Chư Sê hướng tới phát triển trồng dâu nuôi tằm

Cập nhật 22/7/2019, 14:07:32

Nhằm chuyển đổi cơ cấu cây trồng trong nông nghiệp, nâng cao hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập trước thực trạng giá một số loại cây trồng chủ lực trên địa bàn giảm sâu, thời gian qua nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Chư Sê đã trồng dâu nuôi tằm. Mặc dù mới phát triển, quy mô trồng dâu còn nhỏ, số hộ tham gia chưa nhiều, song mô hình này bước đầu đã đem lại hiệu quả kinh tế cho người dân.

       

Mặc dù mới triển khai mô hình trồng dâu nuôi tằm được 8 tháng nhưng chị Nguyễn Thị Tiêm ở thôn Ia Sol, xã H’Bông rất phấn khởi vì hiệu quả mang lại khá cao. Theo chị chia sẻ, trong tình trạng giá tiêu, cà phê khá bấp bênh thì với mức giá từ 110.000 đến 170.000 đồng một kilogam kén tùy theo mùa đã đem lại nguồn thu nhập khá ổn định cho gia đình. Gia đình chị đang dự định nâng diện tích trồng dâu từ 2 ha lên 4 ha cũng như mở rộng nhà xưởng nuôi tằm, hướng tới cung cấp giống cho bà con trong vùng.

Chị Nguyễn Thị Tiêm – Thôn Ia Sol, xã H’Bông, huyện Chư Sê, Gia Lai cho biết: “Nhận thấy khí hậu, đất đai ở đây rất phù hợp cho cây dâu, môi trường cũng hợp lý nên tôi bắt tay vào làm. Hiện tôi trồng dâu được 8 tháng, giờ nuôi tằm được 3 tháng thu được 6 lứa. Qua đó, gia đình tôi thấy rất hiệu quả. Nuôi tằm này trong 1 tháng như 2 vợ chồng trừ hết công nuôi, công làm thì thu được 30 triệu/tháng. Tằm này theo như tôi nuôi thì tôi thấy rất đơn giản, không có gì khó, chỉ có điều nó kiêng cữ về lúc nắng và lúc gió. Hiện đầu ra tương đối ổn vì có công thu mua”.

Ông Nguyễn Hữu Tỵ – Chủ tịch UBND xã H’Bông, huyện Chư Sê, Gia Lai cho biết: “Thời gian mấy năm gần đây cây công nghiệp có xu thế hạ giá, nên xã cũng định hướng người dân chuyển đổi sang một số cây trồng, vật nuôi phù hợp với địa phương. Trong đó đã phát triển mô hình mới như trồng dâu nuôi tằm, bước đầu đem lại hiệu quả cho thu nhập ổn định. Phương hướng sắp tới xã sẽ nhân rộng mô hình này ra nông dân phát triển. Khó khăn đó là hiện nay chỉ là phát sinh của mỗi hộ thôi chưa có liên kết trong sản xuất. Trên địa bàn xã hiện nay đang có 2 hợp tác xã đang hoạt động và xu hướng sẽ đưa các hộ vào HTX vào để liên kết sản xuất tạo thành chuỗi đầu ra ổn định cho sản phẩm”.

Thực hiện việc chuyển dịch trong sản xuất nông nghiệp theo hướng gia tăng giá trị và phát triển bền vững, từ năm 2018 huyện Chư Sê đã đầu tư xây dựng các mô hình trồng dâu nuôi tằm tại một số địa phương. Hiện trên địa bàn huyện có khoảng 20 ha trồng dâu nuôi tằm.

Ông Nguyễn Văn Hợp – Trưởng Phòng NN &PTNT huyện Chư Sê, Gia Lai trao đổi: “Xác định chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên địa bàn huyện thì việc trồ­­­­ng dâu nuôi tằm phát triển rất tốt, từ năm 2018 huyện đã đầu tư xây dựng các mô hình trồng dâu nuôi tằm 2 ha và năm nay phát triển thêm 5ha. Bên cạnh đó các hộ gia đình cũng đã bỏ tiền ra đầu tư trồng trên 10 ha, hiện nay đã sản xuất bước đầu thành công. tại một số địa phương. Qua theo dõi thì cây dâu phát triển tốt và nuôi tằm cũng đem lại hiệu quả cao.  Có một số hộ đã chủ động được việc nuôi tằm, ấp để trứng nuôi tằm và lấy kén theo chuỗi khép kín và cũng có doanh nghiệp đến đặt vấn đề thu mua bao tiêu sản phẩm cho bà con”.

Thực hiện Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Chư Sê về Phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn huyện đến năm 2025, hiện huyện Chư Sê, đang đẩy mạnh, đẩy nhanh ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ mới vào sản xuất, tạo sự đột phá về năng xuất, chất lượng, giá trị và sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp. Trong đó, tập trung lựa chọn một số giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng cao, thị trường tiêu thụ ổn định để đầu tư phát triển, ứng dụng công nghệ cao theo hướng xã hội hóa các nguồn đầu tư. Từng bước hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, trong đó tập trung phát triển trồng dâu nuôi tằm đến từ 300 đến 500 ha, tập trung ở các xã Al Bă, Kông Htok, Hbông.

Lê Thư – Thiên Thanh – Minh Trung


Lượt xem: 139

Trả lời