Cà phê Gia Lai hướng đến xây dựng chiến lược thương hiệu và tiếp thị sản phẩm

Cập nhật 05/4/2023, 07:04:38

Vào đầu tháng 3 vừa qua, Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) đã lựa chọn cà phê Gia Lai tham gia vào Dự án thí điểm “Xây dựng chiến lược thương hiệu và tiếp thị dành cho các nhà sản xuất sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý Việt Nam”. Đây được xem là cơ hội để sản phẩm cà phê của Gia Lai chuẩn bị đầy đủ hành trang để tiến ra các thị trường trên thế giới.

Dự án Xây dựng chiến lược thương hiệu và tiếp thị dành cho các nhà sản xuất sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý Việt Nam” được Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) thiết kế gồm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1, WIPO sẽ tổ chức tập huấn, hướng dẫn thực hành về sở hữu trí tuệ cho các nhà sản xuất cà phê Gia Lai. Theo đó, Dự án sẽ mời các chuyên gia sở hữu trí tuệ hướng dẫn phương pháp bảo hộ, quản lý tài sản trí tuệ một cách hiệu quả, tập trung vào cách thức xây dựng chiến lược thương hiệu và tiếp thị dành cho các nhà sản xuất.

Tiếp đó, trong giai đoạn 2 của Dự án, WIPO sẽ tập trung triển khai hoạt động giới thiệu sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý trên nền tảng thương mại trực tuyến và xây dựng các tài liệu quảng bá sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý. Chiến dịch quảng bá sản phẩm sẽ được xây dựng theo nhu cầu và điều kiện thực tế của các doanh nghiệp, nhà sản xuất của địa phương. Thời gian thực hiện 2 giai đoạn của dự án là trong năm 2023.

Ông Nguyễn Ngọc Cường – Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Gia Lai nói: “Tham gia vào đó chúng ta sẽ đạt được: Một là chúng ta biết thêm được quá trình mà chúng ta tham gia chỉ dẫn địa lý của chúng ta có được nhất là nhãn hiệu cà phê  và các quản lý, quảng bá  và cách nhìn mới trong các sản phẩm mang địa danh, chỉ dẫn địa lý nhất là ở Gia Lai. Cái thứ 2 là tham gia đạt 3 mục tiêu, một là các sản phẩm của các nhà sản xuất, các doanh nghiệp được quảng bá trên nền tảng Tiktok, thứ 2 nữa là tổ chức hội thảo trao đổi nếu có, quảng cáo, thứ 3 là hệ thống quảng bá bài bản hơn và các chỉ dẫn địa lý được quảng bá.”

Cà phê là cây trồng chủ lực của tỉnh Gia Lai, với diện tích trên 98 nghìn 700 ha, trong đó có gần 88 nghìn 700 ha đã cho sản phẩm. Sản phẩm cà phê cũng là mặt hàng nông sản xuất khẩu chính của tỉnh. Trong năm 2022, kim ngạch xuất khẩu cà phê đạt trên 490 triệu USD, chiếm gần 71% tổng kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm nông sản hàng hóa của tỉnh. Đặc biệt, Gia Lai đã có sản phẩm cà phê của Công ty TNHH Vĩnh Hiệp được xuất khẩu sang thị trường EU theo Hiệp định Thương mại tự do EVFTA và đây cũng là doanh nghiệp tiêu biểu trong xuất khẩu cà phê của tỉnh. Chính những đột phá trong hướng đi của các doanh nghiệp lớn như thế này đã giúp  sản phẩm cà phê của Gia Lai tiến được những bước dài ra thị trường thế giới, nhất là khi được tiếp cận với những Dự án quốc tế.

Ông Thái Như Hiệp – Chủ tịch Hội đồng thành viên – Giám đốc Công ty TNHH Vĩnh Hiệp cho biết; “Cà phê của Gia Lai là một trong những loại cây có nền sản xuất rất là thông minh, họ đã chuyển dần từ trạng thái nông nghiệp cảm tính trở thành một nền nông nghiệp bền vững. Trong nông nghiệp bền vững thì họ đã làm khác đi về khâu chế biến, thu hoạch và khâu thu hoạch thì nó nâng cao được giá trị sản phẩm Gia Lai đặc biệt. Nó là sản phẩm đặc biệt các nước đánh giá rất tốt, có tiềm năng, sản phẩm cà phê hiện nay được đi vào các thị trường khó tính nhất, trong đó có thị trường Châu Âu”

Từ nỗ lực của các doanh nghiệp, HTX trên địa bàn tỉnh trong việc đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm cà phê Gia Lai cũng như sự hỗ trợ của WIPO với Dự án “Xây dựng chiến lược thương hiệu và tiếp thị dành cho các nhà sản xuất sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý Việt Nam”, sản phẩm cà phê của Gia Lai kỳ vọng sẽ ngày càng khẳng định được vị thế trên thị trường thế giới.

Ông Nguyễn Ngọc Cường – Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Gia Lai trao đổi: “Tổ chức WIPO muốn chúng ta có 1 nền tảng chạy trên Tiktok, sản lượng chúng ta rất tốt, do vậy mang được chỉ dẫn địa lý cà phê chúng ta vừa bảo hộ tính ra để chạy trên nền tảng này rất thuận lợi. Chúng ta được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận cho sản phẩm cà phê, đấy là điều kiện tốt và đủ cơ sở pháp lý để chúng ta làm. Ở đây có sự tham gia của cả những người sản xuất và doanh nghiệp, là điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tham gia, như công ty Vĩnh Hiệp,cũng như các hợp tác xã sản xuất sản phẩm cà phê theo tiêu chuẩn VietGAP, Global GAP”

Dự án Xây dựng chiến lược thương hiệu và tiếp thị dành cho các nhà sản xuất sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý Việt Nam” với những định hướng chiến lược rõ ràng cả về xây dựng thương hiệu lẫn tiếp thị sản phẩm được kỳ vọng sẽ giúp sản phẩm cà phê Gia Lai phát triển phù hợp với xu thế hiện nay. Nhất là trong bối cảnh cà phê Gia Lai đã tham gia hội nhập quốc tế và đang dần tiếp cận đến các thị trường khó tính như châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản…. chính vì thế, ngay sau khi được WIPO lựa chọn sản phẩm cà phê Gia Lai để tham gia Dự án, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Gia Lai đã có công văn trình UBND tỉnh xin chủ trương để sớm triển khai thực hiện.

Thúy Diện – Duy Linh


Lượt xem: 27

Trả lời