Âm thanh cồng, chiêng thành phần không thể thiếu trong các lễ hội của người Jrai, Bơhnah

Cập nhật 15/9/2014, 09:09:46

Trải qua những thăng trầm của lịch sử, dưới những tác động từ bên ngoài, các lễ hội ở những buôn, làng người Jarai, Bơhnah ở tỉnh Gia Lai vẫn giữ được nét hồn nhiên, phóng khoáng như đất trời, tâm hồn của người Tây Nguyên. Một hình ảnh chúng ta vẫn thường thấy đó là: Vào mỗi dịp lễ hội hay đón khách quý… bà con ở các buôn, làng lại diện trang phục truyền thống, chuẩn bị rượu cần, thịt nướng, cơm lam… Bên ngôi nhà rông, tiếng cồng, tiếng chiêng lại ngân vang, điệu xoang như chào mời, vẫy gọi làm đắm say lòng người.

 

 

Hiện nay, nhiều buôn, làng ở Gia Lai vẫn còn lưu giữ một số lễ hội truyền thống như: Lễ đâm trâu; lễ mừng lúa mới… Đây được xem là lễ hội quan trọng nhất bởi nó mang thông điệp ấm no hạnh phúc, cuộc sống đủ đầy đến cho mọi người, mọi nhà. Lễ hội này thường do cả buôn, làng đứng ra tổ chức, mỗi người dân là một thành phần không thể thiếu, tạo nên một thể thống nhất của lễ hội, chính điều này đã tạo nên sự gắn kết sức mạnh đoàn kết của cộng đồng cư dân bản địa. Vào lễ hội, người ta có thể tạm quên đi những nhọc nhằn mưu sinh, những lo toan của cuộc sống thường nhật để hòa mình vào tiếng cồng, tiếng chiêng cùng rượu cần và những vòng xoang nối dài mãi cho đến khi rượu nhạt, hội tan…

 

Tâm sự với chúng tôi anh Siu Tuân, xã Ia Broái, huyện Ia Pa, Gia Lai nói: “Bản sắc văn hóa của dân tộc mình không thể bỏ được, là con cháu phải biết phải kế thừa. Mặc dù kinh phí tập luyện không có nhưng chúng tôi vẫn duy trì đều đặn để giữ được bản sắc văn hóa của dân tộc mình. Ở chúng tôi nhiều đứa trẻ biết đánh cồng chiêng vì được người lớn chỉ bảo. Còn ở làng tôi theo tập quán ai mà bán cồng chiêng sẽ bị phạt vì không giữ được truyền thống của ông cha xưa”.

 

Tại các lệ hội, một hình ảnh gây ấn tượng với nhiều người khi được chứng kiến nhiều em nhỏ ở các đội cồng chiêng thể hiện rất nhuần nhuyễn các động tác, nhịp, phách theo yêu cầu của mỗi bài chiêng. Không chỉ biết đánh chiêng thuần thục, các em còn thể hiện những động tác mô phỏng theo những con rối mà đồng bào gọi là “brêm” để làm trò khi biểu diễn, từ bước đi, động tác múa rất phù hợp với nhịp chiêng… điều đó cho thấy, việc "tiếp lửa" đam mê cồng chiêng của các nghệ nhân, thế hệ người lớn cho các em nhỏ đang nối dài hơn sức sống của loại hình độc đáo này ngay trên vùng đất Gia Lai nói riêng và Tây Nguyên nói chung.

 

Ông A Yó, thị trấn Đăk Đoa, huyện Đăk Đoa, Gia Lai chia sẻ: “Đến 20 tuổi mình biết đánh cồng chiêng rồi, dân làng nó bầu mình là người biết đánh cồng chiêng giỏi và mình tập cho bà con và thế hệ con cháu nữa”.

 

Cùng với thời gian, một số phong tục, lễ hội truyền thống của người Jrai, Bana đang đứng trước nguy cơ mai một. Trước tình hình đó, việc gìn giữ những giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng các dân tộc bản địa là hết sức cần thiết và phải có sự cộng đồng trách nhiệm, có như vậy chúng ta mới bảo tồn được các lễ hội văn hóa truyền thống mà bao đời cha ông để lại, quan trọng hơn để cồng chiêng Tây Nguyên mãi ngân vang, bay xa./.

Song Nguyễn – Đoàn Bình – Phan Nguyên


Lượt xem: 100

Trả lời