Hợp đồng công chứng được thi hành án?

Cập nhật 03/9/2013, 09:09:38

Theo nhiều đại biểu, đây là đề xuất mang tính đột phá nhưng phải hết sức cân nhắc.

Văn bản công chứng có giá trị thi hành án, giao thẩm quyền chứng nhận bản dịch cho công chứng viên (CCV)… là những đề xuất đột phá do Bộ Tư pháp đưa ra trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công chứng. Trong phiên họp toàn thể Ủy ban Pháp luật của QH cuối tuần trước, những nội dung này đã được nhiều đại biểu cho ý kiến.

Có thể yêu cầu thi hành án

Trong dự thảo luật sửa đổi, hợp đồng công chứng có giá trị thi hành đối với các bên tham gia ký kết. “Trường hợp các bên có thỏa thuận về việc quyền yêu cầu thi hành hợp đồng mà một bên không thực hiện nghĩa vụ thì bên kia có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự tổ chức thi hành hợp đồng” – Bộ Tư pháp đề xuất. Trong trường hợp các bên không thỏa thuận thì một bên có quyền yêu cầu tòa án giải quyết theo quy định như lâu nay.

Việc quy định hợp đồng công chứng có giá trị để thi hành án còn có những ý kiến khác nhau. Trong ảnh: Giao dịch tại Phòng Công chứng số 2, TP.HCM. Ảnh: HTD

Giải thích cho đề xuất trên, Bộ Tư pháp cho rằng đây là một bước đột phá. Theo đó, trách nhiệm của các bên ký kết hợp đồng và công chứng viên được nâng cao, giảm thiểu khiếu kiện tranh chấp ra tòa án nên tiết kiệm chi phí, công sức của nhân dân. Quy định này nếu áp dụng cũng không làm giảm vai trò của tòa án vì trong trường hợp các bên không thỏa thuận hoặc có thỏa thuận nhưng vi phạm điều cấm của pháp luật, trái đạo đức xã hội thì vẫn có quyền đề nghị tòa án giải quyết. “Quy định này hoàn toàn phù hợp với thông lệ nghề công chứng của các nước theo hệ thống công chứng Latinh. Tháng 10 tới đây, Việt Nam sẽ gia nhập hiệp hội này với 150 quốc gia” – Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cho biết.

Lo ngại vì không qua tòa xử

Tuy nhiên, nhiều ý kiến chưa đồng tình với đề xuất này của Bộ Tư pháp. Theo ông Phạm Trí Thức, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật, kiến nghị này là sự đổi mới mang tính đột phá nhưng phải cân nhắc. “Ở nước ngoài, nhà 1 triệu đô thì hợp đồng công chứng đúng là 1 triệu đô. Nhưng ở Việt Nam, giá trị hợp đồng tại văn bản công chứng và thực tế lại cách xa nhau do các bên né thuế. Chưa kể nhiều trường hợp lách luật như lập hợp đồng ủy quyền thay cho mua bán…” – ông dẫn chứng. Ông Thức cho rằng quy định này chỉ khả thi trong trường hợp năng lực của CCV thực sự bảo đảm, dân trí nâng cao, hệ thống pháp luật hoàn chỉnh để kiểm soát được các giao dịch đúng thực tế.

Bà Lưu Ngọc Trâm (Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM) cho rằng trong quá trình giải quyết án dân sự, thương mại và cả hình sự có liên quan đến hợp đồng công chứng thì nhiều trường hợp văn bản công chứng che giấu cho giao dịch khác như một “bức bình phong bảo vệ cho người có tiền, người cho vay lãi nặng”. Bà Trâm đề nghị cân nhắc về nội dung này vì mặt bằng dân trí, yếu tố tự giác tuân thủ pháp luật của người dân chưa cao.

Phó Chánh án TAND Tối cao Trần Văn Độ cũng cho hay ông nghi ngờ về tính khả thi của quy định hợp đồng công chứng có giá trị để thi hành án. “Phán quyết của tòa rất chặt mà nhiều trường hợp còn khó thi hành. Trong khi văn bản công chứng chỉ do một CCV lập ra nhưng lại sử dụng bộ máy cưỡng chế của Nhà nước là không phù hợp” – ông nói.

Trước những băn khoăn trên, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cho rằng cần thử nghiệm một mô hình mới. Hơn nữa, quy định nói rất rõ: Nếu cả hai bên thỏa thuận ngay từ đầu thì mới áp dụng, còn không thì vẫn giải quyết như lâu nay.

Chưa ngã ngũ về chứng thực bản dịch

Đề xuất mở rộng quyền chứng thực bản dịch cho cơ quan công chứng thay Phòng Tư pháp quận, huyện như hiện nay trong dự thảo cũng gây nhiều ý kiến khác nhau.

Theo ông Phạm Trí Thức, chứng thực bản dịch là công việc đặc thù do nhiều văn bản tiếng nước ngoài có những ngôn ngữ lạ. CCV dù có giỏi cách mấy cũng không thể đảm đương nổi. Ông Trần Văn Độ phản ánh nhiều người dân nông thôn cho biết ở vùng sâu vùng xa rất khó tìm được cơ quan công chứng, hầu như các cơ quan này chỉ đóng ở các TP lớn. Phó Trưởng Đoàn đại biểu QH TP Hà Nội Chu Sơn Hà cho biết trước đây việc công chứng bản dịch giao cho cơ quan công chứng, sau đó chuyển cho Phòng Tư pháp, rồi giờ lại đề xuất chuyển lại cho công chứng. “Liệu có nhóm lợi ích nào trong quá trình làm luật không?” – ông đặt vấn đề.

Theo ông Hà, nếu chỉ công chứng về mặt hình thức thì không có ý nghĩa gì nhưng nếu yêu cầu công chứng về mặt nội dung thì không đơn giản. Một vị đại biểu khác nhận xét hiện nay việc công chứng bản dịch chỉ có ý nghĩa là chứng thực chữ ký người dịch chứ không phải chứng thực bản dịch. Tuy nhiên, nếu giao cho CCV thì cũng không thể đáp ứng được yêu cầu là kiểm soát được nội dung bản dịch.

Giải trình những thắc mắc này, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường khẳng định không có yếu tố lợi ích nhóm khi chuyển việc công chứng bản dịch về lại cho công chứng. “Trước kia là do cơ quan công chứng quá tải nên phải chuyển mảng này cho Phòng Tư pháp thực hiện. Hiện nay, giao việc này cho cơ quan chuyên môn sâu như công chứng thì tôi yên tâm hơn rất nhiều vì đó là nghề nghiệp của họ, khác với cơ quan hành chính nhà nước” – ông giải thích.

Tạo thuận lợi cho dân

Một nội dung mới trong dự thảo nhận được sự đồng tình cao là việc công chứng của cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài do tạo được sự thuận lợi cho những người Việt Nam đang ở nước ngoài. Theo đó, các cơ quan này được công chứng các hợp đồng, giao dịch trừ hợp đồng mua bán, chuyển nhượng, chuyển đổi, tặng cho, thế chấp, góp vốn bằng bất động sản tại Việt Nam. Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài được công chứng văn bản ủy quyền để thực hiện các quyền, nghĩa vụ liên quan đến bất động sản ở Việt Nam hoặc di chúc, văn bản từ chối nhận di sản, tặng cho toàn bộ hoặc một phần quyền hưởng di sản.

Bắt bẻ văn bản công chứng

Bộ Tư pháp cho hay trong thời gian qua văn bản công chứng chưa bảo đảm được giá trị thi hành, chưa thực sự được cơ quan tổ chức tôn trọng. Chẳng hạn, hợp đồng đã công chứng nhưng chưa có hiệu lực pháp luật, các bên không thể thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình như đã thỏa thuận do chưa đăng ký. Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất hay bắt bẻ hợp đồng công chứng hoặc làm lại công việc mà CCV đã làm như kiểm tra giấy tờ tùy thân của các bên, kiểm tra giấy chứng minh quyền sở hữu, quyền sử dụng trước khi thực hiện việc đăng ký… 

theo báo pháp luật tp HCM


Lượt xem: 25

Trả lời