Tuyển thủ lo trốn rớt hạng!

Cập nhật 19/9/2019, 13:09:03

Có rất nhiều học trò ông Park Hang-seo chơi tưng bừng ở tuyển quốc gia nhưng về CLB lo chạy trốn rớt hạng mệt mỏi và phải chờ đến giờ chót mới ngã ngũ.

Nếu như Hà Nội sắp sửa vô địch V-League 2019 khi chỉ cần có một điểm trong ba vòng đấu cuối thì cuộc chiến trụ hạng có vẻ rất gay gắt vì sai một ly đi một dặm. Lý thuyết có đến bảy đội đều chịu rủi ro xuống hạng hoặc phải chơi thêm một trận vé vớt với đội Phố Hiến đứng nhì giải hạng Nhất, còn thực tế chỉ xoay quanh năm CLB nằm cuối bảng.

Tuyển thủ lo trốn rớt hạng! - 1

Xuân Trường cùng HA Gia Lai là một trong những đội bóng có nhiều tuyển thủ quốc gia phải lo trốn rớt hạng. Ảnh: XUÂN HUY

Khó thoát nhất là Sanna Khánh Hòa mới có 21 điểm, kém đội áp chót Thanh Hóa bốn điểm nhưng cái chính là thầy trò HLV Võ Đình Tân có nội lực vừa yếu vừa thiếu, lại vừa đơn độc trong cuộc chơi khắc nghiệt.

Giải gần như chỉ còn bốn đội tranh chấp gay cấn và hồi hộp gồm Nam Định (28 điểm), Viettel (27 điểm), HA Gia Lai (26 điểm), Thanh Hóa (25 điểm). Đáng chú ý nhất trong số đội chen chúc nhau tìm đường tẩu thoát có rất nhiều tuyển thủ quốc gia lẫn đội U-22 vất vả lo vượt cạn cho đội nhà.

Dễ thấy nhất là HA Gia Lai có đến năm tuyển thủ Việt Nam “số má” như ở lần triệu tập gần nhất từng làm khổ sở đội tuyển chủ nhà Thái Lan, chưa kể ba cầu thủ trẻ trụ cột của đội U-22. Thế mà những Văn Toàn, Hồng Duy, Văn Thanh, Xuân Trường, Tuấn Anh hoặc các cựu tuyển thủ Minh Vương, Ngọc Quang, Văn Sơn,… mấy mùa qua vẫn thường bập bõm ở nhóm đèn đỏ. Thực chất đội bóng phố núi rất khó rớt hạng nhưng mùa nào cũng gồng mình lo lắng thì không thể nói là thành công. Lứa cầu thủ xuất thân từ Học viện khóa I của HA Gia Lai giờ đã 24-25 tuổi, không còn trẻ để cho là còn non nớt kinh nghiệm, thậm chí ngược lại do từng chinh chiến nhiều ở V-League lẫn các đội tuyển quốc gia.

Còn trong đội Viettel có đội trưởng Quế Ngọc Hải, lão tướng bền bỉ Trọng Hoàng, trung vệ Bùi Tiến Dũng cùng bốn đàn em dưới đội trẻ U-22 quốc gia cũng có suất đá chính cũng chịu chung số phận như HA Gia Lai. Họ chỉ kém hơn ở độ từng trải với thân phận của nhiều tân binh đá V-League nhưng so với một số đối thủ khác, Viettel vẫn có một đội hình ổn định lại không may rơi xuống dưới đáy bảng.

Dĩ nhiên, cũng chính nhờ một lực lượng có trình độ nhỉnh hơn mà HA Gia Lai và Viettel chiếm ưu thế hơn Thanh Hóa hay Nam Định trong lối chơi, giúp cho khả năng thoát hiểm của họ có phần cao hơn.

Thanh Hóa dễ lấy suất play off nhất

Đội bóng của ông thầy trẻ Mai Xuân Hợp vào giai đoạn nước rút cuối mùa lại có đến tám trận liền không biết mùi chiến thắng với bảy trận thua, một hòa. Lần thứ ba thay tướng của Thanh Hóa trong mùa giải cho thấy sự bất ổn của họ. Cầu thủ Thanh Hóa bị rơi vào thế “lắm thầy” vì không biết phải nghe ai, đá cho ai khi gặp nhiều chỉ đạo từ trên xuống. Điều đáng ngại là tinh thần của họ đang hồi sa sút mà trận nào cũng phải vắt sức để chơi trong sự rắc rối nội bộ. Thanh Hóa vẫn còn ba trận cuối dễ thở hơn gặp B. Bình Dương và SHB Đà Nẵng đã cạn động lực nhưng sẽ rất khó chơi trận quyết định với Viettel như chung kết ngược. Có thể Thanh Hóa không rớt hạng trực tiếp mà rơi vào suất play off cuối mùa.

24h.

Lượt xem: 10

Trả lời