Chiến khu xưa – Mùa xuân về

Cập nhật 03/2/2023, 06:02:44

Một mùa xuân nữa lại về trên khắp mọi miền của Tổ quốc, mang sức sống mới, niềm tin, hi vọng cho mọi người, mọi nhà. Tại Khu căn cứ địa Khu 10, xã Krong, huyện Kbang – vùng đất từng là “an toàn khu” của cách mạng tỉnh Gia Lai giai đoạn 1955-1975, cùng với sự quan tâm, đầu tư của Đảng, Nhà nước, với mạch nguồn truyền thống cách mạng sắt son, đồng bào các dân tộc nơi đây luôn nỗ lực làm ăn, chiến thắng đói nghèo để cùng xây dựng quê hương ngày càng ấm no, sung túc.

Căn cứ địa cách mạng Khu 10 (nay là địa bàn xã Krong, huyện Kbang) chính là “An toàn khu” cho các cơ quan đầu não của Tỉnh ủy Gia Lai trong suốt 20 năm cuối của cuộc kháng chiến chống Mỹ (1955-1975). Nơi đây được ví như “Việt Bắc thu nhỏ”, hội tụ tinh hoa thế trận lòng dân, trên một địa bàn núi rừng nguyên sinh rộng lớn trùng điệp trong hệ vùng Kon Ka Kinh; là nơi tập trung lực lượng kháng chiến của tỉnh, tổ chức chiến đấu, củng cố và huấn luyện các lực lượng vũ trang địa phương, làm bàn đạp cho tiến công và tiền đề cho Gia Lai hoà vào khúc khải hoàn đại thắng mùa Xuân năm 1975…

Ông Đinh Bưh – Du kích địa phương thời kỳ chống Mỹ kể lại: “Tỉnh ủy mình trước đóng ở Krong, gần 3 làng đây. Dân nhiệt tình theo Đảng, 10 người đi 10, cần 20 người đi 20, đầy đủ; gùi gạo, gùi muối, mắm từ đồng bằng lên để nuôi cán bộ Tỉnh ủy. Chỉ có 3 làng được đến đây, mang muối, mang mắm tiếp tế cho cán bộ, làng khác là không được đâu, sợ có gián điệp, bị lộ”.

Chiến khu xưa, hôm nay trời đã xanh trong, cây rừng đã bao mùa thay lá, đất nước hòa bình, như khát vọng của một lớp thế hệ cha anh….Đây rừng vẫn luôn xanh ngát, bên dòng suối Kpưng mát lành. Kề bên những tán rừng thủy chung, những ngôi làng kháng chiến xưa giờ đã thay da đổi thịt. Dẫu vẫn còn những khó khăn hiện hữu, nhưng đất Krong đang khởi sắc từng ngày trên con đường đổi mới. Thị trấn Dân chủ năm xưa giờ đã là trung tâm của vùng căn cứ, với hạ tầng được đầu tư hoàn thiện, khang trang. Các tổ chức Đảng không ngừng lớn mạnh, làm nòng cốt để chủ trương của Đảng, Nhà nước nhanh đến với dân. Với 246 đảng viên thuộc 17 chi bộ ở Krong đều đã có chi ủy, bí thư là người tại chỗ, khoảng 80% các vị trí trong hệ thống chính trị cấp thôn làng đều đã là đảng viên. Thế hệ đảng viên trẻ không ngừng học tập, rèn luyện, trưởng thành trong dòng chảy từ truyền thống cách mạng của vùng đất hào hùng, như mạch nguồn vô tận, tưới mát trong.

Chị Đinh Thị Mlông – Làng Tăng Lăng, xã Krong, huyện Kbang xúc động nói: “Những thế hệ đảng viên trẻ như mình cảm thấy rất tự hào về vùng đất của quê hương, tự hào về truyền thống cha ông. Vì thế mình phải cống hiến nhiều hơn, sống có trách nhiệm với bản thân, gia đình và cộng đồng”.

Krong đã có bước chuyển mình mạnh mẽ nhờ sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước đối với vùng đất cách mạng khi đã triển khai nhiều chương trình như xây dựng nông thôn mới. Cùng với sự góp sức, đồng lòng của người dân, xã căn cứ cách mạng năm xưa đã hoàn thiện và đồng bộ cơ sở hạ tầng. Điện, đường, trường, trạm không còn là ước mơ của đồng bào như những năm sau giải phóng nữa. Đường giao thông kiên cố đã nối liền từ vùng trung tâm đến tận 10 làng vùng xa. Xã có 5 đơn vị trường học với 3 cấp học cơ bản, hàng năm có trên 50% học sinh đã theo học lên cấp 3. Lúa rẫy không còn là cây trồng độc canh, cơ cấu cây trồng, vật nuôi được chuyển dịch đúng hướng với nhiều loại cây, con có giá trị kinh tế cao, như cà phê, bời lời đỏ, mắc ca, keo lai…Tổng diện tích gieo trồng đạt 3.242 ha, thu nhập bình quân đầu người đạt gần 30 triệu đồng/năm.

Anh Đinh Mleng – Làng Đak Bok, xã Krong, huyện Kbang nói: “Mình cũng cố gắng trồng cà phê, làm lúa nước, trồng thêm măc ca khi Nhà nước có chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Ở đây người dân nhà nào cũng cố gắng làm kinh tế, để không còn đói nghèo nữa, để xây dựung nông thôn mới”.

Ông Nguyễn Đăng Danh – Phó Bí thư Đảng ủy xã Krong, huyện Kbang cho biết: “Kế thừa truyền thống cách mạng xã nhà, Đảng bộ xã lãnh đạo nhân dân các mặt, đặc biệt  xây dựng đảng, chú trọng nâng cao chất lượng sinh hoạt, cùng với đó lãnh đạo Nhân dân phát triển kinh tế, tạo điều kiện để đời sống người dân được cải thiện hơn trước. Việc tập hợp Đảng, chất lượng ngày càng được nâng cao. Đảng ủy cũng chú trọng tuyên truyền, lồng ghép các chương trình để đưa chủ trương, chính sách đến Nhân dân và xây dựng nông thôn mới”.

Đi đến những chiến khu xưa, trở về những vùng căn cứ để thấy rõ hơn những đổi thay của mùa xuân hôm nay đang đến với mỗi nhà, mỗi cộng đồng trên hương cách mạng. Để thấy lòng dân nơi đây vẫn vẹn nguyên niềm tin yêu với Đảng, với Bác Hồ, vững bước tiến theo cờ Đảng. Đó chính là nền móng để mỗi vùng đất và người Gia Lai giành thêm nhiều hơn nữa những thắng lợi trong công cuộc đổi mới, và để mỗi mùa xuân này hơn hẳn những xuân qua./.

Minh Lý, Ksor Tuối


Lượt xem: 13

Trả lời