Cần nâng cao trách nhiệm của toàn xã hội trong công tác phòng chống thiên tai

Cập nhật 22/5/2019, 13:05:00

  Hôm nay (22/5) là Ngày truyền thống phòng chống thiên tai Việt Nam. Trước những diễn biến phức tạp của thời tiết và biến đổi khí hậu, cùng với các hiện tượng thời tiết cực đoan thường xảy ra thì đòi hỏi các cấp, các ngành, các địa phương và toàn xã hội cần nâng cao tinh thần trách nhiệm trong việc tích cực tham gia công tác phòng chống, khắc phục thiệt hại do thiên tai gây ra.

    Huyện Krông Pa là một trong những địa phương đã gánh chịu nhiều thiệt hại do thiên tai. Chỉ tính từ đầu tháng 5/2019 đến nay, trên địa bàn huyện xuất hiện nhiều cơn gió lốc xoáy kèm theo mưa đá đã làm hư hỏng 63 căn nhà của người dân ở các xã: Ia Rsai, Ia Mlă, Chư Rcăm và thị trấn Phú Túc. Nhiều căn nhà bỗng chốc bị tốc mái hoàn toàn do lốc xoáy, những tấm tôn bị gió lùa,cuốn phăng hàng chục mét.

Bà Kpă H’Plah, Buôn Chư Jú, xã Ia Rsai, huyện Krông Pa, Gia Lai cho biết:  “Cả nhà mình đang ngủ trưa ở nhà thì nghe gió thổi ầm ầm. Một lúc sau thì thấy mái nhà phập phồng rồi bị cuốn đi xa hàng chục mét; kèm theo mưa đá nữa, mấy bà cháu sợ quá, không biết làm gì để phòng chống. Nhà nghèo lại bị thiên tai gây thiệt hại nên càng nghèo hơn.”

Những năm qua, trước tình hình thiên tai diễn biến phức tạp, UBND huyện Krông Pa đã chỉ đạo kiện toàn, củng cố và nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các cấp trong huyện; đồng thời yêu cầu các ngành chức năng và UBND các xã, thị trấn  triển khai các phương án chủ động phòng ngừa, ứng phó thiên tai theo phương châm “4 tại chỗ”.Các ngành chức năng và chính quyền địa phương các cấp trong huyện đã kịp thời hỗ trợ, giúp đỡ các gia đình khắc phục thiệt hại do thiên tai.

Ông Đinh Xuân Duyên- Trưởng Phòng NN&PTNT, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện Krông Pa, Gia Lai cho biết: Dự báo tình hình thiên tai trong năm 2019 trên địa bàn huyện diễn biến phức tạp. Trước tình hình đó, huyện tăng cường công tác tuyên truyền, cảnh báo đến nhân dân về diễn biến thiên tai và hiện tượng thời tiết cực đoan để chủ động chèn chống nhà cửa và chủ động tổ chức sản xuất nhằm giảm thiểu thiệt hại. Đối với những vùng trũng thấp thì các ngành chức năng của huyện khuyến cáo nông dân về lịch thời vụ, gieo trồng sớm để tránh lũ.

Thiên tai cũng đã gây nhiều thiệt hại về tài sản của Nhà nước và nhân dân ở nhiều địa phương khác trong tỉnh Gia Lai. Nhiều công trình như trường học, trạm y tế, đường giao thông, nhà cửa của người dân bị hư hỏng đã được chính quyền và nhân dân các địa phương khẩn trương khắc phục, sửa chữa. Đặc biệt là trong những năm qua, mưa lũ đã làm sạt lở, cuốn trôi nhiều ha đất ở, đất sản xuất, cây trồng, vật kiến trúc trên đất; đồng thời đe dọa đến tính mạng của hàng nghìn hộ dân sinh sống dọc ven các sông, suối trên địa bàn tỉnh. Để khắc phục được tình trạng này đòi hỏi có những phương án khả thi và tốn rất nhiều kinh phí. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch Tổ chức Tuần lễ Quốc gia phòng chống thiên tai từ ngày 15 đến ngày 22/5/2019 trên địa bàn tỉnh với chủ đề “Giảm nhẹ rủi ro thiên tai bắt nguồn từ cộng đồng”. Trong đó đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành và các tầng lớp nhân dân trong công tác phòng, chống thiên tai, góp phần xây dựng xã hội an toàn trước thiên tai. Tăng cường quản lý nhà nước, nhất là đẩy mạnh hoạt động phòng ngừa, chuẩn bị ứng phó với thiên tai; nâng cao năng lực phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của chính quyền các cấp và người dân… nhằm đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của Nhà nước và của nhân dân.

Ông Nguyễn Văn Hợp- Trưởng Phòng NN&PTNT, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện Chư Sê, Gia Lai nói: “Phòng NN&PTNT là cơ quan thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn đã tham mưu UBND huyện triển khai các hoạt động thực hiện Kế hoạch của UBND tỉnh về Tổ chức Tuần lễ Quốc gia phòng chống thiên tai năm 2019. Trong đó, UBND huyện đã chỉ đạo triển khai tốt các kế hoạch, phương án phòng chống ứng phó với thiên tai; tu sửa, nâng cấp hệ thống các công trình phục vụ công tác phòng chống thiên tai; đảm bảo an toàn hồ đập các công trình thủy lợi trên địa bàn”.

          Những rủi ro, thiệt hại do thiên tai gây ra ngày càng nghiêm trọng và khó lường. Do vậy, cùng với các cấp, các ngành chuẩn bị phương tiện, vật lực để sẵn sàng làm tốt công tác ứng phó  thiên tai thì mỗi người dân cần nâng cao tinh thần cảnh giác, chủ động và trách nhiệm hơn nữa đối với công tác này nhằm giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại là điều rất cần thiết./.

Hà Đức,R’Piên, Sơn Trung (Huyện Krông Pa)

                                                                                                                


Lượt xem: 36

Trả lời