HARRY KANE Hành trình từ ngọn gió nhỏ trở thành cơn cuồng phong

Cập nhật 14/8/2018, 07:08:55

HARRY KANE
Hành trình từ ngọn gió nhỏ trở thành cơn cuồng phong

Bầu trời tuổi thơ của tôi là công viên sau nhà ở Chingford. Ngày nào tôi cũng đến đó để chơi bóng cùng bố và anh trai. Chẳng cần khung thành. Chẳng cần sân đấu. Chỉ cần hai cái cây với một bãi cỏ, thế là quá đủ. Tôi thích đóng vai Teddy Sheringham hay David Beckham. Ông anh Charlie hóa thành David Seaman. Còn bố tôi vừa là trọng tài, vừa là bình luận viên.

Năm ấy tôi 8 tuổi, không chỉ đá bóng trong công viên mà còn khoác áo học viện Arsenal nữa. Một ngày nọ, chúng tôi lại ra công viên như thường lệ nhưng bố tôi trông khá ưu tư. Rồi ông khoác vai tôi và bảo: “Nghe này Harry, bố muốn nói với con một điều”. “Vâng, chuyện gì ạ?”, tôi hỏi.

“Arsenal ấy…họ đã quyết định loại con”. “Nhưng đừng lo, chúng ta sẽ tập luyện thật chăm chỉ và tìm một đội bóng mới nhé”. Sau đó, ba bố con lại bắt đầu trận bóng trong công viên như chưa có chuyện gì xảy ra.

Giờ nghĩ lại, có lẽ những ông bố khác sẽ cực kỳ thất vọng trong trường hợp tương tự, nếu họ ao ước con mình sẽ trở thành cầu thủ chuyên nghiệp. Còn bố tôi, ông luôn nhìn nhận sự việc theo hướng tích cực. Ông không gây áp lực cho tôi. Ông cũng không trách cứ Arsenal. Nhờ vậy, tôi không cảm thấy quá buồn khi bị loại khỏi khỏi học viện Arsenal.

Rời Arsenal, tôi đầu quân cho đội bóng địa phương, rồi được tuyển trạch viên của Watford phát hiện và mời về thử việc. Khoác áo Watford, tôi chạm trán đội trẻ Tottenham. Sau trận đấu ấy, tôi nhận được cơ hội gia nhập học viện Tottenham. Có lẽ, màu áo trắng là định mệnh của tôi.

Kình địch của Tottenham chính là Arsenal và tôi cũng có “ân oán” với Arsenal. Điều này nghe khá kỳ cục, bởi tôi mới chỉ 8 tuổi khi rời khỏi học viện Arsenal. Nhưng từ lần đầu tiên chạm trán đội trẻ Arsenal cho đên bây giờ, tôi luôn tự nhủ: “Các người hãy chờ xem, ai đúng ai sai”.

Dẫu vậy, việc bị loại khỏi học viện Arsenal vẫn là điều tuyệt vời nhất trong đời tôi. Nó đã cho tôi thứ động lực mạnh mẽ và đưa tôi vào một hành trình kỳ diệu.

Giờ đây, tôi là thủ quân của ĐT Anh, giành “Chiếc giày vàng” World Cup và có 108 bàn ở Premier League. Nhưng các bạn không biết đâu, tôi từng vật lộn với câu hỏi, liệu bao giờ mình mới có bàn thắng đầu tiên ở Premier League? Đó là quãng thời gian 2 năm, Tottenham mang tôi đi cho mượn để tích lũy kinh nghiệm.

Năm 2012, tôi khoác áo Millwall – Đội bóng đang vật lộn trong cuộc chiến trụ hạng ở Championship mùa giải ấy. Và khi mới chân ướt chân ráo tới sân The Den, tôi đã có trải nghiệm nhớ đời: Cơn mưa vật thể lạ trút xuống sân sau một quyết định gây tranh cãi của trọng tài.

Chỉ một quyết định gây tranh cãi thôi. Thế mà người ta nổi điên lên và ném đủ thứ xuống sân, tiện gì ném nấy. Ban tổ chức phải dừng trận đấu khoảng 5 phút cho đám đông hạ hỏa. Còn tôi thì mắt chữ O, mồm chữ A vì cảnh tượng điên rồ mà mình vừa chứng kiến. Hãy nhớ, năm ấy tôi mới chỉ 18 tuổi mà thôi.

Mùa giải trôi đi và Millwall vẫn đang trong khu vực nguy hiểm. Tôi bắt đầu thấy mùi bất ổn khi nghe các đàn anh nói chuyện trong phòng thay đồ. Kiểu như, “Nếu xuống hạng thì mình bị giảm lương một nửa mất” hoặc “Nếu xuống hạng thì có khi mình sẽ bị cắt hợp đồng cũng nên”.

Đó là những cầu thủ có vợ con ở nhà. Và tôi bắt đầu nhận ra, bóng đá không chỉ là trò chơi, nó còn là miếng cơm manh áo. Bạn biết đấy, bóng đá khắc nghiệt vô cùng. Mọi nỗ lực, cả trong lẫn ngoài sân, có thể đổ sông đổ bể chỉ trong chớp mắt.

Những bài học ở Millwall khiến tôi trưởng thành vượt bậc. Tôi không còn là một đứa trẻ nữa. Đó cũng là lý do giúp tôi chơi khá tốt trong màu áo Millwall. Tôi có 22 lần ra sân, 7 bàn thắng và đội bóng hoàn thành mục tiêu trụ lại Championship với 17 điểm nhiều hơn nhóm xuống hạng.

Đáng tiếc, phong độ ở Millwall không thể giúp tôi kiếm được cơ hội trong đội hình Tottenham. Một lần nữa, tôi lại bị đem cho mượn. Và lần này, tôi lâm vào khủng hoảng.

Thời điểm tồi tệ nhất chính là ở Leicester, khi tôi mài đũng quần trên ghế dự bị. Tôi tự hỏi: “Nếu không kiếm nổi chỗ đứng trong đội hình Leicester ở Championship, làm sao có ngày khoác áo Tottenham đá Premier League đây?”.

Lần đầu tiên trong đời, tôi nghi ngờ bản thân, tôi không tin vào chính mình. Tôi tuyệt vọng, tôi gần như trầm cảm. Gia đình phải tức tốc tới Leicester trong đêm để cùng tôi bàn bạc. Tôi đã nói với bố rằng mình muốn bỏ cuộc. Nếu bố tôi gật đầu, đó sẽ là sai lầm lớn nhất của gia đình Kane.

Thật may mắn, bố tôi luôn biết cách phản ứng tích cực, ông an ủi tôi: “Này, cố gắng lên con, hãy tiếp tục chơi bóng, mọi chuyện rồi sẽ ổn thôi”.

Vài tuần sau, tôi đã có bước ngoặt định mệnh. Nhưng trước khi nói về nó, tôi muốn các bạn biết rằng, tôi là một fan của giải bóng bầu dục Mỹ – NLF.

Khi rảnh rỗi, tôi sẽ ngồi chơi game Madden (trò chơi bóng bầu dục của EASports, giống như game FIFA) hoặc ngồi xem clip của đội New England Patriots trên YouTube.

Bỗng một ngày, tôi tìm được clip về sự nghiệp của Tom Brady – Ngôi sao bóng bầu dục hàng đầu nước Mỹ. Hóa ra Tom Brady chỉ là người thứ 199 được gọi trong buổi tuyển chọn (draft day) của NFL.

Tom Brady là siêu sao bóng bầu dục, giống như David Beckham hay Ronaldinho trong thế giới bóng đá. Vậy mà anh ta khởi nghiệp gian nan quá đỗi. Tom Brady luôn bị nghi ngờ, thậm chí không chắc suất trong đội bóng của trường đại học.

Về vóc dáng, Tom Brady không giống một vận động viên. Trong buổi cân đo chỉ số cơ thể trước ngày tuyển chọn, một HLV bình luận: “Nhìn anh chàng Tom Brady này đi. Tướng tá cao ráo, mặt mũi dữ dằn nhưng hình như không bao giờ đi tập tạ thì phải?”.

Bất chấp tất cả, Tom Brady luôn có niềm tin vào chính mình. Anh ta tập luyện điên cuồng, gần như ám ảnh bóng bầu dục. Thành quả dành cho Tom Brady là 5 danh hiệu Super Bowl (vô địch giải bóng bầu dục Mỹ – NLF) cùng New England Patriots – Đội bóng yêu thích của tôi.


Trên đời này, không có ai giành Super Bowl 5 lần, ngoại trừ Tom Brady và Charles Haley. Tuy nhiên, Charles Haley chưa từng nhận danh hiệu Cầu thủ xuất sắc nhất trận Super Bowl, trong khi Tom Brady có 4 lần được vinh danh.

Câu chuyện về Tom Brady truyền cho tôi cảm hứng mạnh mẽ. Như có thứ gì đó bùng nổ trong đầu!

Tôi cũng luôn bị nghi ngờ. Người ta thường xuyên bình luận rằng, Harry Kane không có “tướng” đá tiền đạo. Và tôi chỉ có thể chống lại họ bằng sự chăm chỉ. Tôi đã luôn như vậy, để tiến lên trong các lứa U của Tottenham và ĐT Anh.

Trên ghế sofa, trong căn hộ ở Leicester, tôi tự nhủ: “Biết sao không Harry Kane! Hãy nỗ lực hết sức có thể. Và khi cơ hội đến, nhất định phải vồ lấy nó”.

Vài tuần sau, Leicester gặp Millwall – Đội bóng cũ của tôi. Còn tôi bị kèm bởi một gã hậu vệ to con. Hắn áp sát tôi trước tình huống ném biên và dở trò dọa dẫm: “Ê, Harry…”

“Ừ, đây…” – Tôi đáp.

“Tao vẫn chưa lĩnh thẻ vàng nào thì phải?”

“Vậy thì sao nào?”

“Tốt, tao sẽ để dành nó cho mày chứ sao” – Hắn cố bắt nạt tôi, một cách đơn giản và trắng trợn.

Bóng được ném vào sân. Tôi và hắn cùng lao đến. Cuộc chiến bắt đầu. Vô tình, cùi chỏ của tôi thúc đúng mạng sườn gã hậu vệ Millwall. Hắn ngã xuống, lăn lộn và tôi lạnh lùng bước qua. Đó là khoảnh khắc, tôi chứng tỏ với hắn, với tất cả mọi người, với chính mình rằng Harry Kane không bao giờ chấp nhận bị bắt nạt.

Mùa giải kế tiếp, tôi trở lại Tottenham. Lúc này, André Villas-Boas đang là HLV. Ông ấy muốn tiếp tục mang tôi đi cho mượn. Một số đội bóng đã ngỏ lời, có vài đề nghị khá tốt. Nhưng đó chẳng phải giấc mơ của tôi. Tôi không chỉ muốn chơi ở Premier League. Tôi muốn chơi ở Premier League cho Tottenham.

Thế nên, tôi nói với André Villas-Boas: “Tôi không muốn đi đâu hết”.

Ngay sau khi cất lời, tôi bỗng thấy có gì hơi sai… André Villas-Boas đứng đó nhìn tôi, dò xét.

Đâm lao thì đành theo lao, tôi nói tiếp: “Tôi sẽ chứng minh rằng mình xứng đáng giành vị trí trong đội bóng này. Trước mỗi trận đấu, ông có thể nói rằng tôi không xứng đáng, rằng tôi không được ra sân. Điều đó không sao cả, tôi muốn ở lại Tottenham”.

Sau cuộc nói chuyện ấy, André Villas-Boas giữ tôi lại, cho tôi tập luyện cùng đội một – Đó là bước ngoặt khiến tôi thêm phần tự tin. Trước đây, tôi luôn cảm thấy mình có năng lực nhưng tôi chưa biết cách đấu tranh để giành chỗ đứng. Tôi cảm thấy như giấc mơ thời thơ ấu xa tận chân trời mà gần ngay trước mắt. Tôi mong ai đó có thể giúp mình. Nhưng chẳng có ai cả.

Bạn phải tự thân vận động, thế thôi!

Sau thời Tim Sherwood, Mauricio Pochettino đến và đưa Tottenham lên tầm cao mới. Tôi cũng được hưởng lợi. Không HLV nào có ảnh hưởng đên tôi lớn như Mauricio Pochettino. Ông ấy không chỉ sở hữu bộ óc chiến thuật siêu phàm, ông ấy còn biết cách kéo cả đội lại gần nhau, xây dựng một tập thể vững chắc.

Mauricio Pochettino có một sự nghiệp đáng nể nhưng ông ấy không bao giờ nói về bản thân. Trên tư cách HLV, ông ấy đặt các cầu thủ lên hàng đầu. Ông ấy sẵn sàng giúp đỡ mọi người, bất kể bạn đang có phong độ đỉnh cao hay trồi sụt thất thường.

Dĩ nhiên, nếu cầu thủ nào tỏ ra lười nhác, ông ấy sẽ trừng trị thẳng tay. Trong trường hợp này, bạn không chỉ bị tống lên ghế dự bị, mà còn không có cơ hội nói chuyện với Mauricio Pochettino. Toàn đội đều hiểu rằng, mình phải cống hiến hết sức lực cho ông ấy. Đáp lại, ông ấy cũng sẽ dốc lòng vì bạn.

Khoảnh khắc đặc biệt nhất của tôi với Mauricio Pochettino diễn ra cách đây vài mùa. Sau một trận đấu, tôi lập hat-trick và ông ấy mời tôi đến văn phòng. Lúc ấy, tôi không rõ Mauricio Pochettino có ý gì. Chúng tôi có quan hệ tốt nhưng chưa đến mức thân tình.

Cánh cửa phòng mở ra, Mauricio Pochettino ngồi đó, với ly rượu sóng sánh trên tay và nụ cười đến tận mang tai. Ông ấy chào đón tôi một cách ấm áp và nói: “Nào, ta chụp một kiểu ảnh nhé”.

Hành động nhỏ nhưng chân tình của Mauricio Pochettino khiến tôi thực sự cảm phục. Lần đầu tiên tôi nhận ra sự đặc biệt của ông ấy. Mauricio Pochettino không chỉ là vị sếp đáng kính, ông ấy còn là người bạn hiền bên ngoài sân cỏ nữa. Ông ấy là lý do khiến Tottenham trở thành một tập thể gần gũi – Điều này rất hiếm trong thế giới bóng đá hiện đại.

Ngày tôi báo thù Arsenal cuối cùng cũng tới: 7/2/2015. Năm ngày trước đó, tôi vừa ký hợp đồng 5 năm rưỡi với Tottenham. Giờ là lúc cho trận derby Bắc London đầu tiên trong sự nghiệp. Khi buộc dây giày, tôi như sống lại cảm giác năm 11 tuổi trong lần đầu tiên đối đầu với đội trẻ Arsenal.

Trước mỗi trận đấu, tôi luôn đắm mình trong thế giới tưởng tượng. Tôi nghĩ về mọi thứ, từ đối thủ, thảm cỏ xanh mượt hay đám đông CĐV trên khán đài. Tôi bay bổng về cách mình sẽ ghi bàn: “Quả tạt vòng cung từ cánh trái, Harry Kane tung cú volley không thể cản phá bằng chân phải”.

Trước trận derby Bắc London đầu tiên trong sự nghiệp, tôi đã tưởng tượng ra cảnh đối đầu với những gã hậu vệ khoác áo Arsenal. Nó khiến tôi nổi da gà. Và khi bước ra đường hầm, tôi tự nhủ: “Được rồi, 12 năm đã qua. Giờ hãy xem, ai đúng ai sai?”

Ngày 7/2/2015 ấy, tôi lập cú đúp vào lưới Arsenal. Tottenham lội ngược dòng giành chiến thắng 2-1. Bàn thắng quyết định được ghi ở phút 86, theo cách mà tôi chưa từng tưởng tượng ra. Đó là cú đánh đầu tuyệt nhất tôi từng thực hiện. Trái bóng vòng lên, đi vào đúng góc chết, tôi lao ra góc sân ăn mừng như điên dại.

Khi tiếng còi mãn cuộc vang lên, tôi đi quanh sân trong tiếng vỗ tay của các CĐV Totteham. Cảm giác thực sự thỏa mãn, kiểu như: “Đấy thấy chưa, tôi đã bảo rồi mà”.

Đó không chỉ là sự chứng tỏ với Arsenal. Nó còn sâu sắc hơn. Đó là sự chứng tỏ với bản thân tôi, với gia đình tôi – Những người đã luôn tin tưởng tôi, sát cánh cùng tôi trên mỗi bước đường sự nghiệp, ngay cả khi tôi vật lộn ở Miwall hay Leicester, ngay cả khi tôi mất niềm tin và muốn bỏ cuộc.

Giờ đây, khi đã góp mặt trong “CLB 100” của Premier League, tôi muốn dành lời cảm ơn chân thành tới những người thân yêu nhất.

Cảm ơn bà xã Kate, em đã luôn động viên anh mỗi khi cuộc sống không như ý.

Cảm ơn cha, con luôn biết ơn cái khoác vai trong công viên khi bị loại khỏi Arsenal. Và cảm ơn gia đình mình, vì đã sát cánh bên con trong thời khắc tồi tệ nhất cuộc đời ở Leicester.

Cảm ơn mẹ vì đã dành vô số thời gian, đưa con đi khắp nơi, làm những điều phi thường nhất mà một người mẹ có thể dành cho con.

Cảm ơn Charlie, anh đã cùng em chơi 1 đối 1 hàng nghìn lần và thỉnh thoảng cho em được đóng vai Teddy Sheringham (cựu danh thủ của ĐT Anh và Tottenham).

Cảm ơn Tom Brady, anh đã mang tới hy vọng cho những gã “nhìn như chưa từng bước chân vào phòng tập tạ”.

Cảm ơn các đồng đội, nhất là những người đã nói “Cố lên, cậu xứng đáng” khi tôi chưa thể tìm được chỗ đứng trong đội hình. Điều đó có ý nghĩa đặc biệt với tôi.

Cảm ơn HLV Mauricio Pochettino, ông ấy đã giúp tôi trở thành tiền đạo hàng đầu.

Và cảm ơn các CĐV Tottenham. Tôi đã luôn mơ về việc khoác áo Tottenham từ những ngày thơ ấu. Tôi từng nuôi dưỡng động lực bằng giấc mơ xé lưới Arsenal ở Premier League. Giờ đây, tôi đã làm điều ấy vài lần và động lực cũng thay đổi chút ít. Tôi ước rằng mình sẽ cùng Tottenham vô địch Premier League. Tôi sẵn sàng đổi 100 bàn thắng để biến giấc mơ ấy thành hiện thực.

Tottenham đã ở rất gần chức vô địch Premier League trong vài mùa giải gần đây, nhưng vẫn còn chút khoảng cách…Tôi e rằng, cách vượt qua nó sẽ hơi nhàm chán – Như bố tôi luôn nói ấy, hãy nỗ lực, hãy tiếp tục cuộc chơi, để xem mọi chuyện đi tới đâu.

 

Theo VOV

Lượt xem: 55

Trả lời