Cần tiếp tục có sự quan tâm đầu tư và liên kết để phát triển du lịch cộng đồng ở Kbang

Cập nhật 25/11/2020, 10:11:53

Cùng với quan tâm đầu tư để khai thác những tiềm năng về phát triển du lịch lịch sử, văn hóa và nhất là du lịch sinh thái thì những năm gần đây, huyện Kbang cũng đã chú trọng để đẩy mạnh phát triển du lịch cộng đồng. Tuy nhiên, để thu hút được du khách đến với Kbang để trải nghiệm những nét đặc sắc của đồng bào bản địa nơi đây thì cần tiếp tục có sự quan tâm đầu tư về hạ tầng cơ sở, con người và yếu tố quan trọng là liên kết được với doanh nghiệp để hình thành được các tour, tuyến để lôi cuốn được du khách.

Huyện Kbang có 19 dân tộc anh em cùng sinh sống. Trong đó, dân tộc bản địa là đồng bào Bahnar chiếm phần lớn với gần 40% dân số. Dưới sự phát triển của cơ chế thị trường song nhiều làng đồng bào Bahnar trên địa bàn huyện, bà con vẫn còn lưu giữ nhiều nét văn hóa đặc sắc của dân tộc mình, như: cồng chiêng, các ngành nghề truyền thống: đan lát, dệt thổ cẩm, tạc tượng… Qua chuyến khảo sát mới đây tại Di tích lịch sử làng kháng chiến S’tơr, xã Tơ Tung và làng Mơr Hra, xã Kông Lơng Khơng – làng được chọn triển khai mô hình: Phát triển du lịch cộng đồng dựa vào di sản, Đoàn công tác của Tổng cục Du lịch Việt Nam đánh giá cao về những tiềm năng để phát triển du lịch cộng đồng ở huyện Kbang.

Ông Vũ Nam, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường du lịch, Tổng cục Du lịch Việt Nam cho biết: “Qua thời gian đi khảo sát chưa nhiều những chúng tôi đánh giá là huyện Kbang có một tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng rất là lớn. Ngoài du lịch lịch sử, sinh thái thì cộng đồng ở đây với 19 dân tộc anh em mà đồng bào Bahnar chiếm số đông và bản sắc văn hóa vẫn được giữ gìn; như hôm nay chúng ta đang ở trong một cồng đồng văn hóa người Bahnar, nơi đang được giữ gìn rất nhiều giá trị văn hóa và cộng đồng cũng đang trực tiếp tham gia hoạt động phục vụ,đón tiếp du khách”.

Dù có nhiều tiềm năng, thế mạnh song qua khảo sát cũng cho thấy việc phát triển du lịch cộng đồng ở huyện Kbang cũng còn nhiều vấn đề vướng mắc; nhất là tư duy, nhận thức của bà con trong làm du lịch; các cơ sở vật chất, hạ tầng du lịch chưa được đầu tư đồng bộ; chưa hình thành được những tour, tuyến; công tác quảng bá còn hạn chế và chưa có sự liên kết trong việc thu hút du khách… và cần có sự quan tâm đầu tư và liên kết để phát triển du lịch cộng đồng ở Kbang.

Ông Vũ Nam, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường du lịch, Tổng cục Du lịch Việt Nam nêu: “Để có được sự phát triển thì sự vào cuộc của các bên rất là quan trọng; thứ nhất là chúng ta phải nâng cao được nhận thức của bà con trong việc tham gia hoạt động du lịch cộng đồng; chính quyền địa phương thì có trách nhiệm phối hợp với các doanh nghiệp hướng dẫn bà con làm du lịch cộng đồng, hướng dẫn từ việc đón tiếp khách như thế nào?, hướng dẫn bố trí các dịch vụ để cho khách trải nghiệm trong thời gian khách lưu trú tại đây; hướng dẫn sắp xếp lại cuộc sống, sinh hoạt, giành ra những khoảng không, những thời gian để phục vụ du khách; rồi hướng dẫn cho bà con về lòng tự hào dân tộc, bản sắc văn hóa của dân tộc và từ đó lấy lòng tự hào đó để truyền cảm hứng phục vụ du khách”.

Ông Nguyễn Văn Dũng, Chủ tịch UBND huyện Kbang cho biết: “Trong thời gian tới thì chúng tôi sẽ định hướng đầu tiên là tập trung cho 6 văn hóa kiểu mẫu, làng nông thôn mới sẽ tổ chức, đào tạo một nguồn nhân lực về du lịch cộng đồng; sau đó là triển khai chỉnh trang lại nhà cửa, truyền dạy lại các nghề truyền thống của người Bahnar, trong đó là nghệ dệt thổ cẩm, đan lát và tổ chức lại các nhóm để làm ẩm thực phục vụ du khách; tập trung luyện tập các đội cồng chiêng, chú trọng đội cồng chiêng nhí, đội cồng chiêng nữ để phục vụ du khách”.

Nếu được quan tâm đầu tư đúng mức thì du lịch cộng động tại huyện Kbang sẽ có những bước phát triển trong tương lai; trở thành ngành lao động chính của bà con nơi đây. Từ đó, sẽ kết hợp giữa du lịch lịch sử, văn hóa, du lịch sinh thái và du lịch cộng đồng để giúp cho du khách tìm hiểu được những giá trị văn hóa, lịch sử và có được những trải nghiệm lý thú khi đến với Kbang./.

 Đức Hải, Minh Trí


Lượt xem: 26

Trả lời