Chăn nuôi gia súc thả rông: Khi nhận thức của người dân thay đổi

Cập nhật 11/10/2018, 08:10:34

Thói quen và tập quán chăn nuôi gia súc thả rông và nhốt dưới gầm nhà sàn của đồng bào dân tộc thiểu số tại một số buôn, làng trong tỉnh không những ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả chăn nuôi mà còn tác động xấu đến môi trường xung quanh, sức khỏe người dân. Đồng thời, còn là rào cản trong chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới.

Vậy tập quán đó nay đã có biến chuyển, các địa phương vào cuộc như thế nào, phóng sự sau đây đề cập vấn đề này.

Trước đây, tại Bôn Hoanh 1, xã Ia Sao, thị xã Ayun Pa, tình trạng gia súc nhốt dưới gầm nhà sàn diễn ra phổ biến, với diện tích nhỏ hẹp, chỉ vỏn vẹn 20m2. Thiếu đất, không gian sống chật hẹp, mật độ dân cư đông đúc, các nhà sàn được xây dựng sát nhau… Đây chính là nguyên nhân khiến người chăn nuôi ở bôn Hoanh 1 không thể dựng chuồng trại cách xa nơi ở…

Bà Rơ Chăm H’Tot, bôn Hoanh 1, xã Ia Sao, thị xã Ayun Pa, Gia Lai nói: “Không có đất để làm chuồng nên đành phải dựng tạm dưới nhà sàn, biết mất vệ sinh chứ mà biết làm sao”.

Nơi nuôi nhốt gia súc ẩm thấp, nhỏ hẹp, lại không được vệ sinh thường xuyên, chất thải trong chăn nuôi không được xử lý triệt để, khiến môi trường ô nhiễm nghiêm trọng, ảnh hưởng tới sức khỏe của bà con, đồng thời cũng là mầm mống phát sinh dịch bệnh.

Trong mấy năm gần đây, từ các cuộc vận động, phong trào thi đua, như: Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống mới ở khu dân cư, cuộc vận động làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào DTTS, chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới… nhờ có sự vào cuộc quyết liệt của các địa phương, nhiều nơi tình trạng nuôi nhốt gia súc dưới gầm nhà sàn đã cơ bản được xóa bỏ. Mặt khác, xã hội ngày càng phát triển theo hướng văn minh, nông thôn vùng đồng bào DTTS do tính đặc thù có thể bắt nhịp chậm hơn, nhưng không thể đứng ngoài xu hướng vận động đó…

Ông Lê Xuân Hải, Chủ tịch UBND xã Ia Sao, thị xã Ayun Pa, Gia Lai cho biết: “UBND xã chỉ đạo chương trình xây dựng nông thôn mới một cách quyết liệt, giao cho hội LHPN và đoàn thanh niên có trách nhiệm hàng tuần phát động phong trào đường ngỏ xóm xanh, sạch, đẹp, riêng hội LHPN sẽ vận động chị em phụ nữ làm thế nào để di dời chuồng trại ra xa nơi ở từ 4 đến 5 mét để đảm bảo tiêu chí. Mặt dù rất khó khăn, nguồn lực hạn chế và việc nhận thức lâu nay của bà con dân tộc thiểu số đã dẫn đến chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới của xã. Sắp tới với quyết tâm cao cao, dù khó nhưng xã quyết hoàn thành tiêu chi 17 này”.

Chăn nuôi gia súc là nhu cầu phát triển kinh tế của mỗi gia đình, nhưng việc nhốt gia súc dưới gầm nhà sàn ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống chung của cộng đồng. Trước thực trạng này, thì việc làm thay đổi nhận thức của các hộ  chăn nuôi để tự giác thực hiện sẽ phát huy hiệu quả./.

Nhóm PV

 


Lượt xem: 259

Trả lời