Chuyện về những công nhân làm đẹp Quảng trường Đại Đoàn Kết

Cập nhật 20/1/2023, 06:01:18

Gác lại niềm vui bên gia đình, những ngày Tết Quý Mão 2023, gần 40 công nhân lao động tại Quảng trường Đại Đoàn Kết, thành phố Pleiku vẫn miệt mài với công việc dọn dẹp vệ sinh, chăm sóc cho từng khóm hoa, chậu cảnh để phục vụ Nhân dân, du khách đến tham quan Quảng trường. Công việc dẫu có vất vả, song mỗi người luôn nở nụ cười, bởi Tết đối với họ chính là được cống hiến, được làm việc bên tượng đài Bác Hồ với các dân tộc Tây Nguyên.      

Công việc của những công nhân tại Quảng trường Đại Đoàn Kết, thành phố Pleiku trong mỗi ngày Tết luôn được bắt đầu bằng việc lau chùi, dọn dẹp sạch sẽ khuôn viên, cắt tỉa cây cảnh dưới chân tượng đài Bác Hồ với các dân tộc Tây Nguyên….

Đối với anh Trần Quốc Vương, đây là năm thứ 10 anh cùng các đồng nghiệp đảm nhận công việc trực và làm việc trong những ngày Tết, song ai cũng cảm thấy vui, bởi điều đó không chỉ làm đẹp cảnh quan cho quảng trường, mà hơn cả là thể hiện tấm lòng của mỗi công nhân lao động với Bác, vị lãnh tụ muôn vàn kính yêu của dân tộc Việt Nam.

Anh Trần Quốc Vương – Công nhân lao động Quảng trường Đại Đoàn Kết, TP. Pleiku cho biết: “Anh em làm việc là có cái tâm, yêu nghề, phải yêu hoa, yêu bông. Đặc biệt mình làm ở đây là cần phải làm cho quảng trường xanh, sạch, đẹp; ở đây có tượng đài Bác nữa nên làm là phải có tâm, chăm chút cho hoa,  chăm cây cối cho đẹp, nó sạch”.

Trong tiết trời vào Xuân, muôn vàn sắc hoa lại đua nhau khoe sắc càng làm tôn thêm vẻ đẹp của Quảng trường Đại Đoàn Kết. Chị Thái Thị Hường – người phụ trách dọn dẹp vệ sinh, chăm sóc hoa viên tại đây nhiều năm nay cho biết: Để quảng trường Đại Đoàn Kết luôn sạch đẹp, ngập tràn sức sống trong tiết trời vào Xuân, công việc chăm sóc các vườn hoa, cây xanh luôn được các công nhân thực hiện một cách tỷ mỷ.

Chị Thái Thị Hường – Công nhân lao động Quảng trường Đại Đoàn Kết, thành phố Pleiku cũng nói: “Chăm sóc cây xanh cho khuôn viên mát mẻ để thu hút khách du lịch đến. Với lại một phần nữa là tôi rất vinh dự khi được làm ở Quảng trường Đại Đoàn Kết, nơi có tượng đài Bác Hồ nên tôi sẽ cùng anh em nỗ lực hết sức mình”.

Anh Nguyễn Quốc Hưng – du khách đến từ Thành phố Đà Nẵng nhận xét: “Tôi thấy quảng trường của tỉnh nhà rất là đẹp, nó có gì đó mô phỏng như quảng trường Ba Đình nhưng lại có đặc thù riêng của Tây Nguyên; đó là cồng chiêng rồi là cây cối xanh tươi. Tôi rất thích quang cảnh ở quảng trường đây”.

Bảo tàng tỉnh Gia Lai, đơn vị trực tiếp quản lý Quảng trường Đại Đoàn Kết cho biết: Buổi sáng anh chị em thường làm việc từ lúc 6h, sau khi cắt tỉa cây cảnh, vệ sinh khuôn viên quảng trường xong thì mọi người sẽ chia thành các nhóm để tưới nước cho hoa. Chính sự cần cù, siêng năng chăm chỉ của mỗi công nhân nên quảng trường lúc nào cũng xanh – sạch – đẹp.

Ông Lê Thanh Tuấn – Phó Giám đốc Phụ trách Bảo tàng tỉnh Gia Lai cho biết: “Cán bộ, viên chức cũng như người lao động tại Bảo tàng tỉnh đều ý thức được rằng đó là công việc chuyên môn, nghiệp vụ thường xuyên để đảm bảo cho quảng trường nói riêng, bảo tàng nói chung là luôn xanh, sạch, đẹp để phục  vụ du khách Xuân Quý Mão 2023 này”.

Quảng trường Đại Đoàn Kết nơi đặt tượng đài Bác Hồ với các dân tộc Tây Nguyên là trái tim trong lòng phố núi Pleiku thân yêu và là biểu tượng về sự đoàn kết nhân dân các dân tộc anh em trong cả nước. Chính vì vậy, đối với mỗi công nhân làm việc tại quảng trường luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, nỗ lực hết sức để hoàn thành nhiệm vụ được giao; qua đó góp phần xây dựng tỉnh Gia Lai nói chung, thành phố Pleiku nói riêng ngày một văn minh, xanh-sạch-đẹp trên đường hội nhập, phát triển cùng đất nước./.

 Đoàn Bình, Thanh Sáng


Lượt xem: 118

Trả lời