Bảo tồn và phát triển văn hóa cồng chiêng từ trong trường học

Cập nhật 27/4/2018, 10:04:27

Không gian văn hóa Cồng Chiêng Tây Nguyên được Unesco công nhận là Kiệt tác Di sản truyền khẩu và phi vật thể của nhân loại từ năm 2005. Để tiếp tục bảo tồn và phát triển không gian văn hóa này, thời gian qua, một số trường dân tộc nội trú trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã đưa cồng chiêng vào truyền dạy cho học sinh. Mới đây nhất, Trường THCS Dân tộc nội trú huyện Ia Pa đã  thành lập câu lạc bộ cồng chiêng với 30 thành viên.

Để thành lập được CLB , nhà trường đã phối hợp với Phòng Văn hóa-Thông tin huyện Ia Pa và Trường Trung cấp Văn hóa Nghệ thuật tỉnh Gia Lai mời nghệ nhân Nay Phai về truyền dạy những kỹ năng, cách thức diễn tấu cồng, chiêng dùng trong dịp lễ hội cho các bạn học sinh. Đến nay, các thành viên trong CLB đã chơi thành thạo 5 bài diễn tấu.

Cô Võ Thị Thu Thủy, Hiệu trưởng Trường THCS Dân tộc nội trú huyện Ia Pa cho biết: “Hệ thống Trường DTNT Ia Pa là hệ thống trường chuyên biệt, có nhiệm vụ giảng dạy, nuôi dưỡng, chăm sóc học sinh. Công tác gìn giữ, bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc được Chi bộ nhà trường và Ban giám hiệu hết sức quan tâm. Đặc biệt thực hiện thông tư 02 của Huyện Ủy Ia Pa về nâng cao đời sống, vật chất, văn hóa, tinh thần cho đồng bào dân tộc thiểu số.  Nhà trường may mắn được chọn là một trong số các đơn vị được Trường TC Văn hóa Nghệ thuật tỉnh Gia Lai về truyền dạy  2 đội cồng chiêng. Nhà trường sẽ tiếp tục giữ gìn và truyền lửa văn hóa cồng chiêng cho cá em đầu cấp vào”.

Điều đặc biệt của CLB cồng chiêng Trường THCS Dân tộc nội trú huyện Ia Pa đó là không chỉ các học sinh nam được học và biểu diễn mà các học sinh nữ cũng được truyền dạy đánh cồng chiêng.

Bạn  Rah Lan Hà Nhị Lan, Lớp 7.2, Trường THCS Dân tộc nội trú huyện Ia Pa chia sẻ: “Trước đây thì chỉ có các bạn nam được học và đánh cồng chiêng nhưng bây giờ thì cả bạn nữ cũng đã được tham gia đánh cồng chiêng thì em cảm thấy rất tự hào, phấn khởi. Khi về làng em cũng sẽ tuyên truyền cho mọi người về nét văn hóa này để mọi người sẽ không bị lãng quên nét văn hóa độc đáo của dân tộc”.

Việc tổ chức truyền dạy văn hóa cồng chiêng trong trường học ở các địa phương của Gia Lai, đã và đang góp phần bảo tồn và phát huy gía trị không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên. Đây là việc làm cần thiết, có ý nghĩa nên phải được quan tâm nhân rộng để bản sắc văn hóa truyền thống của Tây Nguyên được trường tồn theo thời gian./.

 Linh Chi, Ksor Tuối


Lượt xem: 296

Trả lời