Cần xiết chặt xử lý tình trạng thanh thiếu niên vi phạm Luật Giao thông đường bộ

Cập nhật 19/6/2018, 09:06:01

Biết rõ các quy định của Luật Giao thông đường bộ, song hiện nay một bộ phận thanh thiếu niên trên địa bàn tỉnh vẫn cố tình làm ngơ và thường xuyên vi phạm. Để kiềm chế tai nạn giao thông, tỉnh Gia Lai một mặt chỉ đạo các lực lượng chức năng chú trọng tăng cường công tác tuyên truyền, mặt khác kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi cố tình vi phạm.

Tại các địa bàn vùng sâu vùng xa trên địa bàn tỉnh Gia Lai không khó để bắt gặp hình ảnh thanh thiếu niên điều khiển phương tiện khi đã sử dụng rượu bia, không đội mũ bảo hiểm, phóng nhanh vượt ẩu hay chở 3, chở 4. Khi bị lực lượng chức năng phát hiện xử lý, ai nấy đều biện minh ra nhiều lý do khác nhau dẫn tới vi phạm.

Em Hoàng Văn Khang – Thôn 3, xã Kim Tân, Ia Pa chống chế: “Em  biết đi xe chở 3  là vi phạm nhưng mà hôm nay do xe em hỏng, không mang theo điện thoại nên không điện được cho ai”.

Trung tá Ksor Huy – Phó trưởng Công an huyện Chư Pah cho biết: “Huy động lực lượng cảnh sát khác phối hợp cùng lực lượng cảnh sát giao thông trong công tác tuần tra kiểm soát và xử lý vi phạm. Đẩy mạnh hơn nữa công tác xử lý số thanh thiếu niên thường xuyên vi phạm Luật Giao thông đường bộ có hành vi tụ tập vào ban đêm càn quấy, gây rối mất an ninh trật tự”.

Có một nghịch lý đáng lo ngại, đó là hầu hết thanh thiếu niên vi phạm Luật Giao thông đường bộ đều nắm khá rõ những quy định bắt buộc khi tham gia giao thông nhưng cố tình làm ngơ. Chính điều này tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn giao thông khi mà tính mạng và sự an toàn của bản thân, người tham gia giao thông khác bị xem nhẹ.

Đ/C Võ Ngọc Thành – Phó Bí thư Tỉnh ủy – Chủ tịch UBND tỉnh – Trưởng Ban An toàn giao thông tỉnh Gia Lai chỉ đạo: “Gắn với tuyên truyền giáo dục về trật tự an toàn giao thông thì phải có giám sát kiểm tra các hành vi tham gia an toàn giao thông. Bởi ai tham gia giao thông cũng nhận biết được là vi phạm nếu phóng nhanh vượt ẩu, không đội mũ bảo hiểm, sử dụng rượu bia…nhưng hành động lại không gắn liền với nhận thức đó thì cái này phải được kiểm tra kiểm soát. Đừng nghĩ việc ta tuyên truyền như thế là người tham gia giao thông đã thực hiện tốt, phải xây dựng được một văn hóa giao thông cho thật tốt”.

Xây dựng văn hóa giao thông cần xuất phát từ chính ý thức của mỗi người khi tham gia giao thông. Cộng với đó là sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị, gia đình và chính bản thân mỗi thanh thiếu niên. Chỉ khi nhận thức của mỗi người được nâng cao khi đó mới có thể kiềm chế, giảm thiểu đến mức thấp nhất những vụ tai nạn giao thông đáng tiếc có thể xảy ra./.

Đoàn Bình, Minh Trung, Thanh Sáng

 


Lượt xem: 41

Trả lời