Còn nhiều vướng mắc khi triển khai mô hình bác sỹ gia đình

Cập nhật 12/3/2019, 13:03:53

Mô hình bác sỹ gia đình được kỳ vọng giúp giải quyết phần lớn các bệnh lý thông thường tại tuyến cơ sở, góp phần giảm tải cho bệnh viện tuyến trên. Tuy nhiên, sau 5 năm thí điểm, việc triển khai mô hình tại các trạm y tế xã, phường còn không ít khó khăn cần tháo gỡ, nhiều người cũng chưa thực sự hiểu về mô hình này. Phóng sự được thực hiện tại thành phố Pleiku.

Nguyên lý y học gia đình đã được tập huấn và triển khai rộng rãi đến các trạm y tế xã, phường, thế nhưng đến thời điểm này, Trạm y tế phường Diên Hồng, thành phố Pleiku vẫn chưa thể triển khai mô hình bác sĩ gia đình. Vấn đề vướng nhất hiện nay là việc phân tuyến bảo hiểm y tế vô hình trung tạo rào cản cho người dân khi muốn khám, chữa bệnh tại trạm y tế. Nếu đăng ký khám chữa bệnh ban đầu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, thì người bệnh sẽ không được cấp thuốc tại Trạm y tế phường.

Bác sĩ Huỳnh Thị Liên -Trạm trưởng Trạm Y tế phường Diên Hồng,Tp.Pleiku, Gia Lai cho biết:  “Để tạo niềm tin cho người dân đến cơ sở y tế theo nguyên lí y học gia đình không có thể là ngày một ngày hai. Chúng tôi kiến nghị là nếu có thể thì theo tôi cần có sự thông thoáng trong cơ chế thanh toán BHYT, hoặc quy định những bệnh thông thường thì không khám ở tuyến trên mà chỉ nên đến trạm y tế. Chúng tôi nếu vượt quá khả năng thì mới chuyển lên tuyến trên để giảm thiểu cho y tế tuyến trên, đồng thời phát triển được mô hình bác sỹ gia đình”.

Khó khăn về nhân lực, chưa có bác sỹ, thiếu trang thiết bị chẩn đoán cận lâm sàng, danh mục thuốc còn hạn chế là nguyên nhân khiến nhiều trạm y tế chưa thể triển khai mô hình bác sỹ gia đình.

Y sĩ Vũ Thị Nhẫn- Phó Trạm trưởng Trạm Y tế phường Tây Sơn, Tp.Pleiku, Gia Lai cũng nêu:“Theo tôi, để trạm y tế làm tốt được nguyên lí y học gia đình thì mình phải có 1 trạm mẫu để có mô hình như quản lí hồ sơ, hồ sơ cá nhân và hộ gia đình. Từ mô hình đó mình sẽ học hỏi hiện tại luôn, chứ sau khi học xong thì kiến thức nó rất rộng rãi, nhưng mà thời gian mình học không được bao nhiêu,trong khi thực hành lại không có nên anh chị em về rất là bối rối, rất là khó.”

Năm 2018 thành phố Pleiku mới chỉ triển khai mô hình bác sĩ gia đình ở 12/23 trạm y tế xã, phường. Tuy nhiên mới chỉ dừng lại ở việc khám sàng lọc để quản lý các bệnh không lây nhiễm, chứ chưa được triển khai rộng rãi ở tất cả 6 nguyên lý cơ bản của y học gia đình theo Đề án do Bộ y tế ban hành.

Bác sĩ Đặng Phước Toàn -Phó Giám đốc Trung tâm Y tế Tp.Pleiku, Gia Lai cho biết: “Về mặt nhân lực, hiện thành phố chỉ có 5 trạm có bác sĩ, các trạm khác thì được trung tâm hỗ trợ tăng cường, nên không làm việc thường xuyên. Chính điều đó rất khó để thu hút bệnh nhân đến trạm. Trong năm 2019 thì trước mắt sẽ làm điểm 1 đến 2 trạm chứ không thể triển khai hết ở 23 trạm được”.

Năm 2019, Gia Lai sẽ đẩy mạnh việc triển khai mô hình bác sĩ gia đình tại tất cả các địa phương trong tỉnh. Việc triển khai mô hình có ý nghĩa quan trọng giúp giảm quá tải tại các bệnh viện tuyến trên và từng bước nâng cao chất lượng của y tế cơ sở tuyến dưới. Tuy nhiên, để thực hiện được mục tiêu này thì điều quan trọng nhất đó là phải kiện toàn về nhân sự và cơ sở vật chất, tháo gỡ vướng mắc trong khám chữa bệnh ở tuyến cơ sở./.

Kim Châu, Ksor Tuối


Lượt xem: 53

Trả lời