Chương trình trình diễn, đồng diễn “Áo dài Việt – Hương sắc Tây Nguyên”

Cập nhật 08/3/2023, 10:03:30

Tối ngày 7/3, tại Quảng trường Đại Đoàn Kết, TP. Pleiku, Hội LHPN tỉnh Gia Lai đã tổ chức Chương trình trình diễn, đồng diễn áo dài với chủ đề “Áo dài Việt – Hương sắc Tây Nguyên”. Đến dự chương trình có các đồng chí: Rah Lan Chung – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy; Nguyễn Thị Thanh Lịch – PCT UBND tỉnh; lãnh đạo UBMTTQVN tỉnh, các sở, ban, ngành, đoàn thể và đông đảo cán bộ, hội viên, phụ nữ trong tỉnh.

Chương trình trình diễn, đồng diễn áo dài với chủ đề “Áo dài Việt – Hương sắc Tây Nguyên” là điểm nhấn trong chuỗi hoạt động kỷ niệm 1983 năm khởi nghĩa Hai Bà Trưng và 113 năm Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3. Đây cũng là hoạt động nổi bật của phụ nữ Gia Lai nhằm hưởng ứng phát động của TW Hội LHPN Việt Nam về thực  hiện “Tuần lễ áo dài di sản Văn hoá Việt Nam”.

Phát biểu khai mạc Chương trình, bà Rơ Chăm H’Hồng – Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh đã ôn lại lịch sử hình thành, phát triển của áo dài Việt Nam và áo dài khởi nguồn đến với Tây nguyên bắt đầu từ An Khê. Đây được xem là nơi lưu lại những vết tích đầu tiên của người Việt tại Gia Lai, nơi được cho là đã xuất hiện hình ảnh của một trong những bộ áo dài đầu tiên trong lịch sử vùng đất này.

Bà Rơ Chăm H’Hồng – Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Gia Lai cho biết: “Mặc cho áo dài có sự thay đổi theo thời gian, nhưng văn hoá Việt vẫn không bị mai một và được lưu giữ giá trị qua chiếc áo dài – trang phục mang nét quyến rũ mà kín đáo, thanh lịch, không hề lẫn với các nền văn hoá khác. Vì lẽ đó, mỗi khi nhắc tới áo dài người ta không chỉ nhắc tới chiều dài, chiều rộng mà ở đó còn là bề dày văn hóa, lịch sử và bản sắc của người Việt Nam. Ngày nay, áo dài không chỉ được may bằng các chất liệu như lụa, tơ tằm mà còn được biến tấu hài hoà với chất liệu và hoa văn thổ cẩm của các dân tộc Tây nguyên. Ở Gia Lai, qua bàn tay tài hoa của những nữ nghệ nhân Bahnar, Jrai bằng kinh nghiệm và đôi bàn tay khéo léo của mình, các chị đã đưa họa tiết thổ cẩm lên tà áo dài với các hoa văn truyền thống của dân tộc mình một cách sống động, bắt mắt; vừa mang vẻ đẹp mộc mạc và huyền bí của thổ cẩm, nhưng vẫn giữ được nét uyển chuyển, thướt tha của tà áo dài Việt Nam.”

Nhằm tiếp tục khẳng định giá trị đặc sắc của áo dài trong đời sống đương đại; đồng thời khơi dậy niềm tự hào, trách nhiệm gìn giữ Áo dài – Di sản văn hóa Việt Nam nói chung và giá trị văn hóa truyền thống của nghề dệt thổ cẩm của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên nói riêng, Tuần lễ “Áo dài Việt – Hương sắc Tây nguyên” và sự kiện trình diễn, đồng diễn áo dài đã thu hút sự tham gia trình diễn của 340 hội viên, phụ nữ đến từ Hội LHPN 17 huyện, thị xã, thành phố và Hội Phụ nữ các đơn vị lực lượng vũ trang trong tỉnh. Trong đó, phần trình diễn áo dài thu hút 40 hội viên tham gia, mỗi hội viên trình diễn 2 trang phục áo dài truyền thống và áo dài thổ cẩm. Qua phần trình diễn của mỗi hội viên, phụ nữ đã đem cho chương trình nhiều sắc màu, nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau. Không chỉ góp phần tôn vinh giá trị đặc sắc của áo dài – Di sản văn hóa Việt Nam mà còn tô thắm nét đẹp của người phụ nữ Việt Nam nói chung và phụ nữ Tây Nguyên nói riêng.

Chị Đinh Thị Oai – Hội LHPN huyện Kbang chia sẻ: “Em rất vui khi được khoác trên mình bộ trang phục áo dài thổ cẩm của người Bahnar. Hy vọng rằng, trang phục của người Bahnar và các dân tộc khác nói riêng sẽ được nhiều người biết đến hơn và quảng bá văn hóa, áo dài đến với nhiều người.”

Chị Phan Thị Huệ – Hội LHPN huyện Ia Pa phấn khởi nói: “Em rất vinh dự đại diện cho huyện Ia Pa tham gia chương trình trình diễn áo dài. Mặc trang phục áo dài thổ cẩm em cảm thấy rất đẹp, mang bản sắc của người Tây Nguyên.”

Kết thúc Chương trình trình diễn áo dài, Ban Tổ chức đã bình chọn và trao 3 danh hiệu: Hội viên trình diễn trang phục áo dài truyền thống đẹp nhất cho chị Trương Thị Kim Nhung đến từ Hội LHPN huyện Kông Chro; chị Đinh Thị Oai đến từ Hội LHPN huyện Kbang đạt danh hiệu hội viên có trang phục áo dài thổ cẩm đặc sắc nhất; chị Nguyễn Thị Phương Thúy đến từ Hội Phụ nữ Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đạt danh hiệu hội viên có phong cách biểu diễn ấn tượng nhất. Có thể nói, qua chương trình trình diễn, đồng diễn áo dài với chủ đề “Áo dài Việt – Hương sắc Tây Nguyên” không chỉ góp phần  khẳng định vị thế và tôn vinh giá trị của áo dài trong nhịp sống đương đại mà còn tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho hội viên, phụ nữ, đồng thời góp phần xây dựng hình ảnh người phụ nữ Gia Lai thời kỳ mới luôn thực hiện tốt vai trò, thiên chức trong gia đình và đóng góp tích cực cho quê hương, đất nước./.

Thiên Thanh – Mạnh Hà


Lượt xem: 7

Trả lời