Bác sỹ Nguyễn Thị Xuân, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh về những khuyến cáo phòng chống bệnh cúm A H5N1.

Cập nhật 05/3/2014, 13:03:52

Theo thông tin từ Cục Thú y thì hiện nay cả nước đã có 63 ổ dịch cúm gia cầm H5N1 tại 22 tỉnh. Trên địa bàn tỉnh hiện nay dù chưa có dịch lây lan, nhưng trước diễn biến phức tạp của dịch cúm gia cầm, UBND tỉnh Gia Lai đã chỉ đạo quyết liệt các sở, ngành liên quan vào cuộc ngăn chặn, phòng chống dịch cúm lây lan. Để giúp quý vị và các bạn nhận biết những nguy cơ cũng như triệu chứng nghi ngờ nhiễm virut cúm A H5N1 và cách thức phòng chống bệnh, phóng viên thời sự Đài PTTH đã có cuộc trao đổi với Bác sỹ Nguyễn Thị Xuân, Phó khoa kiểm soát bệnh truyền nhiễm vac xin sinh phẩm, thuộc Trung tâm y tế dự phòng của tỉnh.

 

 

Phóng viên Nhật Thành thực hiện phỏng vấn Bác sỹ Nguyễn Thị Xuân.

 

Phóng viên: Bác sỹ có thể cho biết công tác triển khai phòng chống dịch cúm A H5N1 hiện được Trung tâm triển khai như thế nào?

 

Bác sỹ Nguyễn Thị Xuân: Từ đầu năm đến nay trên địa bàn tỉnh chưa phát hiện dịch cúm A H5N1 lây sang người, chỉ có xuất hiện dịch đối với đàn gia cầm ở huyện  Đăk Pơ. Trung tâm y tế dự phòng đã có hướng chủ động ngay từ đầu năm thường xuyên có công văn nhắc nhở các trung tâm y tế huyện dự trù trang thiết bị, hóa chất để khi có dịch triển khai kịp thời. Phía Trung tâm y tế dự phòng cũng trang bị đồ phòng hộ, hóa chất và máy móc cũng đầy đủ ngay tại trung tâm, nếu có gì thì có đủ trang thiết bị hóa chất để xử lý dịch.

Bác sỹ Nguyễn Thị Xuân-Phó khoa kiểm soát bệnh truyền nhiễm vác xin sinh phẩm, Trung tâm y tế dự phòng tỉnh.

 

Phóng viên: Vậy trong những trường hợp như thế nào thì dễ có nguy cơ mắc bệnh cúm A H5N1 thưa bác sỹ?

 

Bác sỹ Nguyễn Thị Xuân: Nguy cơ mắc bệnh cao nhất là tiếp xúc với gia cầm và sử dụng sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc hoặc gia cầm bị bệnh, chết mà vẫn sử dụng. Đó là những nguy cơ cao nhất dễ lây nhiễm bệnh cúm A H5N1.

 

Phóng viên: Vậy dấu hiệu để nhận biết đã bị nhiễm virut cúm A H5N1 là gì?

 

Bác sỹ Nguyễn Thị Xuân: Về cúm A H5N1, các dấu hiệu để nhận biết cúm là về lâm sàng thì phải biết 3 dấu hiệu chính đó là bệnh nhân sốt cao trên 380, thứ hai là ho và thứ ba là khó thở, thở nhanh. Còn về phía dịch tể thì mình xác định người bệnh có tiếp xúc với gia cầm mắc bệnh hay không hoặc là ăn thịt gia cầm bệnh. Đó là những yếu tố mà mình đưa ra để nghi ngờ.

 

Phóng viên: Để phòng tránh bệnh cúm A H5N1 thì bác sỹ có khuyến cáo như thế nào?

 

Bác sỹ Nguyễn Thị Xuân: Cách thức phòng chống bệnh cúm A H5N1 thì trước hết là người dân phải rửa tay bằng xà phòng sạch sẽ, đó là biện pháp hữu hiệu nhất. Rửa tay trước, trong và sau khi chế biến thức ăn từ gia cầm. Thứ hai là không nên sử dụng sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc, gia cầm bệnh hoặc chết thì không nên sử dụng. Khi nấu thịt gia cầm thì chúng ta nên nấu chín không nên nấu tái và tuyệt đối không nên ăn tiết canh. Đó là những cái mà người dân cần biết. Người dân phải biết là nếu trong địa bàn mình sinh sống có gà, vịt chết nhiều thì phải báo ngay cho lực lượng thú y ở địa phương mình hoặc là những người đi từ vùng dịch về phải báo cho lực lượng y tế theo dõi tình trạng sức khỏe. Nếu người dân có triệu chứng ho, sốt, khó thở, đau tức ngực thì nên đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, khám và điều trị.  

 

Phóng viên: Cảm ơn bác sỹ đã dành thời gian cho cuộc trao đổi!

Nhật Thành-Thanh Sáng


Lượt xem: 66

Trả lời