Cách mạng tháng Tám ở Gia Lai

Cập nhật 18/8/2018, 10:08:34

Cách mạng tháng Tám năm 1945 là thắng lợi vĩ đại, là bản anh hùng ca bất tử trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Trong cơn bão táp cách mạng lan rộng cả nước, nhân dân các dân tộc trong tỉnh Gia Lai đã phát huy cao độ chủ nghĩa anh hùng cách mạng, nhất tề đứng lên giành chính quyền, mở ra bước ngoặt có ý nghĩa quyết định lịch sử trong công cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do ở tỉnh nhà. Sáng ngày 23/8/1945, hàng nghìn quần chúng ở thị xã Pleiku và các vùng xung quanh giương cao cờ đỏ sao vàng tập trung tại sân vận động thị xã tham gia mít tinh tuyên bố xóa bỏ bộ máy chính quyền cũ của bọn tay sai thực dân phong kiến, thành lập chính quyền cách mạng lâm thời do dân làm chủ. Cùng với cả nước, từ đây lịch sử Gia Lai đã lật sang trang mới của kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Thái Bình – Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh Gia Lai chỉ trong thời gian ngắn từ ngày 20 đến ngày 23/8/1945 nhưng dưới sự lãnh đạo của Đoàn Thanh niên An Khê, quần chúng nhân dân trong tỉnh đã đấu tranh giành chính quyền thành công và mau lẹ, ít bị tổn thương, từ thị xã Pleiku sau đó lan rộng các địa phương khác, đó là một kỳ tích rất kỳ diệu, nhờ vận dụng tốt bài học về nắm bắt thời cơ lịch sử. Cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở Gia Lai đã thực hiện được ước vọng của đồng bào các dân tộc trong tỉnh đó là được sống trong tự do, độc lập, bình đẳng, tương trợ giúp đỡ lẫn nhau để xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc trong chế độ xã hội mới.

Tiến sỹ Nguyễn Thái Bình – Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh Gia Lai cho biết: “Bài học về nắm bắt thời cơ trong Cách mạng tháng Tám cũng đã được tỉnh vận dụng linh hoạt trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ và trong giai đoạn đổi mới đất nước. Tỉnh đã vận dụng sáng tạo các chủ trương, đường lối của Đảng, tranh thủ sự quan tâm hỗ trợ của Trung ương, khai thác tiềm năng, thế mạnh, tích cực hợp tác, kêu gọi đầu tư phát triển và đạt được những thành tựu rất to lớn”.

Một trong những bài học quý giá nữa từ Cách mạng tháng Tám là tập hợp và phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân cũng được tỉnh Gia Lai vận dụng sáng tạo trong thực tiễn, thể hiện những minh chứng sinh động. Đó là những chiến thắng vang dội như: Đak Pơ, Pleime, Cheo Reo- Phú Bổn, Đường 7- sông Bờ… Đó là ý chí cách mạng, tinh thần anh dũng kiên cường bất khuất trước quân thù và đức hy sinh cao cả của biết bao người con ưu tú ở tỉnh đã không tiếc máu xương, xả thân hy sinh cho Tổ quốc. Hội tụ và kết tinh từ lòng yêu nước, một lòng theo Đảng, Bác Hồ kính yêu, đồng bào các dân tộc trong tỉnh đã góp phần làm nên lịch sử trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập tự do, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và trong công cuộc đổi mới đất nước.

Ông Rơ Chăm Trom – xã Ia Pnôn, huyện Đức Cơ- Gia Lai nói: “Trong kháng chiến chống thực dân Pháp và trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ bản thân tôi đều tham gia cách mạng, đã trực tiếp tham gia một số trận đánh chống quân thù. Khi đất nước đổi mới, bản thân tôi cũng tích cực tham gia xây dựng quê hương”.

Ông Đinh Gơr, Bí thư Chi bộ làng Mang, xã Ya Ma, huyện Kông Chro – Gia Lai cho biết: “Đồng bào các dân tộc ở đây luôn tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, đoàn kết hỗ trợ giúp đỡ nhau làm ăn, phát triển sản xuất; tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới để góp phần đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế- xã hội để buôn làng ngày càng giàu đẹp”.

Những bài học lịch sử về tinh thần Cách mạng tháng Tám bất duyệt vẫn luôn lấp lánh giá trị và tỏa sáng trong tiến trình xây dựng và phát triển tỉnh nhà.

Tiến sỹ Nguyễn Thái Bình – Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh Gia Lai nói: “Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chính trị, nhà trường luôn chú trọng lồng ghép giảng dạy các nội dung lý luận chính trị, quản lý nhà nước… với truyền thống về Cách mạng tháng Tám, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, lịch sử Đảng bộ tỉnh… để cán bộ, công chức, viên chức trong tỉnh từ đó vận dụng tốt trong quá trình công tác”.

 Hà Đức, R’Piên


Lượt xem: 346

Trả lời