku, Gia Lai cũng cho biết: “Em đi xe phân khối lớn như này cho tiện”.

Để chấn chỉnh tình trạng này, Công an thành phố pleiku đã thành lập nhiều tổ công tác, hàng ngày tăng cường tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm tại nhiều tuyến đường phức tạp về trật tự an toàn giao thông. Chỉ tính riêng từ đầu năm đến nay, Công an thành phố Pleiku đã phát hiện, xử phạt 173 trường hợp học sinh điều khiển xe phân khối lớn với tổng số tiền hơn 221 triệu đồng.

Trung tá Hồ Thanh Sơn – Đội trưởng Đội CSGT Trật tự, Công an thành phố Pleiku, Gia Lai cho biết: “Để phối hợp chặt chẽ thì có sự tuần tra hóa trang, có nghĩa vừa tuần tra công khai kết hợp với các đồng chí hóa trang mặc thường phục, tránh tình trạng rượt đuổi, đảm bảo an toàn giao thông, từ đó vừa tạo tính răn đe các cháu. Trong quá trình xử lý thì hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng rượt đuổi, gây ra hậu quả không hay đối với các cháu”.

Theo tổng hợp Ban An toàn giao thông tỉnh, trung bình mỗi năm độ tuổi dưới 18 tuổi điều khiển phương tiện mô tô gây tai nạn chiếm hơn 10% trong tổng số các vụ tai nạn giao thông xảy ra trên địa bàn tỉnh, cướp đi sinh mạng của hàng chục người. Để chấn chỉnh hành vi vi phạm, phòng ngừa tai nạn giao thông, ngoài sự vào cuộc quyết liệt của lực lượng chức năng, rất cần có sự cộng đồng trách nhiệm từ cấp chính quyền, nhà trường và phụ huynh học sinh./.

Đoàn Bình, Xuân Huy


Lượt xem: 264

Trả lời