Các dự án đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp góp phần giải quyết việc làm cho lao động

Cập nhật 29/4/2023, 10:04:48

Các dự án đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp đang mang đến diện mạo mới cho nền nông nghiệp của tỉnh Gia Lai và đã thu hút lượng lớn người lao động tại các địa phương vào làm việc, góp phần giải quyết việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân.

Thu nhập 5 đến 6 triệu đồng từ công việc chăm sóc cây trồng tại một trang trại gần nhà đã giúp chị Siu H’Đam, ở làng Ngâm Thung, xã Ia Pết, huyện Đak Đoa có đủ chi phí để trang trải sinh hoạt trong gia đình, cũng như chi phí học tập của con cái. Mỗi ngày, chị Siu H’Đam bắt đầu công việc từ 7h sáng và kết thúc vào lúc 14h. Tìm được công việc phù hợp, lương cao hơn nhiều so với trước đây, lại gần nhà nên chị Siu H’Đam quyết tâm gắn bó lâu dài với công việc này.

Chị Siu H’Đam – Làng Ngâm Thung, xã Ia Pết, huyện Đak Đoa nói: “Trước đây không có việc làm thì tôi làm thuê cho người Kinh ở xung quanh xã, rồi làm nương rẫy, thu nhập rất thấp. Từ khi xin được vào đây làm thì công việc ổn định hơn. Hai vợ chồng tôi làm ở đây lương tháng cũng được hơn 10 triệu đồng.”

Việc được tuyển vào làm tại các dự án sản xuất nông nghiệp không chỉ góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho bà con người DTTS mà đây còn là cơ hội để các lao động nông thôn có thể học tập, nâng cao tay nghề, rèn luyện kỹ năng làm việc. Trong môi trường làm việc chuyên nghiệp, hoạt động theo dây chuyền, mỗi người lao động tự có ý thức để rèn giũa, nâng cao năng lực của bản thân.

Chị Ka Sơn – Làng Djong, xã A Dơk, huyện Đak Đoa bày tỏ: “Làm ở đây tiện, gần nhà. Làm ở đây mà đầy đủ thì ngoài lương, nếu làm việc đầy đủ mình còn được cấp thêm tiền chuyên cần nữa. Làm việc cũng vui, lĩnh hội được nhiều kiến thức, kỹ năng, hiểu biết thêm nhiều về công việc.”

Ông Bùi Quang Thoại – Phó Chủ tịch UBND xã Glar, huyện Đak Đoa nói: “Được sự quan tâm của các nhà đầu tư, triển khai các dự án nông nghiệp trên địa bàn. Tại những nơi này, cần lực lượng lao động phổ thông rất nhiều nên đã tạo việc làm cho bà con DTTS trên địa bàn xã. Đối với những hộ gia đình ít đất hoặc không có đất sản xuất đã xin vào các dự án để có thu nhập ổn định. Nhờ đó một số hộ đã có thể vươn lên thoát nghèo trong thời gian qua.”

Trong thời gian qua, nhiều nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh đã tiến hành triển khai một số dự án nông nghiệp có quy mô lớn trên địa bàn tỉnh. Theo đó, nhu cầu tuyển dụng lao động để làm việc tại các dự án này cũng rất lớn, từ hàng trăm đến gần cả nghìn lao động tại mỗi dự án. Điều đáng nói, đa số các dự án đều ưu tiên tuyển dụng lao động là người tại chỗ. Từ những tín hiệu tích cực này, các địa phương trên địa bàn tỉnh đang nỗ lực thu hút, kêu gọi các dự án đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp thông qua ban hành những cơ chế, chính sách thông thoáng nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp triển khai hoạt động đầu tư.

Ông Trịnh Duy Thuân – Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP. Pleiku cho biết: “Là một đô thị loại I nhưng thành phố Pleiku vẫn có khoảng 9000ha đất trồng cầy hàng năm và khoảng 24% người dân sản xuất nông nghiệp. Kêu gọi các doanh nghiệp tham gia liên kết, tìm đầu ra cho sản phẩm/ Các doanh nghiệp phát triển thì sẽ góp phần tạo công ăn việc làm, có con em vào làm việc trong doanh nghiệp thì thu nhập sẽ ổn định hơn. Cấp ủy, chính quyền địa phương đang nỗ lực triển khai nhiệm vụ này.”

Tỉnh Gia Lai đang đẩy mạnh kêu gọi đầu tư thực hiện các dự án trên lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn. Tính đến hết tháng 03 năm 2023, toàn tỉnh đã thu hút được 277 dự án đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Trong đó có 38 dự án trồng trọt, 203 dự án chăn nuôi và 36 dự án trồng rừng. Những dự án này đi vào hoạt động không chỉ góp phần tích cực thực hiện mục tiêu đưa nông sản của Gia Lai xuất khẩu sang các thị trường lớn trên thế giới mà đồng thời còn giải quyết được việc làm cho hàng trăm nghìn lao động tại khu vực nông thôn, nhất là lao động người DTTS.

Ngọc Hà – R’Piên


Lượt xem: 3

Trả lời