Chuyển đổi cơ cấu cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao

Cập nhật 05/6/2020, 07:06:48

Chuyển đổi cơ cấu cây trồng là giải pháp mà nhiều nông dân tại các địa phương của tỉnh Gia Lai lựa chọn để giảm thiệt hại cho sản xuất của gia đình trước tình hình dịch bệnh cũng như giá cả một số mặt hàng nông sản như cà phê, tiêu, mía… sụt giảm trong vài năm trở lại đây. Và chính sự chuyển đổi cây trồng trong sản xuất nông nghiệp hiện nay, đặc biệt là phát triển cây ăn quả đã và đang mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân.

Cũng như nhiều nông dân trồng mía ở huyện Đak Pơ, cách đây 03 năm, bà Nguyễn Thị Bắc ở Thôn 1, xã Hà Tam đã quyết định chuyển đổi 2,5 ha mía sang trồng cây ăn quả và tập trung vào các loại cây có múi như cam, quýt, chanh đào, bưởi với mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap. Với nguồn nước đảm bảo và chịu khó đầu tư chăm sóc, kết quả bước đầu mang lại từ mô hình chuyển đổi này đã cho bà thấy quyết định của mình là hoàn toàn hợp lý.

Bà Thị Bắc cho biết: “Cây mía đối với nhà nông 03 năm nay thì thua lỗ dữ quá, nhà nông cũng không còn mặn mà gì nữa; từ đó tôi mới chuyển qua trồng cây ăn quả. Thì mình nghe thông tin trên mạng, thấy thị trường mình hiện giờ có nhu cầu nên mình tìm hiểu và từ đó trồng từng loại thì cũng có doanh thu tương đối ổn định cho cuộc sống”.

Trong khi đó tại một số địa phương từng một thời là thủ phủ hồ tiêu của tỉnh như Chư Sê, Chư Pưh; phong trào phát triển cây ăn quả cũng đang được xem là hướng đi mới, mở ra triển vọng cho phát triển kinh tế của người dân trước tình hình giá cả một số mặt hàng nông sản chủ lực như hồ tiêu, cà phê xuống thấp. Đất không phụ công người, đồng thời làm nhiều càng thêm kinh nghiệm, các kỹ thuật về chăm sóc, kích thích cây ra quả trái vụ đều được người dân tự nghiên cứu, học hỏi lẫn nhau và áp dụng thành công trong thực tế sản xuất.

Anh Lê Đình Hưng – Thôn Phú Cường, xã Ia Pal, huyện Chư Sê, Gia Lai cho biết: “Chất đất này thì nói chung chỉ trồng được riêng cây nhãn thôi, còn ngoài ra không trồng được cây gì hết. Nếu mà trồng rừng thì cũng kém. Mình nhận định như thế nên mình mang cây nhãn vào mình trồng; trồng xong thì mấy năm đầu cũng bấp bênh lắm. Nói chung thứ nhất là kinh nghiệm mình chưa có cho nên là cũng mất bỏ nhiều năm, cho đến khoảng chục năm trở lại đây thì mình có kinh nghiệm rồi mình làm thì kinh tế cũng đỡ đi”.

Thành công từ những mô hình trồng cây ăn quả đã và đang góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng cũng như mở ra hướng phát triển mới cho sản xuất nông nghiệp ở các địa phương của tỉnh Gia Lai; góp phần tăng thu nhập cho người dân, đảm bảo tính bền vững trong công cuộc xây dựng Nông thôn mới./.

Mỹ Tiến – Huy Toàn – R’Piên


Lượt xem: 154

Trả lời