Câu chuyện về y tế học đường

Cập nhật 18/1/2019, 16:01:00

Để học sinh phát triển toàn diện về đức, trí, thể, mỹ thì y tế học đường (YTHĐ) giữ vai trò quan trọng. Bởi thực tế, không ít học sinh phát hiện ra bệnh hoặc tránh được những nguy cơ có thể gặp phải do được chăm sóc sức khỏe từ công tác YTHĐ. Tuy nhiên, công tác này đang tồn tại nhiều khó khăn cần được tháo gỡ, nhất là vấn đề nguồn nhân lực.

Đã nhiều tháng nay, Trường THCS Nguyễn Du, TP Pleiku không có nhân viên y tế. Do đó mà tủ thuốc của nhà trường cũng không có bất kỳ danh mục thuốc nào ngoài mấy chai oxy già. Mặc dù vậy, những xây xát nhẹ xảy ra đối với các em học sinh thì nhà trường vẫn phải xử lý.

Chị Hoàng Thị Minh Huệ, Nhân viên thư viện Trường THCS Nguyễn Du, TP.Pleiku, Gia Lai cho biết: “Khó khăn của tôi là nhân viên thư viện nên tôi không có chuyên môn nghiệp vụ về y tế, thành thử ra khi các em đau, ốm tôi không thể cho các em  uống thuốc được, mà chỉ với vết thương ở bên ngoài thì tôi xoa dầu hoặc gọi điện thoại gia đình đưa các em đến bệnh viện”.

Năm học 2017 – 2018, cơ quan BHXH Tp. Pleiku trích lại cho nhà trường 12% tiền BHYT/tổng số học sinh tham gia tương đương với số tiền gần 78 triệu đồng. Năm học này, cũng với số tiền đó nhưng trường THCS Nguyễn Du lại không thể sử dụng để tái đầu tư cho y tế học đường theo đúng quy định của một trường đạt chuẩn Quốc gia.

Thầy Nguyễn Công Hộ, Phó HT Trường THCS Nguyễn Du, TP.Pleiku, Gia Lai cũng cho biết: “Trong lúc này nhà trường tạm phân công nhân viên thư viện – tức là không có chuyên môn để làm nhân viên y tế, điều này ảnh hưởng rất nhiều đến chăm sóc sức khỏe cho học sinh ban đầu.

Riêng năm học này nhà trường không có nhân viên y tế nên nhà trường chỉ dùng số tiền đó hợp đồng Trạm y tế phường khám sức khỏe cho học sinh đầu năm học”.

Còn  trường Tiểu học Lê Quý Đôn, TP. Pleiku có nhân viên y tế là do trường có đến 10/39 lớp học bán trú. Vì vậy buộc nhà trường phải hợp đồng người có chuyên môn để quản lý bếp ăn bán trú và lưu trữ mẫu thức ăn. Nhưng chỉ với mức lương 1 triệu đồng/tháng từ nguồn hỗ trợ của phụ huynh thì liệu có giữ chân được một nhân viên y tế mới ra trường. Đó cũng chính là lý do mà các trường mong muốn có được biên chế hoặc hợp đồng nhân  viên y tế như hiện nay.

Cô Bùi Thị Phương Hoa, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Quý Đôn, TP.Pleiku, Gia Lai nêu: “Tôi cũng giống như tất cả giáo viên ở các trường học, mong muốn có 1 nhân viên y tế biên chế hoặc cho phép hợp đồng để chúng tôi có nhân viên quản lý các cháu, chăm sóc sức khỏe cho các cháu với những trường hợp xảy ra tai nạn nhẹ chúng tôi sơ cấp cứu kịp thời”.

Trên đây chỉ là 2 trong số rất nhiều trường học trên địa bàn tỉnh Gia Lai không có nhân viên y tế, đã đến lúc chúng ta phải nhìn nhận rõ vai trò của y tế học đường trong chăm sóc sức khỏe ban đầu cho học sinh. Vì đó là quyền lợi của các em, quyền lợi  khi tham gia BHYT – một chính sách lớn của Đảng và Nhà nước./.

 Lệ Xuân, Duy Linh


Lượt xem: 151

Trả lời