Cá nhét làng Bi

Cập nhật 22/1/2020, 17:01:42

Dòng Sê San, Pô Kô huyền thoại, bao đời nuôi dưỡng cư dân đôi bờ bằng những sản vật quí hiếm; để rồi từ đó hình thành nét văn hóa ẩm thực nổi tiếng, được nhiều vùng dân tộc thiểu số Tây Trường Sơn biết đến. Đó là món cá nhét ở làng Bi, xã Ia O, huyện Ia Grai.

Không biết tự bao giờ, cứ vào độ này, khi trời se lạnh, tiết chuyển từ đông sang xuân cũng là lúc con nước dần cạn, thời điểm cá nhét ngược dòng Sê San, Pô Kô, lũ lượt kéo nhau lên thượng nguồn tìm nơi đẻ trứng… Trai tráng làng Bi đan phên lồ ô chặn dòng bắt cá. Cá nhiều đến nỗi phơi đầy trên những tảng đá, bãi sỏi cạnh bờ sông… Đây chính là nguyên liệu làm món cá nhét thơm ngon, được nhiều người ưa thích, tìm mua làm quà.

Già làng Ksor Bơng , làng Bi nói: “Riêng làng Bi, có năm thu nhập gần tỉ đồng, cả làng đấy. Bình quân mỗi năm thu năm, sáu, bảy trăm triệu tiền bán ống cá nhét”.

Phơi chừng 3 nắng là vừa, sao cho con cá không khô quá, cũng không ướt quá; sau đó bỏ vào ống lồ ô, cất giữ nơi thoáng mát để dùng quanh năm…

Giờ đây, khi thủy điện tích nước, việc đánh bắt khó hơn nên cá nhét trở thành khan hiếm; chỉ được dùng vào những dịp lễ trọng như mừng lúa mới, lễ bỏ mả, đám cưới, hay tiếp khách quí… Vì thế, cách làm cá nhét ngon cũng mai một dần…

Kpuih Xấp – Làng Bi, xã Ia O, huyện Ia Grai, Gia Lai chia sẻ: “Để làm được ống cá nhét ngon thì mất nhiều thời gian. Giờ chỉ có 3 gia đình họ Ksor của làng này còn giữ được cách làm truyền thống. Muốn giữ cá được lâu thì phải phơi cho khô rồi mới bỏ vào ống. Đầu ống nhét một lớp lá chuối, cuối cùng là trét một lớp đất trộn với tro và nước để bảo quản được lâu”.

Cá nhét được dùng như một nguyên liệu phối hợp chế biến ra nhiều món ăn khác nhau, như nấu với lá mì, cà đắng, nấm; hoặc nướng để ăn kèm với nhiều món ăn khác. Nó gần gũi, bình dị; lặng lẽ đi vào tiềm thức cộng đồng người Jarai thuở còn tấm bé; để giờ đây, lớp trẻ làng Bi mới có cơ hội cảm nhận trọn vẹn cái hồn, cái văn hóa của dân tộc mình thông qua món ăn bình dị này…

Chị Siu H’Byat – Làng Bi, xã Ia O, huyện Ia Grai, Gia Lai cho biết: “Mình lớn lên đã thấy họ làm cá nhét rồi. Mình đi thấy mới biết họ làm cá nhét như nào, họ bắt xong thì phơi, phơi xong thì ủ, ủ xong thì bỏ vào ống, để lâu hai ba năm cũng dùng được, nó không hư. Nấu món gì cũng bỏ cá nhét vào được.

Cá nhét thường mình hay ăn thì mình thấy ngon, không bỏ được món đấy. Mình nấu món gì cũng bỏ cá nhét vào thì thấy ngon, nên không bỏ được cá nhét. Ví dụ mình nấu lá mì hay món gì khác.. thì cũng bỏ cá nhét vào mới thấy ngon”.

Vị ngọt dịu của cá – tựa như tấm lòng thơm thảo; cái mặn mà – như tình cảm gần gũi, thân thương; cái vị đắng – như kết tinh của vất vả, gian truân…; cộng với sự dẻo mềm, thơm hương nếp rẫy, và một chút nồng nàn của rượu cần…, bữa ăn bình dị bao đời của người dân làng Bi, nó cứ như một phép màu, kéo cộng đồng các dân tộc khu vực biên giới xích lại gần hơn, yêu thương nhau nhiều hơn…

Minh Thanh, Viễn Khánh


Lượt xem: 144

Trả lời