HĐND các cấp tỉnh Gia Lai – Phát huy vai trò cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương và quyền làm chủ của Nhân dân

Cập nhật 09/4/2021, 07:04:24

Nhìn lại nhiệm kỳ 2016 – 2021, HĐND các cấp trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã có nhiều đổi mới trong hoạt động, phát huy tốt vị trí, vai trò là cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương và đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân. Qua đó, đã góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng cho cử tri, Nhân dân trên địa bàn.

Nhiệm kỳ 2016 – 2021, đã có 6.374 đại biểu HĐND các cấp được cử tri trên địa bàn tỉnh tín nhiệm và bầu chọn trong cuộc bầu cử đại biểu đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp vào ngày 22/5/2016. Trên cơ sở kết quả của cuộc bầu cử, HĐND các cấp đã kiện toàn tổ chức, bộ máy đảm bảo đi vào hoạt động có hiệu lực, hiệu quả, thể hiện rõ là cơ quan quyền lực cao nhất của Nhà nước được dân cử ở địa phương.

Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, HĐND các cấp đã tổ chức thành công 2.664 kỳ họp đúng quy trình. Công tác chuẩn bị và tổ chức các kỳ họp đã có nhiều đổi mới từ công tác điều hành, thảo luận, chất vấn và trả lời chất vấn. Thông qua các kỳ họp đã có gần 15.800 Nghị quyết đã được ban hành. Đây đều là những Nghị quyết quyết định các vấn đề quan trọng và đã phát huy được hiệu quả trong phát triển kinh tế – xã hội, đảm bảo quốc phòng – an ninh và cải thiện, nâng cao đời sống của người dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số.

Ông Hồ Phước Thành, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Gia Lai cho biết: “Đối với HĐND các cấp, đặc biệt là cấp tỉnh khi mà ra chủ trương đầu tư thì đã bám sát Luật Đầu tư công và thực hiện rất tốt, điều này giúp cho UBND giám sát triển khai rất là đơn giản. Về đánh giá giai đoạn 2016 – 2020 vốn đầu tư công mà chúng ta được phân bổ là gần 13.300 tỷ đồng để thực hiện 373 công trình. Chúng ta đã tập trung vào các dự án về giao thông, thủy lợi và các công trình thiếu yếu ở vùng sâu, vùng xa và là những công trình  mang tính chất cốt lõi, mang tính chất lan tỏa”.

Ông Nay Plim, Buôn Thim, xã Phú Cần, huyện Krông Pa cũng cho biết: “Bà con chúng tôi ở đây thấy rằng trong những năm qua đã nhận được sự quan tâm đầu tư của các cấp, nhất là của tỉnh về đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng nhất là vè giao thông, thủy lợi. Như ở huyện Kroong Pa này thì đường xá đi lại đã rất thuận lợi; tỉnh quan tâm đầu tư hoàn thiện hệ thống kênh mương thủy lợi Ia Mlah cung cấp nước tưới cho bà cin sản xuất, ổn định đời sống”.

Cùng với đó, hoạt động tiếp xúc cử tri trước và sau mỗi kỳ họp, việc tiếp công dân và đôn đốc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị cũng được thực hiện theo đúng quy định. Qua tiếp xúc cử tri, đã tổng hợp trên 37.000 lượt ý kiến, kiến nghị của người dân và phân loại gửi tới các cơ quan có thẩm quyền. Kết quả đã có hơn 26.600 lượt ý kiến, kiến nghị được tiếp thu giải quyết, đạt 72% tổng số ý kiến, kiến nghị của cử tri. Tỷ lệ giải quyết đều tăng qua hàng năm. Việc tiếp công dân định kỳ 3 cấp được duy trì vào ngày 15 hàng tháng; đồng thời, Thường trực HĐND các cấp cũng đã tăng cường tổ chức đối thoại với công dân vào sáng thứ 7 hàng tuần. Qua các buổi tiếp công dân, đại biểu HĐND các cấp đã tiếp gần 7.000 công dân đến khiếu nại tố cáo, kiến nghị, chủ yếu liên quan đến các lĩnh vực tranh chấp đất đai, công tác đền bù, giải phóng mặt bằng… Và đã có 8.232 kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của công dân được xem xét, giải quyết, đạt 82% so với tổng số kiến nghị, khiếu nại.

Ông Đinh Blan, Thôn trưởng làng Groi, thị trấn Kbang, huyện Kbang cho biết: “ Trước đây khi xây dựng công trình thủy điện An Khê – Ka Nak bà con rất bức xúc vì thiếu đất sản xuất. Qua nhiều lấn kiến nghị đến HĐND các cấp và cấp có thẩm quyền thì cũng đã được xem xét bố trí đất sản xuất ổn định cho bà con; mỗi hộ được 1 ha và đến nay đã ổn định đời sống nên bà con rất vui mừng, rất là cảm ơn”.

Ông Bùi Xuân Đồng, Tổ 7, phường Hội Thương, TP.Pleiku cũng nói: “Tôi thấy rằng HĐND các cấp trong giai đoạn 2016 – 2021 thì các vị đại biểu đều thể hiện được vai trò, trách nhiệm của mình là đại biểu của dân, là cầu nối giữa người dân với các cơ quan chức năng. Riêng địa bàn phường Hội Thương chúng tôi thì một năm có 2 đến 3 cuộc tiếp xúc cử tri đại biểu HĐND 2 cấp và 3 cấp. Từ hội nghị này thì người dân có ý kiến phản ánh, kiến nghị tình hình của bà con ở địa phương. Nhìn chung những vụ việc, ý kiến của người dân phản ánh đến các vị đại biểu HĐND thì đều được giải quyết một cách kịp thời”.

Thực hiện chức năng giám sát, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, HĐND các cấp tỉnh Gia Lai đã tổ chức 4.465 đoàn giám sát, khảo sát trên nhiều lĩnh vực. Nội dung giám sát tập trung vào các vấn đề về phát triển kinh tế – xã hội ở địa phương được cử tri, Nhân dân quan tâm, như: công tác quản lý tài nguyên, khoáng sản, quản lý, bảo vệ rừng, việc triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo… Sau giám sát, HĐND 3 cấp đã có trên 16.300 kiến nghị gửi đến các cơ quan Trung ương và các cấp, ngành ở địa phương và đã có trên 74% kiến nghị được tiếp thu, giải quyết.

Cùng với đó, việc triển khai thực hiện Nghị quyết 85 ngày 26/11/2014 của Quốc hội khóa XIII, Thường trực HĐND các cấp đã tham mưu HĐND tổ chức việc lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 – 2021 bầu đảm bảo dân chủ, công khai, minh bạch. Từ đó, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả trong bố trí, sử dụng cán bộ; nhất là đối với những người được lấy phiếu tín nhiệm đã nhận thức rõ hơn về vai trò, trách nhiệm của bản thân trong thực thi chức trách, nhiệm vụ được giao.

Ông Trần Thanh Bình, Phó Chủ tịch HĐND phường Phù Đổng, TP.Pleiku chia sẻ: “Qua kết quả lấy phiếu tín nhiệm thì bản thân tôi có trên 50% là phiếu tín nhiệm thì cho thấy bản thân cũng đã thực hiện được vai trò, nhiệm vụ, trách nhiệm của mình. Đồng thời, kết quả đó thì mình cần phải làm tốt hơn trách nhiệm của mình được giao; trách nhiệm của mình đối với người dân khi mình là người đại diện cho lợi ích, nguyện vọng chính đáng của người dân”.

Thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và duy trì mối quan hệ chặt chẽ, thường xuyên với các cơ quan, tổ chức hữu quan, HĐND các cấp trong tỉnh đã có nhiều đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội, đảm bảo quốc phòng – an ninh trên địa bàn tỉnh. Trong giai đoạn 2016 – 2020, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân hằng năm đạt 7,83%. GRDP đến năm 2020 đạt gần 81.000 tỷ đồng. Thu nhập bình quân đầu người năm 2020 đạt 52,54 triệu đồng. Đến cuối năm 2020, toàn tỉnh có 81 xã, 3 địa phương cấp huyện và 84 thôn, làng đạt chuẩn nông thôn mới. Tỷ lệ hộ nghèo đã giảm từ 19,71% năm 2015 xuống còn khoảng 4,5% vào cuối năm 2020; tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số từ 40,1% giảm còn dưới 6,25% và đến nay không còn hộ gia đình chính sách thuộc diện nghèo. Đặc biệt, trong những tháng đầu năm 2021, dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức song tỉnh Gia Lai đã thực hiện thắng lợi mục tiêu “kép”, vừa chống dịch Covid-19 có hiệu quả, vừa đẩy mạnh phát triển kinh tế – xã hội đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.

Nhìn lại nhiệm kỳ 2016 – 2021, HĐND các cấp trong tỉnh đã hoàn thành tốt nhiệm vụ là cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương và đại diện cho ý chí, nguyện vọng, quyền làm chủ của Nhân dân. Và sau kết quả của cuộc bầu cử đại biểu QH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026 diễn ra vào ngày 23/5/2021 tới, cử tri trên địa bàn tỉnh sẽ tiếp tục lựa chọn những người có phẩm chất, năng lực, trình độ, uy tín để đại diện cho ý chí, nguyện vọng của người dân, xây dựng bộ máy chính quyền của dân, do dân và vì dân./.

Nhóm PVTS


Lượt xem: 32

Trả lời