“Con chữ trên vùng đất khó”.

Cập nhật 22/4/2014, 14:04:57

Đầu tư để phát triển giáo dục là quốc sách hàng đầu. Trong chặng đường 35 năm xây dựng và phát triển (23/4/1979-23/4/2014), huyện Krôngpa luôn đặc biệt quan tâm và thực hiện tốt chủ trương ấy nên công tác giáo dục có sự phát triển vượt bật, đây chính là tiền đề quan trọng để thúc đẩy sự phát triển của địa phương.

 

Ở một khía cạnh nào đó có thể khẳng định, ngành giáo dục Krôngpa là một trong những “điểm sáng” trong bức tranh giáo dục chung của tỉnh Gia Lai. Bởi Krôngpa là huyện nghèo, khi mới thành lập huyện(năm 1979) chỉ có 6 đơn vị trường, khoảng 90% người dân mù chữ cùng với nạn đói nghèo, lạc hậu hoành hành. Nhưng trong hành trình chung vượt khó đi lên của địa phương, ngành giáo dục huyện Krôngpa đã có những bước tiến dài đáng tự hào với qui mô giáo dục ngày càng được mở rộng, chất lượng giáo dục không ngừng nâng cao. Hiện nay toàn huyện có 53 đơn vị trường thuộc 4 cấp học, với gần 22.000 học sinh. Trong đó 4 trường đạt chuẩn quốc gia. Tỷ lệ trẻ em trong độ tuổi đến trường hàng năm đạt 98%. Krôngpa là một trong những địa phương về đích sớm trong thực hiện chương trình phổ cập THCS, phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi. Huyện đang phấn đấu đến năm 2015 sẽ hoàn thành chương trình phổ cập mẫu giáo 5 tuổi.

 

Trao đổi với Cô giáo Lê Thị Lan- Hiệu trưởng trường Mầm non bán trú thị trấn Phú Túc, huyện Krôngpa, chúng tôi được Cô Lan cho biết: Từ sự quan tâm của tỉnh, của huyện xây dựng cơ sở vật chất khang trang, đội ngũ cán bộ giáo viên nhà trường không ngừng nỗ lực phấn đấu. 100% giáo viên nhà trường đạt chuẩn và trường thực hiện tốt các tiêu chí về chăm sóc, nuôi dạy trẻ, được công nhận là trường đạt chuẩn cấp độ 1.                                                              

 

Về cơ sở vật chất trường lớp, trang thiết bị dạy học ở huyện Krông pa được xếp vào hạng nhất nhì so với các địa phương cấp huyện trong tỉnh. Không còn những lớp học tạm bợ, 3 ca như trước đây nữa mà hiện nay, cơ sở vật chất trường lớp từ vùng thuận lợi đến vùng đặc biệt khó khăn trong huyện đã được kiên cố hóa một cách khang trang, bài bản với môi trường giáo dục tiên tiến.

Trong niềm vui Em Ksor H’Châu- HS lớp 8- Trường THCS Dân tộc nội trú huyện Krôngpa thổ lộ: Nhờ được sự quan tâm đầu tư của Đảng và Nhà nước mà các em được học trong ngôi trường khang trang, đầu đủ cơ sở vật chất. Các em sẽ phấn đấu học tập cho tốt để trở thành người có ích cho xã hội.

    

Nối tiếp bằng tình yêu nghề mến trẻ qua nhiều thế hệ, hiện nay ngành giáo dục huyện Krôngpa rất tự hào vì có đội ngũ cán bộ giáo viên có trình độ chuyên môn vững vàng và giàu lòng nhiệt huyết với hơn 98% giáo viên đạt chuẩn và trên chuẩn.

 

        “Muốn sang phải bắc cầu kiều

   Muốn con hay chữ phải yêu lấy thầy”.

 

 

Với ngành giáo dục huyện Krôngpa, nghĩa của câu ca dao ấy càng sâu hơn thế nữa. Bao năm nay, tại địa bàn huyện Krôngpa khi chưa có cây cầu kiên cố bắc qua sông Ba, hàng ngày các thầy các cô đội mưa đội nắng vượt sông Ba trên những chuyến đò chênh vênh, đầy trắc trở để qua bên các xã phái Nam của huyện gieo chữ cho các em học sinh thân yêu của mình. Sự nhiệt huyết và tấm lòng yêu nghề mến trẻ thiết tha của các thầy các cô- những kỹ sư tâm hồn đã góp phần vựt dậy công tác giáo dục cả một vùng đất khó.

 

Là người nhiều năm gắn bó với học sinh vùng khó khăn, Cô giáo Thái Thị Nhung- trường Tiểu học xã IaRMork, huyện Krôngpa kể lại: Có những lúc nước lớn, ngồi trên đò rất sợ, cảm thấy mình như con kiến đu trên cành cây, trông rất chênh vênh. Nhưng vì tình yêu nghề, mến trẻ nên hằng ngày phải đến trường, luôn cố gắng trong giảng dạy cái chữ cho các em học sinh, mong các em học giỏi để trở thành người có ích cho xã hội.                                          

 

Có thể nói, huyện Krôngpa là một trong những “điểm sáng” trong nước về thực hiện tốt công tác giáo dục trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và ở miền núi. Với sự quan tâm chăm lo, “hợp sức” của các ban ngành đoàn thể, chính quyền địa phương, nhà trường và phụ huynh học sinh trên tinh thần xã hội hóa giáo dục, ngành giáo dục huyện Krôngpa không chỉ phát triển về lượng mà còn về chất. Hằng năm số học sinh khá giỏi chiếm từ 35 đến 40%. Đặc biệt, trong những năm gần đây có rất nhiều học sinh trong huyện đạt giải cao trong các kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh.

 

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề giáo dục của huyện nhà Cô giáo Tạ Thị Lài- Phó trưởng phòng Giáo dục-đào tạo huyện Krôngpa tâm sự: Ngoài đầu tư nâng cao chất lượng giáo dục đại trà thì trong những năm qua, ngành giáo dục huyện Krông pa chú trọng đầu tư phát triển các phong trào mũi nhọn, nhờ vậy mà số giáo viên giỏi, học sinh giỏi ngày càng nhiều hơn…                                     

 

Ông Kpăh Ngun- Phó Chủ tịch UBND huyện Krôngpa khẳng định: Trong 35 năm qua, huyện luôn quan tâm, đầu tư phát triển sự nghiệp giáo dục, nhờ đó mà qui mô, chất lượng giáo dục không ngừng nâng cao, qua đó cũng nâng cao trình độ dân trí trên địa bàn. Ngành giáo dục của huyện đã có nhiều nỗ lực phấn đấu vượt bậc.

 

Nhìn lại chặng đường 35 năm qua kể từ khi thành lập, sự nghiệp “trồng người” ở huyện Krôngpa với những thành tựu đáng trân trọng và tự hào. Tuy điều kiện kinh tế còn khó khăn nhưng sự hiếu học đã trở thành truyền thống đáng quí và phát triển giáo dục đã trở thành phong trào lan rộng ở huyện. Hàng năm có hàng trăm con em người dân trong huyện theo học ở các trường cao đẳng, đại học trong nước, chính nhờ sự đầu tư phát triển giáo dục mà đã tạo ra nguồn nhân lực có chất lượng cao, đây là thế hệ mai này sẽ góp phần xây dựng quê hương Krôngpa anh hùng ngày càng giàu đẹp./.

Hà Đức-R’Piên


Lượt xem: 54

Trả lời