Tiêu chuẩn của đại biểu Quốc hội

Cập nhật 03/3/2021, 15:03:35

Tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội khóa XV, đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 được quy định cụ thể tại Hướng dẫn 36-HD/BTCTW ngày 20/01/2021.

Trong đó:

Tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội khóa XV

Tiêu chuẩn chung:

-Người ứng cử đại biểu Quốc hội phải bảo đảm các tiêu chuẩn của đại biểu Quốc hội theo quy định của Luật Tổ chức Quốc hội, cụ thể: Trung thành với Tổ quốc, Nhân dân và Hiến pháp, phấn đấu thực hiện công cuộc đổi mới, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

-Có phẩm chất đạo đức tốt, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, gương mẫu chấp hành pháp luật; có bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền và các hành vi vi phạm pháp luật khác.

-Có trình độ văn hóa, chuyên môn, có đủ năng lực, sức khỏe, kinh nghiệm công tác và uy tín để thực hiện nhiệm vụ đại biểu Quốc hội.

-Liên hệ chặt chẽ với nhân dân, lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của nhân dân, được nhân dân tín nhiệm. Có điều kiện tham gia các hoạt động của Quốc hội.

-Người ứng cử đại biểu Quốc hội đang công tác tại cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị-xã hội, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước ngoài đảm bảo các tiêu chuẩn chung còn phải là cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tiêu biểu, xuất sắc; có quan điểm, lập trường chính trị vững vàng; có năng lực phân tích, hoạch định chính sách, xây dựng pháp luật, có chuyên môn, kinh nghiệm thực tiễn phù hợp với vị trí dự kiến; thể hiện trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, không vi phạm quy định về những điều đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức không được làm.

Về tiêu chuẩn, điều kiện của đại biểu Quốc hội chuyên trách

Ngoài các tiêu chuẩn chung, người ứng cử đại biểu Quốc hội chuyên trách còn phải đáp ứng các yêu cầu, điều kiện sau:

– Có trình độ đào tạo đại học trở lên.

– Người ứng cử làm đại biểu Quốc hội chuyên trách ở các cơ quan của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội nói chung phải kinh qua và hoàn thành tốt nhiệm vụ ở chức vụ từ vụ trưởng và tương đương, chức vụ giám đốc sở, ngành và tương đương trở lên; có quy hoạch làm đại biểu Quốc hội chuyên trách hoặc có quy hoạch chức danh Thứ trưởng và tương đương trở lên.

Nếu là cán bộ Quân đội, Công an thì phải kinh qua và hoàn thành tốt nhiệm vụ ở chức danh cục trưởng, vụ trưởng và tương đương, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh, Giám đốc công an tỉnh và tương đương trở lên hoặc có quân hàm từ Đại tá trở lên.

– Người ứng cử làm đại biểu Quốc hội chuyên trách để làm phó trưởng đoàn ở địa phương phải là Tỉnh ủy viên, đang giữ chức vụ Giám đốc sở hoặc tương đương trở lên, nói chung có quy hoạch một trong các chức danh sau: Ủy viên ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thành ủy, PCT Hội đồng nhân dân, PCT Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoặc tương đương trở lên.

– Đối với một số lĩnh vực cần thiết phải cơ cấu đại biểu Quốc hội nhưng không có nhân sự cấp vụ trưởng và tương đương đáp ứng yêu cầu thì Đảng đoàn Quốc hội phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định từng trường hợp cụ thể, bảo đảm đúng quy định./.

Thiên Thanh, Đào Hiền


Lượt xem: 20

Trả lời