Cây cao su trên đất Kbang bắt đầu cho thu hoạch

Cập nhật 20/6/2019, 21:06:01

Được đưa vào trồng trên địa bàn cách đây 8 năm, đến nay, cây cao su trên đất Kbang đã bắt đầu cho thu hoạch. Dù giá mủ cao su xuống thấp so với trước đây song cũng đã đem lại thu nhập đáng kể cho người dân và doanh nghiệp.

Gần 100 ha cao su được người dân xã Đak Smar đưa vào trồng từ năm 2011 khi được Công ty Thủy điện An Khê – Ka Nak bố trí tái định canh nay đã bước vào năm đầu khai thác chính. Ông Nguyễn Quang Thạo (Thôn 2, xã Đak Smar, huyện Kbang), cho biết: khoảng 1.200 cây của gia đình ông năm ngoái bắt đầu mở miệng và thu trong vòng 7 tháng đã được gần 5 tấn mủ đông. Với giá bán từ 10 đến hơn 12.000 đồng một kg mủ đông thì cũng thu được gần 60 triệu đồng. Năm nay, đầu vụ giá thu mua đã có nhích lên và đây là tín hiệu vui cho người dân khi mà bước vào khai thác chính sản lượng mủ sẽ cao hơn.

Ông Nguyễn Quang Thạo, Thôn 2, xã Đak Smar, huyện Kbang, Gia Lai nói: “Đối với cây cao su bước đầu giá cả chưa ổn định và đang còn thấp nhưng mà cũng có công việc để làm và thu nhập trong tháng. Bước sang năm 2019 thì giá cũng nhích hơn trước và mua đến 14.000, 15.000/kg. Người dân mong muốn có người vô thu mua với giá ổn định theo thị trường”.

Khi được bố trí tái định canh, đa phần người dân ở xã Đak Smar đều đưa vào trồng cây cao su. Nay đến kỳ khai thác dù giá có xuống thấp song cũng tạo được nguồn thu nhập tương đối cho bà con.

Ông Nguyễn Quý Thao, Chủ tịch UBND xã Đak Smar, huyện Kbang, Gia Lai cho biết: “Về chất lượng mủ cao su thì cơ bản là đảm bảo; còn về thu nhập thì bước đầu đi vào thu hoạch thì chu kỳ là 9 tháng thì mỗi tháng thu được 2 tạ đến 2,5 tạ mủ đông/ha. Ban đầu dù giá thu mua thấp song người dân cũng có công ăn việc làm, có tăng thêm thu nhập. Chính quyền địa phương cũng mong có Công ty bao tiêu sản phẩm tại địa phương cho bà con”.

Cùng với diện tích của người dân thì hơn 460 ha cao su đại diện của Công ty Thảo Nguyên Xanh được trồng từ năm 2013 và 2014 cũng ở địa phận xã Đak Smar đang tiến hành mở miệng khoảng 60% diện tích, tương ứng với 120.000 cây. Theo tính toán của doanh nghiệp, với sản lượng mủ như hiện nay thì năm đầu mở miệng chi phí đem lại cơ bản đáp ứng cho hoạt động của Công ty. Hiện nay, Công ty Thảo Nguyên Xanh cũng đang tiến hành xây dựng nhà máy với công suất 1.000 tấn/năm để chế biến mủ và bao tiêu sản phẩm cho người dân.

Ông Hoàng Văn Lan, Chủ tịch HĐQT Công ty Thảo Nguyên Xanh cho biết: “Dự kiến chúng tôi thu đến tháng 2 năm 2020 sẽ đạt 2.500 tấn mủ đông tươi trong sản lượng cây đang khai thác. Ở vùng đất này về chất lượng mủ về sơ bộ đánh giá của Công ty Cao su Mang Yang thì chất lượng mủ rất đảm bảo. Vừa rồi thì tôi cũng đã làm dự án để đầu tư nhà máy chế biến cao su xuất khẩu; thứ nhất là để đảm bảo nguồn thu cho Công ty; thứ hai là thu mua mủ cao su của người dân đưa vào chế biến”.

Dù giá mủ cao su không còn cao như trước song với chất lượng mủ đảm bảo, đạt sản lượng và tiến tới được bao tiêu thu mua ngay tại đồng cũng sẽ giúp cho người dân trồng cao su trên địa bàn huyện Kbang có thêm nguồn thu nhập ổn định từ loại cây trồng này./.

 Đức Hải, Huy Toàn

                                                                                                          


Lượt xem: 83

Trả lời