Chư Sê – Cần tháo gỡ khó khăn cho những trường học mới sáp nhập

Cập nhật 09/11/2018, 14:11:41

Thực hiện Nghị quyết 19 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII), năm học 2018 – 2019 trên địa bàn tỉnh Gia Lai có 55 đơn vị trường học bậc Mầm non, Tiểu học, THCS được sáp nhập. Đây là chủ trương phù hợp điều kiện thực tế, tạo động lực để các trường củng cố, sắp xếp, bố trí các chức danh cán bộ, giáo viên phù hợp với vị trí việc làm, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục. Tuy nhiên sau khi sáp nhập, một số trường không tránh khỏi những khó khăn, bất cập. Phản ánh của nhóm phóng viên tại huyện Chư Sê.

Năm học 2018 – 2019, huyện Chư Sê tiến hành cho sáp nhập 06 trường học trên địa bàn. Theo đó, Trường Tiểu học Phạm Văn Đồng và Trường THCS Trần Hưng Đạo tại xã Al Bă đã chính thức sáp nhập thành Trường Tiểu học và THCS Trần Hưng Đạo. Hiện toàn trường có 45 lớp với hơn 1.500 học sinh. Trong đó, khối Tiểu học có 27 lớp và khối THCS có 18 lớp. Sau khi sáp nhập, quy mô trường lớp trên địa bàn được mở rộng, giảm số lượng đầu mối quản lý.

Em Kpuih Đều, Học sinh lớp 5D, Trường TH & THCS Trần Hưng Đạo, xã Al Bă, huyện Chư Sê nói: “ Năm trước em học ở làng Bảng Bong, năm nay em lên trường mới, gặp bạn rất vui vẻ, em rất thích”,

Em Siu Ngọc, Học sinh lớp 5D, Trường TH & THCS Trần Hưng Đạo, xã Al Bă, huyện Chư Sê cũng chia sẻ: “ Em được về trường mới em rất vui, vì em được gặp bạn bè nhiều. Trường học đẹp hơn lúc trước”.

Bên cạnh việc giảm số lượng trường học, giảm đầu mối và cán bộ quản lý, nhân viên hành chính, việc sáp nhập các trường lại gặp phải một số khó khăn, vướng mắc như: học sinh tại các làng vùng sâu phải đi học quá xa, gây nhiều trở ngại; học sinh đông khó khăn trong công tác quản ký; công tác sắp xếp, điều chuyển giáo viên…còn nhiều xáo trộn, bất cập.

Cô Phan Thị Chín, Phó Hiệu trưởng Trường TH & THCS Trần Hưng Đạo, xã Al Bă, huyện Chư Sê cho biết: “Mặt khó khăn  lớn nhất đó là sự đi lại của học sinh. Có nhiều điểm làng khá xa, các em đi lại vất vả. Về đội ngũ giáo viên, trước đây về phía TH & THCS cũng phải hợp đồng rất nhiều. Nhưng sau khi sáp nhập trường lại thì số lượng hợp đồng này giảm xuống. Mặc dù đã giảm được số lượng hợp đồng, đủ biên chế giáo viên nhưng một số thầy cô đã khá lớn tuổi họ tự nguyện về trường đây. Cái khó khăn đó là họ lớn tuổi rồi, sức khỏe có phần nào hạn chế nên việc đảm bảo cho công tác giảng dạy có phần hạn chế”.

Thực tế có thể thấy, việc sát nhập là một chủ trương đúng đắn, nhằm giúp các trường tận dụng, khai thác, phát huy hiệu quả cơ sở vật chất, song cũng đặt ra không ít những khó khăn cho địa phương. Vì thế, ngoài sự nỗ lực của ngành giáo dục, rất cần sự quan tâm kịp thời của cấp ủy, chính quyền các cấp để sớm có giải pháp tháo gỡ những bất cập góp phần vào sự phát triển chung giáo dục và đào tạo của địa phương./.

 Bích Thủy,  R.Piên


Lượt xem: 151

Trả lời