Chư Prông phát huy hiệu quả mô hình nông hội, tổ hội nghề nghiệp ở các làng

Cập nhật 04/4/2023, 16:04:48

Vài năm trở lại đây, các mô hình nông hội, chi, tổ hội nghề nghiệp… tại một số địa phương trong tỉnh đã tập hợp những nông dân có cùng sở thích để liên kết phát triển sản xuất, hình thành chuỗi giá trị nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường, góp phần giải quyết việc làm, xây dựng các mô hình kinh tế ở nông thôn.

2 năm nay, người dân làng Phun-Thanh, xã Ia Băng rất phấn khởi về hiệu quả của Tổ hội nông dân nghề nghiệp nuôi dê, nuôi bò và Tổ hội nông dân nghề nghiệp nuôi heo. Lúc mới thành lập, mỗi tổ hội chỉ có vài thành viên, nay đã phát triển lên 15 thành viên. Các tổ duy trì sinh hoạt mỗi tháng một lần, cùng hỗ trợ nhau về khoa học kỹ thuật chăn nuôi, tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm…

Ông Lê Bật Thư – Làng Phun-Thanh, xã Ia Băng, huyện Chư Prông, Gia Lai chia sẻ: “Chúng tôi chăn nuôi lâu rồi, kinh nghiệm có, làm theo sở thích, chúng tôi chăn nuôi nhiều, và cũng nhân đàn luôn, dê, bò, heo. Trong tổ tôi có 2 hộ chăn nuôi hươu, thu nhập hỗ trợ cho cây dài ngày đảm bảo. Chúng tôi gây quỹ hỗ trợ 1 hội viên nhân đàn và kiến thiết chuồng trại, số tiền 12 triệu, luân phiên. Tới đây không hỗ trợ tiền mặt mà bằng hiện vật, đấy là cách thức hiệu quả hơn.”

Vài năm trở lại đây, khi giá cả các loại nông sản chủ lực không còn ổn định, nhiều hộ nông dân ở huyện Chư Prông đã chủ động cải tạo vườn tạp bằng cách trồng xen canh cây ăn quả trong vườn, rẫy cà phê, hồ tiêu… Chính quyền địa phương cũng đã xuất kinh phí mua cây giống cấp cho các hộ dân, nhất là hộ đồng bào dân tộc thiểu số để cải tạo vườn tạp. Đây là cách là nhằm giúp bà con tạo thêm sinh kế, cải thiện thu nhập cho gia đình… Từ đây đã hình thành các tổ, nhóm, hội có sở thích trồng trọt, đặc biệt là cây ăn quả…

Ông Siu Hoang, làng Klũ, xã Ia Bòong, huyện Chư Prông, Gia Lai nói: “Nhờ tích cực tuyên truyền, vận động, đến nay, tại huyện Chư Prông đã thành lập hơn 50 chi, tổ hội nông dân sản xuất, trong đó có hơn 40 tổ hội chăn nuôi gia súc với hơn 300 thành viên.”

Với ưu thế mô hình tổ chức gọn, số lượng thành viên vừa phải, các tổ hội đã xây dựng quy chế hoạt động cụ thể, chặt chẽ. Nội dung sinh hoạt phù hợp, đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của thành viên.

Đối với các mô hình Nông hội, hoạt động theo nguyên tắc “3 không”: không bộ máy, không kinh phí, không cơ sở vật chất, “3 tự”, đó là: tự nguyện, tự quản, tự quyết định và “3 cùng”: cùng nghĩ, cùng làm, cúng hướng. Các thành viên của Nông hội là những người nông dân có kinh nghiệm, cần cù, chị khó, năng động, sáng tạo, tâm huyết với nông nghiệp, nông dân và nông thôn…

Ông Nguyễn Văn Luyến – Trưởng phòng NN&PTNT huyện Chư Prông, Gia Lai trao đổi: “Thực hiện chương trình phát triển các Nông hội theo chỉ đạo của Tỉnh ủy, hiện nay, trên địa bàn huyện có 9 Nông hội, nổi bật là chăn nuôi dê, bò lai sinh sản… đem lại hiệu quả kinh tế cao. Việc thành lập các Nông hội giúp người dân liên kết, hỗ trợ kỹ thuật trong chăn nuôi, trồng trọt, phòng trừ bệnh. Hiện nay người dân đang tích cực tham gia hưởng ứng, giúp người dân không chỉ hiểu biết về kiến thức mà còn có cách làm làm mới có hiệu quả kinh tế cao, nhất là trong vùng DTTS.”

Song Nguyễn – Ksor Tuối


Lượt xem: 15

Trả lời