Bác Hồ về với đồng bào Tây Nguyên

Cập nhật 19/5/2014, 09:05:53

Bác Hồ, vị cha già kính yêu của dân tộc. Cả cuộc đời Người sống vì lý tưởng độc lập, tự do, bình đẳng và bác ái của nhân dân. Chính bằng nhân cách sống sáng ngời đó, Bác mãi mãi sống trong tâm hồn hàng triệu người dân trên thế giới. Dù xa xôi cách trở, bom đạn chiến tranh chia cắt Nam Bắc, dù bận trăm công nghìn việc nhưng Bác vẫn luôn đau đáu một niềm, được đặt chân lên đất Tây Nguyên, về với những người con, người cháu Bana, Jrai, Ê đê, Xê Đăng, Mơ Nông ngoan cường một lòng theo Đảng, theo cách mạng. Và mãi đến gần nửa thế kỷ sau ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, niềm mong mỏi đó của Bác Hồ mới trở thành hiện thực bằng việc Gia Lai được Bộ Chính trị, Ban Bí thư chuẩn y, cho phép xây dựng tượng Bác Hồ với các dân tộc Tây Nguyên. Không thể kể hết nỗi xúc động, tình cảm của người dân Gia Lai nói riêng, các tỉnh Tây Nguyên nói chung trong ngày đón Bác về. Việc làm tượng Bác như thế nào, kết cấu ra sao để đảm bảo tất cả các yếu tố kỹ mĩ thuật cũng như độ bền là điều mà tỉnh Gia Lai đặt lên hàng đầu. 

Phải khẳng định một điều rằng, việc xây dựng tượng đài Bác Hồ với các dân tộc Tây Nguyên là nguyện vọng của nhiều thế hệ cán bộ, nhân dân các dân tộc Gia Lai trong suốt hàng chục năm qua. Chính vì vậy, sau khi nhận được ý kiến đồng ý của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, tỉnh Gia Lai đã bắt tay vào triển khai. Trong quá trình làm tượng Bác Hồ cũng như xây dựng quảng trường Đại đoàn kết, tỉnh Gia Lai cũng như các nhà khoa học hàng đầu của Việt Nam ở lĩnh vực xây dựng, mỹ thuật, kiến trúc, kể cả Viện Khoa học Hình sự – Bộ Công an đều rất quan tâm đến các yếu tố mỹ thuật kết hợp với an toàn.

Các nhà khoa học, trong đó đặc biệt là Chủ tịch hội kiến trúc sư Việt Nam Nguyễn Tấn Vạn, chủ tịch hội Mỹ thuật Việt Nam Lưu Danh Thanh bỏ rất nhiều thời gian, tâm huyết và công sức để định vị khu vực đặt tượng Bác.  Phải thừa nhận một điều rằng, việc đúc tượng Bác Hồ là vấn đề quan trọng nhất, thu hút sự quan tâm đặc biệt của tỉnh cũng như các nhà khoa học tham gia chương trình. Và làm được điều này, là tỉnh đã quy tụ, tập hợp được các nhà khoa học hàng đầu trong cả nước. Riêng để có được một bức tượng như ý, các nhà khoa học làm từ bức hình cho đến mô hình từ nhựa Composite thể hiện qua nhiều phiên bản khác nhau. Đặc biệt, Hội đồng nghệ thuật làm bức ảnh cao 7,9m đúng với kích thước tượng thật, dùng xe cẩu đưa lên bệ sẽ làm nơi đặt bức tượng và quan sát từ xa đến gần với tất cả các hướng. Đây là cách nhằm giúp tượng khi ra thực tế sẽ phù hợp và sinh động hơn. Riêng đối với chủ tịch hội Mỹ thuật Việt Nam Lưu Danh Thanh đã ngồi gần 10 ngày trời tại quảng trường theo dõi sự thay đổi về màu sắc, nhiệt độ để chọn màu tượng cho phù hợp với điều kiện thời tiết, khí hậu của Tây Nguyên.

Qua rất nhiều lần thử nghiệm, chọn lựa và cân nhắc, hội đồng nghệ thuật quyết định làm tượng Bác bằng đồng dày 5 ly, cao 10,8 mét, đặt trên bệ 4,5 mét của tác giả Phạm Bá Đua. Ngay cả cách đúc tượng bằng đồng với chiều cao, cân nặng như thế cũng là điều rất khó khăn vì không thể tìm được khuôn lớn. Hội đồng nghệ thuật tiến hàng gặp gỡ, trao đổi với rất nhiều nhà khoa học đầu ngành, tham khảo ý kiến của hàng chục nhà khoa học, chuyên gia về kỹ thuật, kim loại, đến ngành khoa học vũ trụ hàng không… cũng như tham khảo cách đúc tượng ở một số nơi và quyết định đúc bằng đồng đỏ dày 5ml với cách thực hiện trên phương pháp mới nhất, hiện đại nhất Việt Nam lúc bấy giờ. Không như cách đúc tượng thông thường, hội đồng nghệ thuật quyết định làm mẫu với tỷ lệ 1/1 trên đất sét, thạch cao và cuối cùng chuyển sang Composite. Công đoạn cuối cùng quan trọng nhất đó là chuyển làm làm thực tế trên đồng đỏ. Việc đúc tượng bằng đồng đỏ không trên khuôn thông thường mà tách ra từng bộ phận, làm khuôn, sau đó lắp ghép theo từng công đoạn tỉ mỉ, khoa học với sự giám sát chặt chẽ ngay từ đầu của Viện Khoa học Hình sự – Bộ Công an. Do làm tượng Bác theo công nghệ mới nên nảy ra rất nhiều vấn đề phát sinh và tỉnh tổ chức rất nhiều hội thảo, nhiều cuộc họp có các nhà khoa học tham gia để giải quyết thấu đáo, triệt để các vấn đề có liên quan.

Để thực hiện được việc đúc tượng vừa hoàn hảo về kỹ thuật, đẹp về mỹ thuật cũng như xây dựng quảng trường hoàn chỉnh thì điều quan trọng mấu chốt đó là tỉnh kéo được sự tham gia của các nhà khoa học. Và thực tế chứng minh; việc Gia Lai thực hiện thành công công tác này đó là nhờ sự quan tâm, tham gia đóng góp ý kiến của rất nhiều nhà lãnh đạo Đảng, Nhà nước, cán bộ lão thành cách mạng, các già làng, trưởng bản, người dân trong và ngoài tỉnh, đặc biệt nhất đó là các nhà khoa học trong nước. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng, trưởng ban Tuyên giáo TW Đinh Thế Huynh, Ksor Phước…,các đồng chí nguyên là lãnh đạo Đảng, Nhà nước cũng nhiệt tình tham gia khá nhiều ý tưởng tâm huyết.

Các nhà khoa học trường đại học Bách khoa Hà Nội đã thử nghiệm và chứng minh, cách làm tượng Bác như vậy thì động đất 7 độ Ritte, gió xoáy cấp độ 12, nhiệt độ tăng lên đến 90oC thì vẫn không làm biến dạng bề mặt. Việc làm tượng đã khó, thì công tác đưa tượng Bác vào Tây nguyên cũng khó khăn vô vàn. Tính toán như thế nào, vận chuyển ra sao để vừa đảm bảo an toàn vừa thể hiện tình cảm thiêng liêng của Tây Nguyên đón Bác về là điều tỉnh trăn trở và chú tâm cao nhất. Trước khi đưa Bác từ Bắc vào Nam, các đồng chí lãnh đạo tỉnh lấy đất ở quê nội, quê ngoại Nghệ An, ở Hà Nội, nơi Bác sống và làm việc để cùng mang vào Gia Lai để Người có thêm cảm giác gần gũi với quê nhà. Gần 1.000km từ thủ đô Hà Nội về đến Gia Lai là cả một chặng đường đầy gian khó nhưng cũng không kém phần tự hào, xúc động của quân và dân Gia Lai đối với vị cha già kính yêu của dân tộc Việt Nam.

 

Thu Thủy


Lượt xem: 81

Trả lời