Chàng trai trẻ đam mê với rau thủy canh

Cập nhật 11/7/2018, 14:07:07

Sau khi tốt nghiệp THPT, không như bạn bè chọn thi vào đại học,  Đinh Quang Tuấn (SN 1992, phường Thống Nhất, TP. Pleiku) viết đơn tình nguyện nhập ngũ. Năm 2013,  ra quân, anh trở về tham gia hoạt động Đoàn ở địa phương. Với mong muốn đem đến cho người tiêu dùng sản phẩm rau sạch, Tuấn đã đầu tư xây dựng một cơ sở sản xuất rau theo phương pháp thủy canh. Hiện nay, mỗi tháng, cơ sở của anh xuất ra thị trường khoảng 1 tấn rau sạch.

Sau khi thực hiện xong nghĩa vụ quân sự trở về địa phương, với đam mê trồng rau sạch, trong thời gian này, anh Tuấn thường xuyên lên mạng internet tìm thông tin hướng dẫn cách trồng rau sạch. Đồng thời, tìm đến những người có nhiều kinh nghiệm trồng rau sạch bằng phương pháp thủy canh để học hỏi. Từ đó, dần nắm được quy trình sản xuất rau sạch, cách thiết kế nhà lưới, bể dinh dưỡng đến chọn giống, kỹ thuật chăm sóc. Sau gần 8 tháng chuẩn bị, tháng 9-2017, cơ sở sản xuất rau sạch bằng phương pháp thủy canh của anh Tuấn bắt đầu đi vào hoạt động, chủ yếu trồng các loại rau cải như:  đuôi phụng, cải ngọt, cải hoa hồng, cải bẹ dún… Bình quân mỗi tháng, xuất ra thị trường khoảng 1 tấn rau cải các loại.

Anh  Vũ Trường Sơn – Phó Bí thư Đoàn phường Thống nhất, Thành phố Pleiku cho biết: “Mô hình trồng rau thủy canh của đồng chí Tuấn đã và đang mang lại hiệu quả kinh tế cho bản thân gia đình đồng chí và mang lại hiệu quả kinh tế cho địa phương, nhận thấy mô hình có hiệu quả Đoàn phường đã sử dụng các trang mạng xã hội để tuyên truyền mô hình này đối với ĐVTN để tìm hiểu và học hỏi mô hình, đồng thời giới thiệu sản phẩm để tạo đầu ra cho sản phẩm”.

Anh Tuấn cho biết, trồng rau theo phương pháp thủy canh sẽ tạo ra sản phẩm sạch, rau sẽ phát triển nhanh và cho năng suất cao. Ngoài những người thân quen đến lấy rau tại vườn, anh còn ký kết với các đại lý bán rau sạch trên địa bàn TP. Pleiku để tiêu thụ sản phẩm. Giá bán rau sạch của anh cũng tương đối mềm, khoảng 30.000 đồng/kg, rẻ hơn so với rau cùng loại trên thị trường. Sau khi trừ chi phí, mỗi ký rau thu lãi 30-40%.

Chị Đặng Thị Bảy – Khách hàng, phường Thống nhất, TP Pleiku nói: “Vấn đề sử dụng thực phẩm sạch trong thời buổi bây giờ rất là quan trọng đối với từng gia đình, từ khi các em làm vườn rau, tôi có xuống thăm quan và thấy rau đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm,  nên tôi luôn là khách hàng thường xuyên, ăn mình cảm thấy tự tin và an toàn”.

Tuy nhiên do nguồn kinh phí hạn hẹp nên hiện nay anh Tuấn mới chỉ đầu tư 6 dàn rau thủy canh, chiếm 50% diện tích nhà bạt, bên cạnh đó đầu ra cho sản phẩm cũng chưa thật ổn định.

Anh Đinh Quang Tuấn – Phường Thống Nhất, thành phố Pleiku cho biết: “Mong muốn của bản thân là sắp tới tổ chức Đoàn, câu lạc bộ thanh niên khởi nghiệp nông nghiệp tại Gia Lai tạo điều kiện để TN tiếp cận được nguồn vốn vay hỗ trợ khởi nghiệp, bên cạnh đó liên kết giúp đầu ra cho sản phẩm được đảm bảo để TN khởi nghiệp được an tâm phát triển”.

Hiện nay, người tiêu dùng đang lo ngại về thực phẩm không an toàn, nhất là tồn dư chất bảo quản thực vật. Vì vậy việc chọn phương pháp thủy trồng thủy canh trong nhà lưới của anh Đinh Quang Tuấn là một hướng đi đúng nhằm tạo ra những mặt hàng an toàn cung cấp đến tận tay người tiêu dùng./

 Đức Thành

 


Lượt xem: 68

Trả lời