Bảo vệ rừng và đa dạng sinh học – Câu chuyện thực tiễn tại Vườn Quốc Gia Kon Ka Kinh

Cập nhật 04/2/2023, 10:02:00

Gia Lai là một trong những địa phương có diện tích rừng lớn thứ 2 cả nước (trên 631.000 ha). Trong đó có Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cao nguyên Kon Hà Nừng với hệ sinh thái động thực vật vô cùng phong phú, đa dạng và cảnh vật thiên nhiên hùng vỹ với những thác nước hoang sơ, thơ mộng. Đây là một trong những tiềm năng, thế mạnh được tỉnh Gia Lai xác định nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế -xã hội trên địa bàn tỉnh theo hướng tăng trưởng xanh, bền vững. Tuy nhiên, trước thực trạng ô nhiễm môi trường; khai thác quá mức tài nguyên thiên nhiên làm cho chất lượng rừng và sự đa dạng sinh học bị giảm. Theo đó, tăng độ che phủ của rừng, bảo tồn đa dạng sinh học, gắn với phát triển du lịch cộng đồng để cải thiện sinh kế cho người dân được xem là giải pháp bảo tồn bền vững, góp phần nâng cao nhận thực trong cộng đồng về tầm quan trọng của đa dạng sinh học và công tác bảo tồn thiên nhên tại Gia Lai.

Sự đặc trưng về địa hình, thuận lợi về thổ những, khí hậu đã tạo điều kiện thuận lợi phát triển các hệ sinh thái tại tỉnh Gia Lai, với các loài động vật, thực vật có nguồn gốc cận nhiệt đới núi cao, hệ sinh thái rừng tự nhiên chiếm diện tích lớn với trên 60%. Đa dạng sinh học thực vật tập trung chủ yếu ở các vườn quốc gia, khu bảo tồn, rừng phòng hộ, giá trị đa dạng sinh học ở Gia Lai còn có nhiều loài phân bố hẹp, tính đặc hữu rất cao. Vì vậy, Gia Lai lâu nay trở thành một trong những khu vực bị khai thác tài nguyên thiên nhiên quá mức.

Nằm trên Cao nguyên Pleiku ở vùng núi Trung Trường Sơn gồm nhiều dãy núi có độ cao trung bình từ 1.200m – 1.500m, Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh là một trong 2 vùng lõi có diện tích lớn nhất của Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cao nguyên Kon Hà Nừng và đã được công nhận vườn di sản ASEAN. Thời gian qua, Vườn quốc gia đã phối hợp, hỗ trợ các tổ chức nghiên cứu trong nước và quốc tế thực hiện nhiều đề tài có ý nghĩa khoa học môi trường và tính ứng dụng thực tiễn cao như: “Xây dựng cơ sở dữ liệu đa dạng sinh học động – thực vật ở Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh và đề xuất biện pháp bảo tồn giai đoạn 2014 – 2017”; “Nghiên cứu đặc tính sinh thái của loài Voọc chà và chân xám”; “Dự án hỗ trợ bảo tồn thiên nhiên tại Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh”….

Theo các nhà khoa học có nhiều năm làm việc tại Gia Lai và Tây Nguyên thì hệ động thực vật ở Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh có nhiều điểm khác biệt lớn so với các khu vực khác ở Việt Nam. Vì vậy, nếu bảo tồn tốt hệ sinh thái rừng đặc hữu quý hiếm này thì Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh sẽ có giá trị quan trọng trong công tác nghiên cứu của các nhà khoa học và là điểm đến lý tưởng của khách du lịch nhất là du khách nước ngoài.

Tiến sỹ Hà Thăng Long, GĐ hội nghiên cứu động vật Frankfurt tại Việt Nam cho biết: “Kon Ka Kinh là một vùng lõi của một khu dự trữ sinh quyển thì nó chứa đựng trong đó một giá trị đa dạng sinh học rất cao với những loài động vật hoang dã, ví dụ như hơn 1.200 loài động thực vật hiện nay đang có ở KKK, đó là một giá trị mà không phải vùng đất nào cũng có. Hội đồng Frankfurt rất là mong muốn sẽ mở rộng các hoạt động ở đây. Hy vọng rằng sẽ có nhiều chuyên gia quốc tế từ Đức từ các nước Châu Âu đến tìm hiểu về con người văn hóa và thiên nhiên của vùng đất đẹp này”.

Tài nguyên đa dạng sinh học và cảnh quang Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh đang là tiềm năng, thế mạnh để khai thác phát triển du lịch sinh thái. Với lợi thế là 1 trong 27 Vườn di sản ASEAN của Đông Nam Á, nơi đây có trên 1.700 loài thực vật, chiếm khoảng 14% hệ thực vật cả nước, trong đó có nhiều  loài quí hiếm nằm trong Sách đỏ Việt Nam và thế giới có giá trị trong bảo tồn nguồn gien và nghiên cứu khoa học như: Thông đà lạt, Hoa khế, Gõ đỏ, Trác, Hoàng thảo vạch đỏ… Vườn cũng sở hữu một hệ động vật vô cùng phong phú với 87 loài thú; 326 loài chiêm; 77 loài bò sát; Có 58  loài Ếch nhái và  321 loài con trùng thuộc 10 họ, 1 bộ. Trong đó, có nhiều loài đặc hữu của Việt Nam được ghi trong danh mục sách đỏ thế giới như: Voọc vá chân xám, Vượn má hung, Khướu Kon Ka Kinh, Thằn lằn đuôi đỏ…Đây là điểm nổi bật, hấp dẫn cho du khách muốn trải nghiệm các hoạt động du lịch khám phá thiên nhiên.

Ông Ngô Văn Thắng, Phó Giám đốc phụ trách Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh  cho biết: “Ngoài việc bảo vệ rừng thông thường như ngành Kiểm lâm đang làm thì hàng năm chúng tôi đều xây dựng những kế hoạch hết sức cụ thể, đặc biệt là chương trình bảo tồn những loài động vật, thực vật đặc hữu, như ở đây có loài chà vá chân xám”.

Gắn kết cộng đồng cùng tham gia vào các hoạt động bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học là hướng đi mà Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh đang hướng đến. Hiện nay, có 8 tuyến điểm du lịch được khai thác như:  Tham quan quần thể cây đa cổ thụ; chinh phục đỉnh đá trắng ngắm Vọoc chà vá chân xám; hay tham quan thác 95, Trung tâm cứu hộ, bảo tồn, phát triển sinh vật… mỗi chuyến hành trình du khách không chỉ biết đến sự đa dạng sinh học qua các tài liệu, mà còn được trực tiếp khám phá thế giới đa dạng, động thực vật và chiêm ngưỡng vẻ đẹp hùng vỹ của núi rừng.

Chị Hồ Thị Thùy Linh, TP. Pleiku, Gia Lai cho biết: “Đây là lần đầu tiên mình được đi tour du lịch hòa mình vào thiên nhiên như thế này. Cảm giác khi leo lên đỉnh núi đá trắng đầu tiên thì rất là mệt song khi lên đến nơi thì có cảm giác như mình khám phá được cái gì đó rất là mới mẻ, rất vui. Mọi người như được hòa mình vào thiên nhiên, được ngâm mình trong dòng nước mát lạnh thì cảm thấy rất là sảng khoái”.

Ông Đinh Khánh Toàn, Giám Đốc TT Giáo Dục Môi Trường & DVMT, VQG Kon Ka Kinh cho biết: “Các tour tuyến này gắn liền với thiên nhiên, đặc biệt là các du khách nước ngoài họ rất thích tới Vườn quốc gia để trải nghiệm, giống như hòa mình tự nhiên. Trung tâm giáo dục môi trường còn tiến hành giúp cộng đồng địa phương, đặc biệt là những cộng đồng làng của vùng đệm Vườn quốc gia tham gia vào việc hướng dẫn khách, phục vụ khách tới ngoài việc tìm hiểu về Vườn họ còn được tìm hiểu về văn hóa của cộng đồng Bahnar bản địa ở đây”.

Trung tâm Du lịch sinh thái và Giáo dục môi trường là nơi tiếp đón tất cả du khách khi đến tham quan Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh. Đây là nơi trình bày các mô hình tương tác thông qua hoạt động diễn giải môi trường của cán bộ và thành viên cộng đồng bản địa.  Sinh động, hấp dẫn và gần gũi đó là cách để truyền tải các câu chuyện về những điều kỳ bí trong thế giới tự nhiên nơi đây. Đây chính là một phần rất quan trọng để đào tạo người dân vùng đệm Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh cùng tham gia làm du lịch, gắn du lịch sinh thái với du lịch cộng đồng. Qua đó, làm tốt công tác bảo tồn và phát huy được sự đa dạng của hệ sinh thái, phục vụ cho du khách đến tham quan.

Ông Ngô Văn Thắng, Phó GĐ phụ trách Vườn quốc Gia Kon Ka Kinh cho biết: “Nếu du lịch phát triển tốt, mỗi người khách đến đây sẽ nâng cao hiểu biết về Vườn, đây là một khu rừng đa dạng sinh học, quý báu cần phải bảo vệ. Người dân địa phương thu lợi từ hoạt du lịch sẽ giảm tác động lên rừng, du lịch phát triển sẽ tạo nguồn thu giúp cho việc bảo vệ rừng, tạo cảnh quang cho Vườn được tốt hơn, và hình ảnh của Vườn quốc gia sẽ được quảng bá rộng rãi, không những du khách trong nước mà còn du khách ngoài nước biết đến”…

Tài nguyên thiên nhiên nói chung và tài nguyên đa dạng sinh học nói riêng, là nguồn lực, giá trị quan trọng cho phát triển kinh tế, là vấn đề môi sinh cần bảo tồn để duy trì sự sống của các hệ sinh thái rừng gắn với đời sống cộng đồng dân cư. Qua câu chuyện thực tiễn tại Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh đã cho ta thấy rằng: Tài nguyên đa dạng sinh học chỉ trở thành sức mạnh kinh tế khi con người biết quản lý khai thác và sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả…/.

 Kim Ngân, Viễn Khánh


Lượt xem: 14

Trả lời