Cần sớm hiện thực hóa chủ trương về kiểm soát quyền lực

Cập nhật 16/5/2018, 08:05:52

 Một trong những vấn đề “nóng” đã được Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) bàn bạc, đánh giá đó là làm thế nào để triển khai tốt công tác “kiểm soát quyền lực”, nhất là không để những “lỗ hổng” và những khuất tất trong công tác cán bộ. Nhiều ý kiến cho rằng, cần phải có những giải pháp mang tính đột phá và mạnh mẽ hơn nữa trong công tác “kiểm soát quyền lực”, chống “tha hóa quyền lực”. Đây là nhiệm vụ rất quan trọng mà thực tiễn đang đặt ra trong giai đoạn hiện nay.

Mấy ngày gần đây, một trong những nội dung dành được sự quan tâm của các thành viên thuộc Hội Cựu tù chính trị yêu nước tỉnh Gia Lai tại các buổi sinh hoạt đầu giờ làm việc mỗi ngày đó là công tác cán bộ theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 7 (khóa XII), đặc biệt là làm thế nào để kiểm soát tốt quyền lực của cán bộ. Nhiều ý kiến rất đồng thuận cao với chủ trương của Ban Chấp hành Trung ương Đảng yêu cầu đó là sớm xây dựng và hoàn thiện thể chế “kiểm soát quyền lực”. Bởi một khi quyền lực chưa được kiểm soát chặt chẽ thì dễ dẫn đến “tha hóa quyền lực”, khi đó sẽ dễ xảy ra nhiều hệ lụy khó lường như nạn chạy chức, chạy quyền, thân quen, cánh hẩu, duy tình, lợi ích nhóm, cục bộ địa phương trong công tác cán bộ.

Ông Trần Chín – Hội Cựu tù chính trị yêu nước tỉnh Gia Lai bày tỏ: “Nhân dân rất đồng thuận cao với những chủ trương của Trung ương Đảng đó là tăng cường công tác kiểm soát quyền lực, cần phải có những giải pháp mạnh mẽ và mang tính đột phá trong công tác kiểm soát quyền lực để ngăn chặn nạn chạy chức, chạy quyền và tiêu cực trong công tác cán bộ”.

Nhiều ý kiến cũng đồng thuận cao với quan điểm của Ban Chấp hành Trung ương Đảng đó là mọi quyền lực đều phải được kiểm soát chặt chẽ bằng cơ chế và quyền hạn phải được ràng buộc với trách nhiệm. Phát hiện và xử lý kịp thời, nghiêm minh các tổ chức, cá nhân vi phạm kỷ luật của Đảng, pháp luật của Nhà nước, lạm dụng, lợi dụng quyền lực để thực hiện những hành vi sai trái trong công tác cán bộ hoặc tiếp tay cho tệ chạy chức, chạy quyền; tham nhũng trong công tác cán bộ; sai đến đâu xử lý đến đó, không nên xử lý sai phạm của cán bộ theo kiểu “rút kinh nghiệm”…

Ông Trần Minh Sơn – Chủ tịch Hội Cựu tù chính trị yêu nước tỉnh Gia Lai cũng nêu: “Những sai phạm của cán bộ cần phải được phát hiện và xử lý kịp thời, sai đến đâu xử lý đến đó. Lâu nay có nhiều trường hợp xử lý cán bộ sai phạm theo kiểu “rút kinh nghiệm”, làm như vậy nhân dân chưa đồng thuận cao. Phải có những biện pháp để ngăn ngừa cán bộ sai phạm, không để cán bộ mắc sai phạm nghiêm trọng mới bị phát hiện, xử lý”.

Ông Nguyễn Đôn Thiêm – Hội Cựu tù chính trị yêu nước tỉnh Gia Lai nói: “Hội nghị Trung ương 7 khóa XII có đề ra các chủ trương và giải pháp để kiểm soát quyền lực, ngăn chặn nạn chạy chức chạy quyền và tăng cường phòng chống tham nhũng… nhân dân rất đồng tình ủng hộ. Đảng đã từng bước lấy lại niềm tin đối với nhân dân”.

Nhiều ý kiến cũng cho rằng, để thực hiện tốt công tác kiểm soát quyền lực cần cụ thể hoá cơ chế dân biết, dân bàn, dân giám sát công tác cán bộ; mở rộng các hình thức lấy ý kiến đánh giá sự hài lòng của người dân đối với từng đối tượng cán bộ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị một cách phù hợp theo tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng./.

Hà Đức, Cao Duy


Lượt xem: 31

Trả lời