Bảo tồn văn hóa cồng chiêng – Điểm sáng ở Ia O

Cập nhật 17/7/2014, 08:07:03

 Theo thống kê của Sở Văn hóa – Thể thao – Du lịch tỉnh Gia Lai, người dân ở các địa phương trong tỉnh đang sở hữu hơn 5.600 bộ cồng chiêng, địa phương có số lượng cồng chiêng lớn nhất là huyện Ia Grai, với 1.116 bộ. Không chỉ sở hữu nhiều bộ cồng chiêng nhất, huyện Ia Grai cũng là địa phương có nhiều bộ chiêng quý nhất. Sau đây, chúng tôi mời quý vị và các bạn cùng đến xã Ia O, một xã biên giới của huyện Ia Grai, địa phương có trên 500 bộ cồng chiêng và cũng sở hữu nhiều cái “nhất” trong công tác bảo tồn văn hóa cồng chiêng ở tỉnh Gia Lai.

 

Gia đình ông Rơ Câm Dem, đang lưu giữ nhiều bộ chiêng quý.

 

Ông Rơ Châm Dem, ở làng Dăng, xã biên giới Ia O, huyện Ia Grai – Người đã bước sang cái tuổi xưa nay hiếm. Mặc dù không còn nhìn rõ, nhưng hễ nghe có khách tới thăm nhà là ông Dem rất vui. Tuy nhiên, khi nghe chúng tôi nói muốn xem mấy bộ chiêng quý, ông lão khá rụt rè và đắn đo, có lẽ vì khách là người lạ. Sau khi được cán bộ văn hóa xã giải thích, ông mới đồng ý và nhờ người hàng xóm lên gác lấy mấy bộ chiêng xuống. Trong số 6 bộ chiêng mà ông đang sở hữu, chúng tôi khá ấn tượng với bộ chiêng Pát, loại chiêng được đúc tinh xảo, âm thanh vang xa. Theo ông Dem đã có người trả ông 120 triệu đồng nhưng ông không bán, dù cuộc sống khó khăn, đạm bạc, nhà cửa tạm bợ, không có con, chỉ có 2 vợ chồng già quanh quẩn bên nhau. Tài sản quý giá nhất trong căn nhà này là mấy bộ chiêng và những chiếc ché cổ từ thời ông bà để lại…

 

 

Lợi dụng vợ chồng ông lão già yếu, mắt kém, năm 2010 kẻ gian đã đột nhập vào nhà lấy đi 2 bộ chiêng quý, trị giá hằng trăm triệu đồng. Giờ thì chúng tôi đã hiểu tại sao ông Dem lại không muốn cho người lạ xem chiêng. Theo nhẩm tính, với 6 bộ chiêng đang sở hữu nếu đem bán hết, ông Dem sẽ có hơn 200 triệu đồng để trang trải cho cuộc sống tuổi già…

 

Ông Rơ Châm Dem tâm sự: Sau này minh đi không nổi, già yếu rồi, người trong dòng tộc mình ai nuôi mình, khi chết đi mình sẽ truyền lại mấy bộ chiêng này chứ không bao giờ bán.

 

 

Xã Ia O, huyện Ia Grai hiện nay đang sở hữu hơn 500 bộ cồng, chiêng – Đây là địa phương đứng đầu của tỉnh Gia Lai về số lượng cồng, chiêng đang nắm giữ, chiếm gần 1/2 trong toàn huyện và gần 1/10 trong toàn tỉnh. Trong đó, có rất nhiều bộ cồng, chiêng quý. Huyện Ia Grai có trên 300 bộ chiêng quý, thì xã Ia O đã chiếm hơn 1/2. Thực hiện công tác bảo tồn văn hóa cồng chiêng, Phòng Văn hóa, thông tin và thể thao huyện đã cử cán bộ phụ trách phối hợp với cán bộ văn hóa xã, các thôn trưởng ở các làng của xã Ia O – Xã làm điểm thực hiện công tác điều tra cồng chiêng của huyện, từ đó rút kinh nghiệm triển khai cho các xã khác.

 

 

Trao dổi với chunga tôi ông Lý Kỳ Chung, Trưởng Phòng VHTT-TT huyện Ia Grai chia sẻ: Chúng tôi đã điều tra khảo sát đối với số chiêng trên địa bàn, chúng tôi quản lý từng hồ sơ chiếc chiêng, xuất xứ của từng bộ chiêng để có hướng bảo tồn lâu dài.

 

Qua câu chuyện này có thể thấy, việc bảo tồn văn hóa cồng chiêng phải được thực hiện ngay từ buôn, làng, nơi mà không gian văn hóa cồng chiêng sản sinh ra, xuất phát từ nhu cầu, tình yêu của những chủ nhân nắm giữ nét văn hóa đặc sắc, tinh túy của nhân loại, từ đó, góp phần hạn chế tình trạng chảy máu cồng chiêng diễn ra tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh Gia Lai như hiện nay./.

Song Nguyễn – Đoàn Bình


Lượt xem: 63

Trả lời