Chuyện về những giáo viên vùng sâu

Cập nhật 12/11/2018, 14:11:12

Điều kiện kinh tế – xã hội còn nhiều khó khăn, đường sá xa xôi, cơ sở vật chất còn nhiều thiếu thốn….Đó là hoàn cảnh chung của hầu hết các điểm trường vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh.
Nhưng, vượt lên trên tất cả, những giáo viên ở đây họ vẫn kiên trì bám trường, bám lớp, âm thầm gieo chữ, thắp sáng ước mơ cho những thế hệ học trò các dân tộc vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Câu chuyện về những giáo viên Điểm trường làng của Trường TH & THCS Trần Hưng Đạo, xã Al Bă, huyện Chư Sê là một ví dụ.

Hằng ngày, thầy giáo Nguyễn Viết Trích vượt chặng đường gần 20km từ trung tâm huyện Chư Sê để đến điểm trường làng Păng Roh dạy chữ. Lớp ghép thầy phụ trách có 27 học sinh người dân tộc Barnah thuộc 02 khối lớp 4 và lớp 5. Lớp học  nằm ở địa bàn vùng 3, làng đặc biệt khó khăn nên điều kiện công tác, cơ sở vật chất còn nhiều thiếu thốn. Song, với tình yêu học trò, hằng ngày được đến với các em, thầy Trích xem đó là niềm vui.

Thầy Nguyễn Viết Trích, GV Điểm trường làng Păng Roh, Trường TH & THCS Trần Hưng Đạo, xã Al Bă, huyện Chư Sê cho biết:  “Do đường sá rất khó khăn, thứ nhất là mưa gió, thứ hai là xa với điểm trường trung tâm nên đi lại cũng cực kỳ vất vả. Mình cũng quen với môi trường như vậy rồi, mình sẽ cố gắng, nhiệt tình, hiểu được phong tục tập quán của người địa phương, nói được tiếng của người địa phương nữa thì càng tốt để dễ dàng vận động học sinh ra lớp và nâng cao chất lượng giảng dạy cho các em. Khi làm được những vấn đề như thế, bản thân mình thấy mình càng yêu nghề hơn, khi các em học giỏi thì mình được thêm niềm vui”.

Với 30 năm công tác trong nghề giáo thì hơn phân nửa thời gian cô giáo Nguyễn Thị Công gắn bó với các em học sinh ở vùng sâu, vùng xa. Năm học 2018- 2019, cô Nguyễn Thị Công được điều động về nhận công tác tại trường TH & THCS Trần Hưng Đạo, cô đã xung phong về Điểm trường làng Ro Nhỏ. Lớp học với 100% học sinh người DTTS, điều kiện kinh tế gia đình khó khăn, cô đã trích tiền lương của mình để mua dụng cụ học tập cho các em, khuyến khích các em đến lớp.

Cô Nguyễn Thị Công, GV Điểm trường làng Ro Nhỏ, Trường TH & THCS Trần Hưng Đạo, xã Al Bă, huyện Chư Sê cũng cho biết:  “Từ ngày về dạy xuống vùng sâu, vùng xa gặp rất nhiều khó khăn, trở ngại, nhưng mà rất thương các em ở đây vì điều kiện các em không có. Nhiều em có hoàn cảnh neo đơn, khó khăn, nhà không có cơm ăn, nhiều lúc không có quần áo, không có dép để đi. Sách vở cũng không có. Chúng tôi cũng bỏ tiền lương ra để mua dụng cụ cho các em. Mua sắm đầy đủ đồ dùng cho các em để các em yên tâm đi học. Đó là niềm vui của tôi”.

Những khó khăn, vất vả và nghị lực của các giáo viên vùng sâu không thể kể hết bằng lời. Chỉ việc dạy và duy trì sĩ số cũng gặp không ít khó khăn. Để khắc phục, các giáo viên đã tự học tiếng địa phương, những ngày lớp vắng, họ lại đi đến từng nhà vận động, rồi thầy trò lại dắt díu nhau lên lớp. Với sự nỗ lực của đội ngũ các thầy, cô giáo ở điểm trường, đến nay tỷ lệ chuyên cần của trường TH & THCS Trần Hưng Đạo tăng dần qua từng năm, số học sinh nghỉ học giữa chừng giảm đáng kể.

“ Gắn bó với nghề là cái tâm của mình thôi. Mình nghĩ chủ yếu là tấm lòng vì các em thân yêu. Giống như dạy con cái mình vậy. Mình cứ đem tâm huyết, khả năng mình có bao nhiêu thì mình sẽ truyền đạt cho các em để các em nắm kiến thức một cách dễ dàng. Để các em có niềm tin để học tập, có hứng thú để học tập,” cô Công chia sẻ.

Bích Thủy, R.Piên


Lượt xem: 93

Trả lời