Cần tăng cường kiểm tra chất lượng rượu tại vùng DTTS

Cập nhật 24/3/2017, 15:03:59

Thời gian gần đây tình trạng rượu giả, rượu kém chất lượng, rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ đã gây ra nhiều vụ ngộ độc tập thể ở một số địa phương trong cả nước; làm ảnh hưởng đến sức khỏe và gây nguy hại đến tính mạng của nhiều người. Đối với Gia Lai những năm trước đây cũng đã từng xảy ra các vụ ngộ độc rượu ở huyện Kông Chro. Qua tìm hiểu, hiện nhiều quán tạp hóa ở các làng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh đang bán tràn lan nhiều loại rượu trắng do người dân tự nấu, tự chế biến, pha chế không rõ nguồn gốc, tiềm ẩn nhiều nguy hại cho người dân. Trước thực tế này, đòi hỏi cần có sự vào cuộc của các ngành chức năng trong việc kiểm tra, quản lý việc sản xuất, mua bán rượu ở vùng đồng bào DTTS. Phóng sự được thực hiện tại huyện Krông Pa.

Em Siu Lai ở xã Ia Trốc, huyện Ia Pa – Một trong 7 sinh viên của tỉnh Gia Lai đang theo học tại các trường đại học và cao đẳng ở Hà Nội vừa thoát khỏi lưỡi hái tử thần khi uống phải rượu có chứa methanol, hiện đang được nhà trường cho nghỉ 2 tuần để về nhà dưỡng sức. Vẫn chưa hết bàng hoàng sau sự việc đến với mình, Siu Lai kể: Hôm đó nhóm bạn của em đã mua khoảng 2 lít rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ (không có nhãn mác) về phòng trọ để liên hoan, ăn uống từ trưa đến 24h ngày 8/3. Đến sáng 9/3, một số người đau đầu, mờ mắt và nôn ra máu nên được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện 198 và sau đó chuyển đến Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) vào rạng sáng 10/3. Dù là người bị nhẹ nhất song Siu Lai cũng bị hôn mê đến 2 ngày và phải lọc máu đến 2 lần mới phục hồi được.

Em Siu Lai  cho biết: ” Uống xong lúc đấy thì thấy trong người cũng bình thường nhưng đến ngày hôm sau khoảng 8 giờ tối thì bạn của em thấy trong người nóng, rồi lạnh. Em tưởng là bị gió nên cạo gió cho, rồi mua thuốc kháng sinh uống nhưng bạn em lại bắt đầu bị ho và bảo là bị tức ngực. Rồi khoảng 1 tiếng sau là bạn em bị ho ra máu, ra cả ở mũi nữa. Lúc đó em cũng không biết làm gì và gọi cho bạn nhưng không được nên em đưa bạn đi bệnh viện 198. Đến 11, 12 giờ thì bệnh viện bảo không cứu được và bảo phải đưa đi bệnh viên Bạch Mai và em đưa đi. Và sáng hôm sau 3, 4 đứa bạn của em cũng bị giống như vậy luôn, còn em là bị sau cùng”.

Qua vụ ngộ độc trên có thể thấy hậu quả của việc uống rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ sẽ gây nhiều hệ lụy khôn lường, thậm chí là mất mạng. Thế nhưng, việc mua bán rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ ở các làng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh vẫn chưa được kiểm soát chặt chẽ. Có mặt tại cửa hàng tạp hóa của bà Nguyễn Thị Tuyết ở Buôn Ju, xã Krông Năng, huyện Krông pa chúng tôi thấy rượu được đựng trong bình nước 20 lít và khi được hỏi thì bà Tuyết khẳng định là rượu do gia đình bà tự nấu.

Bà Nguyễn Thị Tuyết, Buôn Ju, xã Krông Năng, huyện Krông Pa, Gia Lai cho biết: ” khoảng can 20 lít , rượu nhà tự nấu; mấy quán khác thì cô không biết chứ rượu ở đây là do tự nấu để bán”.

Thế nhưng khi chúng tôi muốn xem các dụng cụ để nấu rượu thì bà Tuyết lại đưa ra lý do rất khó hiểu là do gia đình có việc nên đã nấu cách đây khoảng 1 tháng và để dành bán dần.

Bà Tuyết lại nói :”  Bữa trước mình nấu mình dồn lại để trong can rồi đưa ra bán dần. Khi PV hỏi:  Nấu 1 lần mà để bán được cả tháng vậy ạ? bà Tuyết nói: Nấu 1 ngày 1 nồi 10 lít, mười mấy lít chứ mấy, rồi để trong can bán dần”.

Rõ ràng lời giải thích của bà Tuyết rất mâu thuẫn. Mỗi ngày chỉ nấu 1 nồi được khoảng hơn 10 lít nhưng lại bán hết khoảng 20 lít. Như vậy, không hiểu nhà bà nấu để giành được bao nhiêu rượu mà có đủ để bán trong khoảng 1 tháng nay.

Cách cửa hàng của bà Tuyết khoảng 100 mét, có một cửa hàng tạp hóa nữa nhưng chỉ thấy có 1 bé gái hơn 10 tuổi ở nhà đang bán rượu cho khách. 3 can rượu trắng loại 30 lít được bày ra để bán với giá chỉ hơn 10 ngàn đồng/lít. Qua lời bé gái thì số rượu này được người khác đem đến bỏ sỉ cho gia đình. Em này cho biết: “  Rượu đây là  mua của người ở Sông Hinh, dưới Phú Yên mang đến bỏ.”.

Mới đây, UBND tỉnh đã có ý kiến chỉ đạo các ngành chức năng phối hợp tăng cường kiểm tra, xử lý đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh rượu, đặc biệt là rượu do người dân tự nấu, tự pha chế, rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ. Đồng thời, nghiêm cấm các tổ chức, cá nhân bày bán các loại rượu không có nhãn mác, không rõ nguồn gốc xuất xứ dưới mọi hình thức nhằm bảo vệ sức khỏe và ngăn chặn các vụ ngộ độc rượu xảy ra trên địa bàn.

Trước tình trạng mua bán rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ ở các làng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh diễn ra còn khá phổ biến, các ngành chức năng cần sớm vào cuộc kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm để tránh các sự việc đáng tiếc xảy ra.

Quốc Anh – Đức Hải- Đặng Trà

 


Lượt xem: 58

Trả lời