Tài sản quý nhất là được dân thương

Cập nhật 03/9/2013, 09:09:37

Hẳn bạn đọc còn nhớ vụ bốn tên cướp chặt tay cô gái dưới chân cầu Phú Mỹ để cướp xe SH gây chấn động dư luận vào cuối năm ngoái.

Chỉ vài giờ sau khi gây án, băng tội phạm nguy hiểm đã bị công an tóm gọn. Người góp phần chính vào thành công của chuyên án là anh công an viên Nguyễn Văn Muốc.

Sáng 31-8, nhân ngày truyền thống ngành tư pháp (28-8) và Quốc khánh 2-9, ông Hà Phước Tài – Phó Giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh của Sở cùng Văn phòng Thừa phát lại quận 8, Văn phòng Công chứng Phú Mỹ Hưng đã đến thăm, tặng quà và động viên anh Nguyễn Văn Muốc (công an viên xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè từ hơn 25 năm nay).

Mê bắt cướp, quên đón con

Trước tháng 11-2012, trên địa bàn huyện Nhà Bè xảy ra hai vụ dùng hung khí cướp táo tợn. Ban chỉ huy công an huyện lên kế hoạch chống cướp. Hằng đêm các chiến sĩ công an mật phục ở nhiều điểm trên địa bàn. Riêng anh Muốc tình nguyện tham gia suốt chiến dịch, không nghỉ đêm nào.

Sau hơn 40 đêm mật phục, khoảng 19 giờ ngày 24-11-2012, anh Muốc cùng hai đồng đội phát hiện bốn đối tượng khả nghi chạy từ cầu Rạch Đỉa 1 xuống đường Lê Văn Lương trên hai chiếc Nouvo. Tổ tuần tra đuổi theo đối tượng qua nhiều tuyến dài hơn 20 km. Khi tổ tuần tra vừa lên đến dốc cầu thì đối tượng đã xuống đến chân cầu Phú Mỹ. Vừa chạy xe, chúng vừa rút dao ra chặt tay một cô gái chạy xe SH trên đường rồi cướp bóp chạy ngược lại cầu Phú Mỹ. Tổ tuần tra chạy tới cũng là lúc dân phòng ở chốt đối diện và nhiều người dân tập trung quanh cô gái.

Ông Hà Phước Tài đại diện Sở Tư pháp TP.HCM tặng quà động viên anh Muốc (trái). Ảnh: T.MẬN

“Tôi nói lớn rằng nhờ bà con đưa giùm cô gái đi cấp cứu. Còn tôi cùng hai đồng đội quay xe ngược lại đuổi theo không để mất dấu đối tượng” – anh Muốc nhớ lại. Lửa giận sùng sục khi thấy cảnh cô gái bị chặt tay nhưng anh và đồng đội cố gắng bình tĩnh, giữ khoảng cách an toàn không để bọn cướp phát hiện.

Khi cả bọn đáp vào khách sạn Song Linh, tổ tuần tra cùng nhiều đồng đội khác do công an huyện điều tới ập vào bắt gọn cả băng nhóm.

Mới đây, ngày 14-8, anh Muốc cũng tham gia cùng với Công an huyện Nhà Bè quần dưới sông rạch hơn 3 tiếng đồng hồ để bắt băng cướp giật giỏ xách của một phụ nữ. Mải bắt cướp, anh Muốc quên mất việc đón con tan trường. Vợ anh lo lắng nhưng khi thấy chồng về nhà trong bộ dạng lấm lem sình đất là hiểu chuyện ngay. Riêng đứa nhỏ học lớp 4 mếu máo: “Cha bỏ con hoài. Bữa sau cha đón trước rồi đi bắt cướp sau đi cha!”. Kể đến đoạn này, anh Muốc chùng lòng: “Tôi nghe con nói mà ứa nước mắt. Tự dặn lòng đừng thất hứa với con nữa nhưng hễ có cướp thì có nhớ gì tới vợ con”.

Đồng đội quý, dân thương

Nhắc tới anh Muốc, nhiều người dân xã Phước Kiển không quên vụ bắt băng Bình “lác” chuyên đi trộm những nhà ven sông vào năm 1999. Năm đó, sau nhiều đêm lùng trên sông nước để nắm tình hình hoạt động của tội phạm, anh Muốc đã cùng đồng đội và rất nhiều người dân làm “lưới người” vây bắt đối tượng nấp dưới rừng dừa nước. Hàng chục người dân ấp 5 được anh huy động ra nắm tay nhau đứng vòng quanh khu vực tên trộm vừa nhảy xuống sình để núp. Tấm “lưới người” được giăng ra từ 2 giờ 30 cho đến sáng, buộc tên tội phạm phải chào thua. Sau vụ này, nhiều người dân được ngành công an tặng giấy khen. Anh Muốc tâm sự: “Tôi ra đường không cần công cụ hỗ trợ gì nhiều, chỉ cần hê một tiếng là dân ủng hộ chung sức với mình ngay à. Tội phạm mà vào vùng này thì khó lòng thoát được”.

Trưởng công an xã Phước Kiển đang trao đổi công việc với anh Muốc. Ảnh: T.MẬN

Ít ai biết người có hơn 100 giấy khen, bằng khen vì tận tụy với công việc như anh Muốc lại sống với mức thu nhập hằng tháng chỉ gần 2 triệu đồng. Vợ anh ở nhà giữ trẻ cho hàng xóm để thêm thu nhập lo cho ba đứa con. Ngôi nhà anh ở hiện nay là nhà tình nghĩa của cha mẹ để lại, được dựng bằng cây. Khi nhà sắp sụp, anh mượn 100 triệu đồng của người bà con xây lại, trả góp dần đến nay còn nợ 62 triệu đồng. Mới đây, một nghệ sĩ biết được hoàn cảnh của anh Muốc đã tặng gia đình số tiền trên để trang trải nợ nần. Bà con quanh xóm hay tin đã kéo đến nhà vỗ tay rần rần.

Suốt những buổi nói chuyện, anh luôn nói về tình cảm của bà con, đồng đội. “Cái tình của anh em đồng nghiệp quý lắm. Mấy anh em hay giúi cho tiền xăng xe đi lại. Nhiều lúc bí quá mình đành cầm tiền mà tiêu nhưng không thể lúc nào cũng nhận được. Hôm vừa bắt được vụ cướp ở cầu Phú Mỹ về, anh em xúm lại cho tiền vì chắc thấy tôi thức đêm hơn một tháng trời cực khổ. Tôi nói không phải chê tiền anh em nhưng để tôi nợ tình cảm anh em vậy là quá đủ rồi, đừng để tôi phải nặng nợ vật chất nhiều nữa”. Tài sản lớn nhất của anh là những tờ giấy khen và tình cảm của dân, của đồng đội.

Khi công an các vùng khác cần anh em ở xã tham gia hỗ trợ thì chúng tôi cử ngay anh Muốc vì có niềm tin mình giao đúng người và có hiệu quả tốt. Riêng trong vụ bắt băng cướp chặt tay ở cầu Phú Mỹ, về nguyên tắc ngành thì công an viên của xã không được đuổi bắt tội phạm khi ra khỏi địa bàn xã. Lỡ trong lúc đuổi theo tội phạm ở địa bàn xã khác mà anh Muốc va quẹt xe thì trách nhiệm tôi lãnh đủ. Tuy nhiên, tôi biết chắc chắn một điều lúc đó chỉ cần anh Muốc ngưng lại tích tắc là mất dấu tội phạm ngay. Và nếu không có anh thì khó lòng bắt được băng nhóm này. Tôi quyết định cho phép anh Muốc bám đối tượng đến cùng. Tôi dám làm, dám chịu trước quyết định của mình. Từ gương anh Muốc, anh em trong đơn vị cũng luôn tự kiểm lại mình.

Trung tá LÂM NGỌC THỨC,
Trưởng Công an xã Phước Kiển, Nhà Bè

Có đận tôi làm xe ôm, thấy anh đi tuần đêm hoài trên sông rạch mà thương quá, tôi lấy xuồng ba lá chở anh đi tuần lòng vòng trên sông trong trời lạnh từ đêm đến sáng. Sau đó tôi cũng tham gia bắt nhiều vụ cướp trên địa bàn, có nhiều giấy khen. Tụi tôi nghĩ hỗ trợ anh Muốc với công an xã phần nào hay phần đó thôi, không ai mong bắt cướp để được giấy khen đâu.

Ông LÊ VĂN TRANG
(71 Lê Văn Lương, ấp 2, xã Phước Kiển, Nhà Bè) 

báo pháp luật tp HCM


Lượt xem: 62

Trả lời