Câu chuyện của người chăn nuôi

Cập nhật 21/8/2017, 14:08:29

 Giá heo và những khó khăn của người chăn nuôi heo là câu chuyện có lẽ được quan tâm khá nhiều trong vòng nửa năm trở lại đây, nhất là từ tháng 7 đến nay khi giá heo hơi trên thị trường giảm mạnh rồi tăng lại đột biến, sau đó lại tiếp tục giảm.

Thời buổi kinh tế thị trường, đầu ra sản phẩm nông nghiệp của bà con nông dân vẫn còn khá bấp bênh. Tuy nhiên câu chuyện muốn nói ở đây nhìn từ thực tế của những người chăn nuôi heo hiện nay không phải chỉ là đầu ra của sản phẩm, mà quan trọng hơn đó là cần những cơ chế, chính sách để người chăn nuôi nói chung và chăn nuôi heo nói riêng có thể gắn bó với nghề. Chúng ta sẽ cùng tìm hiểu vấn đề này.

Ròng rã hơn 4 tháng trời để có lứa heo đầu tiên xuất chuồng, thế nhưng giá bán vào thời điểm chỉ có 29.000 đồng/kg heo hơi, coi như thất bại. Tiếp tục thì sợ nhưng bỏ không nuôi heo nữa cũng không được vì chi phí đầu tư chuồng trại, lấy giống heo cũng tốn kém không ít; cuối cùng chị Phan Thị Mộng ở thôn Thiên An (xã Ia Blứ, huyện Chư Pưh) đành phải đánh cược và cố gắng duy trì đàn heo của gia đình.

Chị Mộng cho biết: “Làm thì cũng vẫn lo sợ. Từ ngày xây hầm biogas với làm chuồng trại xong, tới chừ thả heo xong bán được 1 lứa, xuất chuồng được 40 con mà lại lỗ mấy chục triệu thấy khiếp luôn. Từ ngày nớ đến giờ ngưng lại, chừ giờ có họ đến hỏi mua giá 33.000 đồng/kg nhưng em nói heo còn nhỏ em chưa bán được”.

Chạy theo giá thị trường, thua thiệt dường như vẫn thuộc về người nuôi heo. Thực tế cho thấy, khi giá heo xuống thấp, người nuôi dù biết lỗ nhưng heo lớn đến kỳ xuất chuồng đành phải chấp nhận mà bán. Cứ thế đến khi heo trong dân không còn, nguồn cung thiếu thì giá heo lại được đẩy lên cao; lúc này chỉ có những trang trại, những hộ chăn nuôi cầm cự giữ heo lại được trước đó mới có để bán. Tuy nhiên khi người chăn nuôi ồ ạt bán vì sợ giá xuống lại thì thị trường bắt đầu làm giá, và giá heo chỉ vài ngày sau đó đã quay đầu giảm trở lại. Chuyện giá heo trong nước phụ thuộc thị trường Trung Quốc là điều mà người chăn nuôi phải chấp nhận, thế nhưng vấn đề ở đây đó là đôi khi còn bởi chính những thương lái trong nước làm giá để kiếm lời.

Chị Nhữ Thị Sơn – thôn Hà Thanh, xã Ia Dêr, huyện Ia Grai, Gia Lai cho biết: “Nói chung cách đây 5-6 năm về trước kịch thủ thì chỉ có giá 38.000 đồng/kg, nói chung như chúng tôi nuôi là cũng chưa lỗ. Thế nhưng đến thời điểm này giá kịch thủ là tôi bán với giá thấp nhất là 26.000 – 28.000 đồng/kg thì chắc lỗ cỡ 1 – 1,1 triệu/con. Nói chung người nông dân thì cũng rất mong các ban, ngành giúp đỡ cho bà con. Nói chung là nếu thời điểm bây giờ mà không lời thì còn kéo dài chứ nếu mà lỗ thì chắc không trụ được”.

Anh Nguyễn Địch Nghiêm – phường Đống Đa, TP.Pleiku, Gia Lai cho biết: “Giá lên thì khi người nông dân đã bán gần hết heo rồi và khi giá heo lên thì không còn bao nhiêu để bán để kéo lại được. Con buôn thì lúc đó họ sẽ dừng lại để coi lại giá chuẩn hay giá ảo. Tại vì nghe nói giá lên 42.000 đồng nhưng chưa ai bán được giá đó; giá 40.000 chỉ được vài ngày thôi, còn sau đó hạ lại”.

Như một ẩn số, giá heo từ chỗ đang dưới đáy ở mức 22-25 nghìn đồng/kg, bỗng tăng vọt lên 40-45 nghìn đồng/kg trong thời gian ngắn, rồi lại xuống còn 32-35 nghìn đồng/kg khiến người nuôi heo không kịp trở tay. Đặc biệt, trong những ngày gần đây, thông tin xuất khẩu heo sang Trung Quốc đã khơi thông trở lại có thể khiến người nông dân bị thiệt hại nếu vội vã tăng đàn. Bộ NN&PTNT đã khẳng định đây là thông tin không chính xác; còn về phía ngành chuyên môn thì hiện nguồn cung heo hơi trên thị trường vẫn rất dồi dào và nếu người chăn nuôi tăng đàn sẽ dẫn tới thua lỗ nặng. Thiệt hại về kinh tế với người nuôi heo là điều đã, đang xảy ra và có thể sẽ còn tiếp tục xảy ra; do dó người nuôi heo đang rất cần những cơ chế, chính sách hỗ trợ./.

Mỹ Tiến –  Thanh Sáng – Duy Linh


Lượt xem: 83

Trả lời