Chư Sê – Dấu ấn nhiệm kỳ 2015-2020

Cập nhật 12/8/2020, 08:08:14

Nhiệm kì 2015-2020 Đảng bộ, quân và dân các dân tộc huyện Chư Sê đã không ngừng phấn đấu và linh hoạt vận dụng sáng tạo các quan điểm, chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước vào tình hình thực tế của địa phương. Nhìn lại nhiệm kì đã qua, những thành công, dấu ấn đọng lại, là bài học lớn để Chư Sê nỗ lực bứt phá hơn ở chặng đường của nhiệm kì tiếp theo.

Là huyện có tiềm năng lớn về đất đai, lại được khí hậu ưu đãi, nông nghiệp được xem là ngành kinh tế mũi nhọn của huyện Chư Sê. Đảng bộ huyện đã thực hiện cơ cấu lại, khắc phục các yếu tố bất lợi mà ngay từ đầu nhiệm kì ngành nông nghiệp địa phương phải đương đầu. Tái cơ cấu ngành nông nghiệp được thực hiện theo hướng phát triển sản xuất hàng hóa, chú trọng áp dụng tiến bộ khoa học kĩ thuật vào sản xuất, hình thành các vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cho cây trồng nhằm tăng năng suất, chất lượng và thích ứng với biến đổi khí hậu. Nhiều chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp nông thôn được cụ thể thành đề án, Nghị quyết, như Nghị quyết 11 về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao giai đoạn 2020-2025, Đề án phát triển kinh tế- xã hội 2 xã đặc biệt khó khăn Ayun và H’Bông. Hỗ trợ chuyển đổi hơn 1000 ha diện tích tiêu chết sang trồng cà phê và cây ăn trái, chương trình tái canh cà phê…được triển khai hiệu quả, tạo nền tảng để kinh tế nông nghiệp Chư Sê được hồi sinh.

Đối với các loại cây trồng chủ lực là cà phê, hồ tiêu, Đảng bộ huyện Chư Sê đã tập trung chỉ đạo, áp dụng các biện pháp kĩ thuật đầu tư thâm canh để nâng cao năng xuất chất lượng, đưa các giống mới vào tái canh. Trong 5 năm, huyện đã tái canh 1000 ha cà phê già cỗi. Thương hiệu “Hồ tiêu Chư sê” đã đăng kí bảo hộ tại 6 quốc gia lớn như Trung Quốc, Mỹ, Đức…và đang chờ Ấn Độ, Singapore phê duyệt.

Ông Lê Sỹ Quý, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp Chư Sê, Gia Lai nói: “Thương hiệu hồ tiêu Chư Sê đã được Cục sở hữu trí tuệ cấp quyền bảo hộ. Hiệp hội cũng đã phối hợp với các ngành đăng kí bảo hộ 6 nước trên thế giới. Sắp tới là Singapore và Ấn độ, nhằm đưa sản phẩm hồ tiêu ra thế giới để có giá trị cạnh tranh. Trong quá trình hội nhập sâu rộng cùng với phát triển liên kết theo chuỗi giá trị, chúng tôi đang hoàn tất chỉ dẫn địa lý để đưa sản phẩm vươn rộng và được bảo hộ tốt hơn”.

Cùng với sự phát triển của ngành nông nghiệp, công nghiệp, thương mại dịch vụ của huyện cũng đã có sự chuyển mình rõ nét với tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2015-2020 đạt 9,5%, ngành thương mại dịch vụ đạt gần 3.600 tỷ đồng, tăng 58,3% so với năm 2015, vượt 1,7% so với kế hoạch. Thương mại, dịch vụ có sự góp mặt của hơn 100 doanh nghiệp, hơn 1000 hộ kinh doanh cá thể hoạt động hiệu quả đáp ứng nhu cầu tiêu thụ, sinh hoạt của nhân dân.

Ông Trần Ngọc Lộc, Giám đốc Khu Công nghiệp Nam Pleiku, Gia Lai cho biết: “Chúng tôi đã được tạo điều kiện để bắt tay vào khởi công công trình từ tháng cuối năm 2019, đã và đang bắt tay vào xây dựng những hạng mục thiết yếu để khu công nghiệp sớm hình thành như dự  kiến. Đây sẽ là nơi các doanh nghiệp có thể khia thác và phát huy lợi thế của địa phương”.

Xây dựng cơ bản có bước phát triển vượt bậc, các công trình được Nhà nước đầu tư xây dựng có quy mô lớn, với tổng mức đầu tư bình quân hàng năm đạt 250- 350 tỷ đồng. Chư Sê đã tranh thủ các nguồn vốn đầu tư vào xây dựng kết cấu hạ tầng cơ sở, từng bước hoàn thiện và nâng cao các tiêu chí của đô thị loại IV. Nghị quyết số 04-NQ/HU ngày 27-5-2016 về đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phát triển đô thị đến năm 2020 được triển khai đồng bộ, quyết liệt. Hệ thống hạ tầng được nâng cấp, từng bước hiện đại, đã tạo bộ mặt đô thị được định hình rõ nét hơn, xứng tầm đô thị loại IV, hướng tới một thị xã của tỉnh trong tương lai không xa.

Ông  Nguyễn Thanh Xuân, thị trấn Chư Sê, Gia Lai nhận xét: “Với thị trấn Chư Sê, tốc độ phát triển khá nhanh trong những năm gần đây. Tốc độ đô thị hóa, đường sá được đầu tư rất lớn. Nhân dân rất đồng tình, phấn khởi vì được hưởng lợi từ những công trình này. Với tốc độ này, đã tạo được khởi sắc cho khu trung tâm những năm gần đây”.

Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới bước vào giai đoạn tập trung như một luồng gió mới, làm thay đổi căn bản bộ mặt nông thôn Chư Sê. Cấp ủy và cả hệ thống chính trị đã vào cuộc huy động hơn 2.400 tỷ đồng nguồn vốn xây dựng nông thôn mới. Đến nay huyện có 11/14 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó xây dựng 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 14 làng Nông thôn mới trong vùng đồng bào DTTS theo tinh thần Chỉ thị 12 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

Bà Lê Thị Hồng, Phó Bí thư Đảng ủy xã Ia Blang, Chư Sê, Gia Lai cho biết: “Sau 10 năm thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới diện mạo của xã được thay đổi, cơ sở hạ tầng càng hoàn thiện, đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng nâng cao. Đặc biệt, ý thức của người dân về việc chung sức tham gia xây dựng các công trình chung được thay đổi một bước đáng kể so với trước đây”.

Các lĩnh vực văn hóa, y tế, giáo dục tiếp tục được tăng cường đầu tư về mọi mặt. An ninh quốc phòng được giữ vững. Mạng lưới trường lớp, cơ sở vật chất trường học từ vùng thuận lợi đến vùng khó khăn từng bước được chuẩn hóa, ngày càng khang trang, sạch đẹp, đáp ứng nhu cầu học tập của con em các dân tộc trong huyện.

Cùng với nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội, Chư Sê cũng để lại dấu ấn đậm nét trong thực hiện nhiệm vụ then chốt là xây dựng đảng. Ban Thường vụ Huyện ủy đã xây dựng, ban hành các Nghị quyết, kế hoạch để cụ thể hóa thực hiện Nghị quyết cấp trên với nội dung trọng tâm, sát thực và giải pháp rõ ràng. Nhiều mô hình, cách làm được triển khai trong xây dựng tổ chức đảng và đảng viên, đặc biệt hướng đến nâng cao chất lượng tổ chức đảng cơ sở, năng lực, sức chiến đấu của tổ chức đảng và đảng viên vùng dân tộc thiểu số. 5 năm qua, đã phát triển mới 1.500 đảng viên, đạt tỷ lệ kết nạp đảng hàng năm 8,7%; 100% thôn, làng tổ dân phố có tổ chức đảng, 96% chi bộ có cấp ủy, 100% chi bộ thôn, làng tổ dân phố có đủ đảng viên tại chỗ.

Ông Đinh A Nơk, làng Tơ Drăh, xã Bar Măih, Chư Sê, Gia Lai cho biết: “Ở chi bộ đảng chúng tôi sau khi có sự chỉ đạo từ phía cấp ủy, chi bộ đảng, đảng ủy xã thì đảng viên luôn là người đi trước. Sau đó nhân dân sẽ làm theo. Nhiều năm nay chi bộ đạt trong sạch vững mạnh rồi. Nhân dân rất là tin tưởng vào sự lãnh đạo của đảng, Nhà nước”.

Với những nỗ lực của cấp ủy và cả hệ thống chính trị, 21/22 chỉ tiêu lớn của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần IX đều đạt và vượt, trong đó: tốc độ tăng trưởng bình quân hơn 8%, thu ngân sách đạt hơn 1000 tỷ đồng, vượt 628 tỷ đồng so với mục tiêu, thu nhập bình quân đầu người đạt 56,7 triệu đồng/ năm, tăng 47,5% so với năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 2,76%, vượt 0,4% so với chỉ tiêu Nghị quyết đề ra… Đó cũng là minh chứng cho việc đưa Nghị quyết của Đảng vào thực tiễn, góp phần thiết thực xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống người dân.

Ông Nguyễn Hồng Hà, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Chư Sê, Gia Lai trao đổi: “Trong nhiệm kì tới, BCH Đảng bộ huyện xác định 3 chương trình trọng tâm: tích cực thu hút nguồn lực để phát triển công nghê cao với mong muốn hình thành vùng phát triển cây công nghiệp tái canh. Hình thành vùng cây dược liệu theo nghị quyết tỉnh ủy. Hình thành trung tâm sản xuất giống cây trồng. Tạo tiền đề và điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư đến địa bàn đầu tư vào phát triển công- nông nghiệp và dược liệu”.

Với bản lĩnh, sự năng động, kế thừa và phát huy những thành quả đã đạt được, Đảng bộ quân và dân các dân tộc huyện Chư Sê tiếp tục nỗ lực phấn đấu xây dựng Chư Sê phát triển đồng bộ và bền vững, ngày càng xứng tầm vùng trung tâm kinh tế động lực phía Nam của tỉnh./.

Minh Lý, Ksor Tuối


Lượt xem: 85

Trả lời