Chăm sóc, bảo vệ cây hồ tiêu trong mùa mưa

Cập nhật 23/7/2014, 14:07:58

Hồ tiêu được xem là một trong những nông sản chủ lực của một số vùng trọng điểm trên địa bàn tỉnh. Với giá tiêu đang ở mức cao như hiện nay, cây tiêu vẫn thu hút sự đầu tư không ít thời gian, công sức của không ít hộ nông dân. Tuy nhiên tiêu là loại cây khó tính, chính vì vậy, làm thế nào để chăm sóc và bảo vệ cây trong mùa mưa vẫn luôn là mối quan tâm đặc biệt của hầu hết bà con nông dân. 

 

Ông Vũ Văn Viễn-chăm sóc vườn tiêu.

 

Đây là 2 trong số nhiều trụ tiêu của gia đình ông Vũ Văn Viễn ở thôn Tứ Kỳ Nam, xã Ia Blá, huyện Chư Sê mắc bệnh rụng lá, thối rễ vừa được cứu sống. Theo ông Viễn thì tháng 3 vừa rồi, chỉ sau vài trận mưa lớn và nắng lên đột ngột vườn tiêu của ông đột nhiên có hiện tượng cây bị đỏ cuống, rụng lá sau đó cây chết hàng loạt.

Cây tiêu này tưởng đã chết rồi nhưng nhờ sử dụng phân bón Địa Long nên mới cứu được cây. Trong vườn cũng có nhiều trụ bị như thế nhưng sau khi nghe khuyến cáo, tôi đã bón phân kịp thời nên không bị lây lan. Cây tiêu là loại cây trồng chủ lực của gia đình nên chúng tôi rất lo lắng nếu bị sâu bệnh hay bị chết hàng loạt…’.Ông Viễn chia sẻ.

Hiện tại, xã Ia Blá, huyện Chư Sê có khoảng 600ha tiêu đang trong thời kỳ thu hoạch. Cũng không nằm ngoài quy luật, sau những đợt cho ra trái và giúp những mùa vàng bội thu cho bà con nông dân, chuẩn bị bước vào mùa mưa năm nay, nhiều trụ tiêu bị rơi vào tình trạng rụng lá và chết rất nhanh. Thậm chí nhiều trụ tiêu đang xanh tốt cũng bị chết chỉ trong vòng từ 3-5 ngày. Căn bệnh này, nhiều bà con gọi là bệnh tiêu điên.

Trao đổi với Ông Hoàng Phước Bính – Tổng thư ký hiệp hội hồ tiêu Chư Sê về vấn đề nêu trên, ông Bính cho biết thêm: Chư Sê có diện tích tiêu lớn nhất tỉnh. Mặc dù được giá, được mùa trong nhiều năm nhưng một trong những vấn đề mà bà con nông dân rất quan tâm đó là tiêu bị bệnh, thậm chí bị chết hàng loạt…”.

Qua thống kê chưa đầy đủ, toàn huyện Chư Sê có khoảng 2.500ha hồ tiêu và diện tích này vẫn đang tiếp tục được gia tăng. Do lợi nhuận của hồ tiêu lớn nên nhiều người đổ xô đi trồng mặc dù chưa nắm đầy đủ kiến thức, kỹ thuật về loại cây khó tính này. Bên cạnh đó, việc khai thác quá lâu trên cùng một diện tích và sử dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật quá nhiều, không đúng quy trình cũng khiến cây kiệt sức và dẫn đến hiện tượng tiêu chết nhanh chóng và chết trên diện rộng.

“Cây tiêu là cây trồng chủ lực của nhiều nông dân ở đây. Nhưng người nông dân chúng tôi không biết sử dụng phân bón như thế nào để mang lại hiệu quả cao nhất. Chính vì thế, chúng tôi rất mong các nhà khoa học có sự đầu tư nhiều hơn nữa cho các vùng chuyên canh như thế này…” Ông Hà Công Hiền – Xã Ia Blá – Chư Sê đề nghị.

Trước đây, khi trồng tiêu và nhiều loại nông sản khác, bà con nông dân sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật theo kinh nghiệm và sự giới thiệu của người đi trước. Nhưng một trong những nguyên nhân cơ bản nhất của việc chăm sóc cây đó chính là cần phải kiểm tra độ PH của đất, xem xét việc thiếu và thừa các vi chất chất dinh dưỡng trong đất thì lại ít được nông dân chú trọng. Theo kỹ sư Dương Hùng Đỗ, người trực tiếp cứu nhiều trụ tiêu mắc bệnh ở Chư Sê trong thời gian qua cho rằng; Sở dĩ ông có thể cứu được những trụ tiêu bị chết là ông sử dụng phân bón bổ sung các khoáng chất cho đất, tạo ra tính vật lý của đất khiến đất có kết cấu bền vững, tạo độ tơi xốp. Đây là chất hữu cơ vi sinh tăng chất đề kháng cho đất, lọc phèn, lọc mặn, kích thích bộ rễ phát triển, giúp cây có khả năng hấp thụ tốt chất dinh dưỡng trong đất.

Ông Dương Hùng Đỗ – Tổng giám đốc Công ty cổ phần Khai thác khoáng sản và xây dựng Miền Nam khuyến cáo: “ Để cây tiêu phát triển tốt thì cần phải tìm hiểu kỹ đặc tính của đất cũng như cây trồng. Ví dụ đất đang trồng tiêu thiếu Phốt pho, sắt, Magiê thì nên bổ sung chất ấy cho đất. Có như vậy, cây tiêu mới có thể phát triển tốt, hài hòa và ít sâu bệnh. Trong khi đó nhiều bà con nông dân lại trồng theo kinh nghiệm chứ ít có điều kiện tìm hiểu và để ý điều kinh sinh trưởng của cây theo đúng phương pháp khoa học. Đây cũng là một trong những nguyên nhân làm cây tiêu chết nhanh, chết nhiều…”.

Đầu tư theo quy mô và và có chiều sâu là điều đáng làm đối với các mặt hàng nông sản, nhất là nông sản chất lượng cao như hồ tiêu. Nhưng làm thế nào để chăm sóc và bảo vệ cây trồng trước sâu bệnh, trước những biến đổi thất thường của thời tiết là điều mà các hộ nông dân cũng như các ngành chức năng cần đặc biệt quan tâm./.

 

 

Thu Thủy-Minh Trí


Lượt xem: 41

Trả lời