Chương trình 43 – “Đòn bẩy” đưa Du lịch Gia Lai cất cánh

Cập nhật 29/12/2022, 21:12:12

Ngày 16/1/2017, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 08 về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Trên cơ sở đó, cũng như đánh giá đúng thực trạng hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh, ngày 26/6/2017 Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai đã ban hành Chương trình số 43 thực hiện Nghị quyết số 08 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn với nhiều nhóm giải pháp mạnh mẽ và phù hợp với điều kiện của tỉnh. Sau 5 năm thực hiện, bức tranh du lịch của Gia Lai đã phủ lên những gam màu tươi sáng.

Khu Lâm viên Biển Hồ, thành phố Pleiku, một trong 09 địa điểm du lịch trọng yếu của tỉnh Gia Lai nhận được sự đầu tư mạnh mẽ nhất sau 5 năm triển khai thực hiện Chương trình 43 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Với trên 114 tỷ đồng, nhiều hạng mục tại đây đã được đầu tư, xây mới, nâng cấp để tạo điểm nhấn cho bức tranh du lịch thành phố Pleiku nói riêng, tỉnh Gia Lai nói chung. Kể từ khi được đầu tư nâng cấp, lượng khách đến với địa điểm du lịch này đã trở nên đông hơn, nhất là vào ngày cuối tuần hay những dịp Lễ, Tết. Gắn bó với nghề khắc chữ lưu niệm cho du khách tại đây đã tròn 20 năm nay, ông Nguyễn Xuân Ánh là người cảm nhận rất rõ về sự thay đổi đó.

Ông Nguyễn Xuân Ánh – Huyện Chư Păh nói: “Thay đổi nhất là từ khi phục dựng lại tượng phật Quan Thế Âm Bồ Tát thì lượng khách đông hơn bởi vì nó tươi mới hơn”.

Ông Nguyễn Ngọc Thuần – Du khách tỉnh Hải Dương chia sẻ: “Khu Biển Hồ Gia Lai này rất là tuyệt vời. Phong cảnh rất là thoáng đãng và trong lành. Nhìn làn nước trong xanh cứ ngỡ như mình được sống trong một vùng biển mênh mông, tôi thấy quá là tuyệt vời luôn. Phong cảnh thì hữu tình, còn khí hậu thì rất trong lành, mát mẻ. Đến đây thì cảm thấy người nó khỏe ra”.

Trên cơ sở Chương trình 43, 5 năm qua các địa phương trong tỉnh đã mạnh dạn thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, tập trung các nguồn lực để thu hút đầu tư cho du lịch. Nhiều hoạt động văn hóa – du lịch đã được tổ chức và duy trì hằng năm. Đơn cử như Tuần lễ Hoa Dã quỳ- Núi lửa Chư Đang Yă tại huyện Chư Păh với nhiều hoạt động văn hóa, du lịch hấp dẫn; Hội đua thuyền Độc mộc trên sông Pô Cô và Liên hoan văn hóa cồng chiêng được UBND huyện Ia Grai đều đặn tổ chức vào đầu tháng 11 hằng năm đã trở thành điểm đến tham quan, trải nghiệm hấp dẫn cho mỗi du khách.

 Chị Rơh Chăm Mỹ Uyên – Thị trấn Chư Ty, huyện Đức Cơ bày tỏ: “Đây là lần đầu tiên tôi đến đây, tôi thấy không khí rất là hấp dẫn, nhộn nhịp, mọi người rất là hòa đồng, cởi mở, công tác tổ chức, bố trí rất là bài bản, sạch sẽ. Tôi thấy rất lày hay”.

Ông Đỗ Văn Đông – Phó Chủ tịch UBND huyện Ia Grai cho biết: “Lễ hội đua thuyền được duy trì tổ chức hàng năm và mỗi một lần tổ chức thì cũng đã thu hút được khoảng 13 đến 15 ngàn lượt khách đến tham quan, trải nghiệm. Thứ nữa thì huyện cũng đã duy trì được Liên hoan văn hóa cồng chiêng cấp huyện và tới đây chúng tôi sẽ tiếp tục tổ chức Liên hoan cồng chiêng cấp xã để khách đến tham quan, trải nghiệm tại địa phương được nhiều hơn và tới đây chúng tôi dự kiến sẽ báo cáo với tỉnh, với Ban Thường vụ huyện ủy cho phép UBND huyện tổ chức phân khu, quy hoạch các điểm du lịch sông bờ thuộc các xã cánh Tây của huyện để có cơ sở thu hút các nhà đầu tư đến khảo sát, tìm hiểu và tham gia đầu tư về du lịch tại khu vực này”.

Sau 5 năm thực hiện Chương trình 43, đã có trên 245 tỷ đồng được các cấp, ngành đầu tư cho hạ tầng du lịch, tập trung vào những điểm du lịch trọng yếu có khả năng khai thác trước mắt cũng như khả năng thu hút, kêu gọi đầu tư ở các địa bàn trọng điểm của thành phố Pleiku, thị xã An Khê, huyện Kbang, Chư Păh. Chính những sự đầu tư đó, cùng với đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến, quảng bá và liên kết phát triển du lịch, giai đoạn 2017-2019, tổng lượt khách đến với Gia Lai tăng bình quân 27,8%/năm, tổng thu du lịch tăng 22,6%/năm (vượt mục tiêu của Chương trình 43 đề ra từ 15-18%/năm). Riêng năm 2019, tổng lượt khách đạt 845 ngàn lượt và tổng thu du lịch đạt 510 tỷ đồng.

Ông Trần Ngọc Nhung – Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch Gia Lai cho biết: “Có thể nói, những nhiệm vụ, chỉ tiêu của Chương trình 43 năm 2017 thì gần như đến thời điểm này đã vượt xa các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao//. Phải nói rằng đó là sự cố gắng rất lớn của cả hệ thống chính trị, của ngành văn hóa – thể thao – du lịch và các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch. Để cho nhiệm vụ này trong thời gian tới được phát huy một cách mạnh mẽ và đạt được mục tiêu trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh thì tôi thấy cần phải giải quyết 06 vấn đề”.

Theo ông Trần Ngọc Nhung, Giám đốc sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch Gia Lai, thì 06 vấn đề đó là: Tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp khi tiến hành các thủ tục, trình tự thực hiện đầu tư và kinh doanh du lịch tại địa phương; Tiếp tục khôi phục lại các lễ hội truyền thống, phục dựng lại các chương trình nghệ thuật truyền thống phục vụ cho hoạt động du lịch; Từng bước nâng tầm cách thức tổ chức các sự kiện văn hóa, du lịch; Tiếp tục tăng cường đầu tư kết cấu hạ tầng du lịch; Đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá sản phẩm du lịch và tăng cường liên kết, hợp tác trong hoạt động đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực trong lĩnh vực du lịch.

Đó cũng chính là các vấn đề mà đồng chí Hồ Văn Niên, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh gợi ý đến các sở, ngành, địa phương tại Hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện Chương trình số 43 diễn ra vào đầu tháng 11 năm 2022 nhằm phát triển du lịch một cách bền vững, từng bước đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng đúng như kỳ vọng.

Đồng chí Hồ Văn Niên – Ủy viên BCH TW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Gia Lai nhấn mạnh: “Tăng cường kết nối, thực hiện các chương trình hợp tác trong du lịch giữa các địa phương, rà soát các chính sách ưu đãi để kêu gọi đầu tư vào các dự án du lịch trên các lĩnh vực lợi thế. Cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường thuận lợi cho các thành phần kinh tế tham gia vào các hoạt động du lịch chuyên nghiệp, rồi xã hội hóa đầu tư cho phát triển du lịch. Thứ 3 là rà soát điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch đầu tư phát triển hạ tầng giao thông đến các điểm du lịch, có tài nguyên du lịch để tăng khả năng tiếp cận, kết nối các điểm du lịch để du khách đến thì sẽ đi được nhiều nơi, ở thật lâu, tiêu thụ thật nhiều và khi đi rồi thì sẽ nhớ và quay lại”.

Có thể khẳng định, 5 năm qua trên cơ sở Nghị quyết số 08 của Bộ Chính trị, Chương trình 43 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã dần trở thành “đòn bẫy” để đưa du lịch Gia Lai cất cánh. Tiếp tục phát huy các thế mạnh, từng bước khắc phục khó khăn, hạn chế cũng như huy động sức mạnh của nhiều thành phần kinh tế để chung tay phát triển du lịch sẽ là những giải pháp ưu tiên của tỉnh, nhằm đưa ngành công nghiệp không khói thực sự trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh trong tương lai./.

Quốc Linh – Phi Long


Lượt xem: 24

Trả lời