Các đại biểu thảo luận tại tổ nhiều vấn đề quan trọng trên lĩnh vực kinh tế – xã hội

Cập nhật 10/12/2019, 13:12:44

Hôm nay 10/12, Kỳ họp thứ 11, HĐND tỉnh Gia Lai khóa XI, nhiệm kỳ 2016-2021 bước sang Ngày làm việc thứ 2 với phiên thảo luận tại tổ  xung quanh các báo cáo của Thường trực HĐND, UBND tỉnh, Viện Kiểm sát Nhân dân, TAND, Cục Thi hành án Dân sự tỉnh cùng 21 dự thảo Nghị quyết được trình tại kỳ họp.

 Để các đại biểu đóng góp những ý kiến cụ thể, xác đáng và hợp lý, đồng chí Dương Văn Trang – Ủy viên BCH TW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh lưu ý: Cùng với việc đánh giá những kết quả đạt được trên lĩnh vực kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh, đối ngoại mà tỉnh đạt được trong năm 2019 và mục tiêu, phương hướng, giải pháp được tỉnh phấn đấu thực hiện trong năm 2020, khi thảo luận tại tổ, các đại biểu cần phân tích, làm rõ những hạn chế còn tồn tại, đồng thời nghiên cứu tham gia thêm những nhiệm vụ, biện pháp có tính khả thi cao nhằm góp phần chỉ đạo, thực hiện có hiệu quả các chỉ tiêu, nhiệm vụ mà tỉnh đề ra trong năm 2020. Bên cạnh đó cần nghiên cứu báo cáo thẩm tra của các Ban HĐND tỉnh để phiên thảo luận tại tổ đạt chất lượng và đem lại hiệu quả cao nhất.

Qua thảo luận tại tổ các đại biểu đã đánh giá cao những kết quả trên lĩnh vực kinh tế-xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng mà tỉnh đã thực hiện trong năm 2019 và thống nhát với phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp mà UBND tỉnh đã đặt ra trong năm 2020 – Năm cuối để thực hiện và hoàn thành các mục tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV và kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020. Một trong những chỉ tiêu quan trọng trên lĩnh vực kinh tế của tỉnh trong năm 2020, đó là phấn đấu thu ngân sách đạt từ 5.200 tỷ đồng trở lên. Góp ý tại tổ, các đại biểu đã phân tích và đưa ra các giải pháp để đảm bảo hoàn thành được chỉ tiêu đề ra.

Ông Nguyễn Đình Phương – Trưởng Ban Kinh tế – Ngân sách, HĐND tỉnh Gia Lai nêu: “Năm nay chúng ta có một số khoản thu lớn không đạt thì Ban đã có đánh giá; nếu chúng ta không nỗ lực thu thì khả năng chúng ta không đạt là rất lớn. Tính đến tháng 10 thì bình quân mỗi tháng chúng ta thu trên 350 tỷ thì chúng ta còn lại 1.000 tỷ mà thu trong 2 tháng thì chúng ta phải thu mỗi tháng trên 500 tỷ nên rất là khó. Và cũng báo cho các đại biểu thì hiện nay thu ngân sách trên địa bàn tỉnh mà Trung ương giao thì chúng ta chỉ đạt 38,5% thôi, chưa đạt 40% có nghĩa là chúng ta đạt rất thấp”.

Đối với chỉ tiêu trồng rừng năm 2019 là 5.015 ha, ông Trương Phước Anh – Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết: Theo thống kê ban đầu chỉ tiêu này không đạt kế hoạch, song qua rà soát, đánh giá lại mới đây thì đã đạt 101,6% kế hoạch và như vậy trong năm 2019, 21/21 chỉ tiêu về kinh tế – xã hội tỉnh Gia Lai đều đạt. Hiện nay, ngành Nông nghiệp và các địa phương đang tập trung triển khai các giải pháp, trong đó có việc tháo gỡ khó khăn về nguồn vốn để đảm bảo chỉ tiêu trồng mới 5.000 ha rừng trong năm 2020.

Ông Trương Phước Anh – Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Gia Lai cho biết: “Theo Quyết định 38 để trồng rừng thì mỗi năm tỉnh ta hỗ trợ từ 2.000 đến 2.500 ha với mức là từ 2 triệu và sau này là 3 triệu/ha và tiếp theo năm 2019 là phải nuôi rừng của năm 2017 và 2018; và đây là cái riêng, cái điểm khác của chúng ta. Và thứ 2 nữa là không thuộc dự án hỗ trợ đầu tư tức là UBND tỉnh trên kế hoạch thu hồi đất của Kế hoạch 1123 và điều chỉnh đất trống lâm nghiệp của các ban quản lý rừng thì giao cho các doanh nghiệp”.

Đối với 21 dự thảo Nghị quyết trên các lĩnh vực được Thường trực HĐND và UBND tỉnh trình tại kỳ họp cũng nhận được nhiều ý kiến của các đại biểu. Nhiều đại biểu đánh giá cao việc UBND tỉnh trình dự thảo Nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ đối với cán bộ, công chức, viên chức, người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trong giai đoạn 2019-2021 trên địa bàn tỉnh và dự thảo Nghị quyết  về việc xây dựng chính sách hỗ trợ đối với người hoạt động không chuyên trách và người trực tiếp tham gia công việc ở thôn, tổ dân phố dôi dư do sắp xếp thôn, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh.

Ông Vũ Tiến Anh – Chánh Văn Phòng HĐND tỉnh Gia Lai nêu ý kiến về vấn đề này: “Tôi thấy UBND tỉnh trình tờ trình này là phù hợp với thực tiễn hiện nay. Theo tôi tỉnh cũng trích nguồn tăng thu ngân sách để thực hiện và bổ sung thời gian thực hiện để cho các địa phương thuận tiện trong thực hiện khi Nghị quyết được ban hành”.

Lĩnh vực trật tự an toàn xã hội và an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh cũng nhận được nhiều ý kiến quan tâm của các đại biểu. Nhiều đại biểu bày tỏ lo ngại trong năm 2019, mặc dù phạm pháp hình sự trên địa bàn tỉnh giảm nhưng tính chất, hậu quả một số vụ xảy ra nghiêm trọng và tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp. Đáng chú ý là tội phạm đánh bạc có tổ chức, tội phạm giết người, cố ý gây thương tích do mâu thuẫn cá nhân, bột phát trong sinh hoạt hàng ngày; tội phạm xâm hại trẻ em; nạn tự tử, nhất là trong vùng DTTS, cũng như tình hình tai nạn giao thông trong lứa tuổi thanh thiếu niên. Riêng về tội phạm ma túy trong năm qua, toàn tỉnh đã phát hiện 209 vụ, tăng 45 vụ so với cùng kỳ. Qua đây, đặt ra nhiều vấn đề trong công tác đấu tranh và xử lý đối với loại tội phạm này.

Ông Nguyễn Đình Quang – Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Gia Lai cho biết: “Các cơ quan chức năng đẩy mạnh truy quét song số lượng ngày càng nhiều hơn, số người nghiện, số người liên quan đến ma túy ngày càng tăng. Với biện pháp hiện nay thì các cơ quan chúng tôi: Tòa án, Viện kiểm sát, Công an thì đang đề nghị Quốc hội xem lại việc chúng ta bỏ tội sử dụng ma túy. Trước kia chúng ta đưa tội, tổ chức sử dụng và sử dụng ma túy vào xử lý hình sự để nghiêm trị các đối tượng này song từ khi chúng ta theo ý kiến của Liên hợp quốc đưa ra tệ nạn xã hội thì tình hình sử dụng ma túy càng ngày càng tăng”.

Với tinh thần dân chủ, góp ý thẳng thắn và trên tinh thần xây dựng, các đại biểu đã phân tích những bất cập, khó khăn và đề xuất nhiều giải pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản, quản lý tài nguyên khoáng sản; quản lý, bảo vệ rừng; nâng cao hiệu quả công tác đầu tư, mua sắm tập trung; giải pháp để năm 2020, tỉnh Gia Lai đạt tốc độ tăng tổng sản phẩm (GRDP) từ 8,2% trở lên; tổng mức đầu tư toàn xã hội đạt 30.000 tỉ đồng trở lên cũng như giảm số hộ nghèo, nhất là hộ nghèo trong đồng bào DTTS. Làm thế nào để khai thác hợp lý và biến các tiềm năng, thế mạnh du lịch của tỉnh để ngành công nghiệp không khói này có bước phát triển bền vững trong thời gian tới; giải pháp để hạn chế tình hình tội phạm và tệ nạn xã hội trong lứa tuổi thiếu niên… cũng được nhiều đại biểu phân tích, bàn luận tại tổ./.

Thiên Thanh, Đức Hải,  Thanh Sáng, R’Piên


Lượt xem: 26

Trả lời