“Chặn vòi tín dụng đen”

Cập nhật 18/10/2018, 09:10:44

Mặc dù quanh năm bán mặt cho đất, bán lưng cho trời nhưng nghèo vẫn hoàn nghèo, cuộc sống luôn thiếu trước hụt sau… Không ít trường hợp phải gán cả đất đai, ruộng  vườn hoặc làm công trên chính đất cũ của mình để trả nợ… Đó là hậu quả của tình trạng mua nợ hàng hóa, vay tiền với lãi suất rất cao mà hiện nay nhiều bà con đồng bào dân tộc thiểu số trong tỉnh đang gặp phải. Seri phóng sự “Chặn vòi tín dụng đen”, sẽ phản ánh với quý vị và các bạn về vấn đề này:

Phần 1: “Những mảnh đời đen bạc bởi tín dụng đen”.

Ông Rơ Căm Thốc – Buôn Sai, xã Chư Ngọc, huyện Krông Pa cho biết: Gia đình anh nợ 100 triệu. Bây giờ đi làm có  được 2 triệu mình đưa 2 triệu, 5 triệu trả 5 triệu, 3 triệu trả 3 triệu. Giờ nó không tính lãi nữa. Làm không có ăn.

Ông không còn nhớ rõ mình vay nợ khi nào, ông chỉ nhớ là ban đầu vay 1 bao gạo 50 ký, sau đó thỉnh thoảng trong nhà thiếu thứ gì lại ra quán ký nợ, hoặc vay thêm vài ba triệu để trang trải trong gia đình….Thế nhưng theo thông báo của chủ nợ, tính đến nay số tiền ông nợ đã lên đến hơn 100 triệu đồng.

Cho dù hiện tại chủ nợ không tính lãi, chỉ tính số tiền nợ hơn 100 triệu…Nhưng chỉ dựa vào việc đi làm thuê thì có lẽ số nợ ấy còn phải kéo dài đến đời con cháu của ông.

Còn trường hợp của gia đình bà KPă H’Krunh ở buôn Thiêm, xã Phú Cần, huyện Krông Pa thì lại bị chủ nợ lấy đất vì cho rằng gia đình bà không đủ khả năng trả nợ. Được biết năm 2014, 2015 gia đình bà vay nợ số tiền 40 triệu đồng để mua sắm quần áo sách vở cho con cái đi học và tổ chức đám cưới cho con gái. Sau hơn 1 năm số tiền cả gốc và lãi lên gần 90 triệu.

Bà KPă H’Krunh cho biết: “Vừa rồi trả lãi 10 triệu, còn lại năm này, sang năm làm mì trả hết nợ, nhưng người ta không chịu, thu đất luôn. Đất người ta lấy rồi, bây giờ đi làm mướn, làm thuê có được mua gạo ăn”.

Tương tự như vậy, chị Ksor H’Lol ở làng Gung A, xã Ia Ke, huyện Phú Thiện, ban đầu chỉ vay 800 ngàn đồng để mua vật tư phân bón, gạo…sau nhiều năm, cả nợ gốc và lãi lên tới 240 triệu đồng. Không có tiền để trả khoản vay, chị đã phải gán mảnh đất rẫy 1,6 hecta cho chủ vay với giá 80 triệu đồng. Số tiền 160 triệu đồng còn lại, chủ nợ yêu cầu chị phải làm công trên chính mảnh đất từng là tài sản của gia đình chị trong vòng 7 năm để trả nợ.

Chị Ksor H’Lol cũng nói: “Bây giờ mình làm vất vả lắm, tới mùa vụ thu thì chủ nó mang xe đến tận nơi để chở về hết, mình chỉ về tay trắng”.

Thay vì sống ổn định với thu nhập mỗi năm trung bình khoảng 40 triệu từ 1,5 hecta mía và 5 sào mì, thế nhưng mấy năm nay gia đình anh Đinh Trếch ở làng Lợt, xã Đăk H’Lơ, huyện Kbang vẫn luôn thiếu trước hụt sau vì làm bao nhiêu trả nợ hết bấy nhiêu. Anh Trếch cho biết, năm 2014 anh vay bên ngoài 20 triệu đồng, mỗi tháng trả lãi 600 ngàn đồng. Vì không có tiền để trả nên nợ cũ nợ mới, lãi mẹ đẻ lãi con, nên cứ sau mỗi đợt thu hoạch, lại bán hết cho đại lý để trừ nợ.

Anh Đinh Trếch cho biết: “Một năm thu được 50 triệu nhưng trả nợ hết. Trả nợ không đủ. Mỗi năm bán mía xong trả nợ, trả xong rồi vay lại đại lý. Đau ốm gì cũng đi vay đại lý, cứ thiếu thì đi vay”.

Trên đây chỉ là một vài mảnh đời đen bạc, đang phải sống trong khổ sở, lo lắng và thậm chí là sợ hãi bởi tín dụng đen mà chúng tôi ghi nhận được. Chưa có thống kê chính xác, song chắc chắn là tín dụng đen đã bủa vây hầu hết các buôn làng, nhất là ở vùng sâu vùng xa, vùng khó khăn. Và đã có rất nhiều hộ gia đình vốn đã nghèo, thì nay lọt xuống dưới tận cùng của giới hạn nghèo và dường như không còn lối thoát bởi những chiếc vòi bạch tuộc mang tên “tín dụng đen” đang siết chặt./.

Hồng Uyên , Đoàn Bình, Thanh Sáng


Lượt xem: 58

Trả lời